Đại học sẽ chỉ đạt chuẩn khi trên 70% sinh viên tốt nghiệp hài lòng
Theo dự thảo, để đạt chuẩn, đại học cần có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hài lòng với tổng thể quá trình học tập và trải nghiệm tại trường đạt trên 70%.
Trong Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới công bố, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo phải chứng tỏ uy tín, chất lượng và hiệu quả đào tạo qua sự lựa chọn, sự tiến bộ và thành công của người học.
Theo đó, số sinh viên nhập học mới đạt trên 50% so với chỉ tiêu theo kế hoạch tuyển sinh, đồng thời hệ số biến động nhập học trung bình của 3 năm gần nhất không thấp hơn -10%.
Tỷ lệ thôi học sẽ được xác định bằng tỷ lệ sinh viên thôi học tại trường hàng năm mà chưa tốt nghiệp. Bộ yêu cầu tỷ lệ này không quá 10% đối với toàn cơ sở đào tạo và 15% đối với sinh viên sau năm thứ nhất.
Về tỷ lệ tốt nghiệp, con số được xác định bằng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong khung thời gian không vượt quá 1,5 thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn và không thấp hơn 70%. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn không thấp hơn 50%.
Đối với tỷ lệ có việc làm, bộ đặt ra yêu cầu xác định con số bằng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm, tự tạo việc làm phù hợp với trình độ đào tạo hoặc học tiếp trình độ cao hơn trong thời gian 12 tháng (18 tháng đối với ngành Y khoa) không thấp hơn 70%.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hài lòng với tổng thể quá trình học tập và trải nghiệm tại trường phải đạt trên 70%.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo phải có đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ và năng lực, gắn bó với nhà trường để bảo đảm chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.
Theo đó, tỷ lệ sinh viên quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực và hình thức đào tạo trên giảng viên toàn thời gian không vượt quá 40. Tỷ lệ giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động, tính trên số giảng viên toàn thời gian, không thấp hơn 80%.
Về số lượng, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tính trên số giảng viên toàn thời gian, bộ yêu cầu đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù.
Đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ phải đạt trên 40%. Từ năm 2025, con số cần tăng trên 50%. Riêng các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ sẽ cần đạt trên 20%.
Ngoài ra, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ thôi việc, chuyển công tác trong một năm, tính trên tổng số giảng viên toàn thời gian, không được quá 5%. Tỷ lệ sinh viên hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy cần đạt trên 70%.
Ngoài các yêu cầu về số lượng, tỷ lệ sinh viên và giảng viên, Bộ GD&ĐT quy định cơ sở đào tạo phải có hạ tầng khuôn viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, hệ thống thông tin và học liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng dạy và học.
Cụ thể, diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 m2 đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có). Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo và nghiên cứu trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ và lĩnh vực đào tạo, không nhỏ hơn 5 m2.
Bên cạnh đó, bộ yêu cầu tất cả chương trình đào tạo, trừ các chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng, phải được rà soát, cập nhật và đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo.
Số đầu sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một ngành đào tạo ở các trình độ đào tạo không nhỏ hơn 50; số bản sách giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc tính bình quân trên một sinh viên, quy chuẩn theo trình độ đào tạo, không nhỏ hơn 5.
Về việc đầu tư máy tính, số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên 1.000 sinh viên không nhỏ hơn 50, tốc độ đường truyền Internet trên1.000 sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps. Tỷ lệ sinh viên hài lòng về điều kiện dạy và học của cơ sở đào tạo cũng phải đạt trên 70%.