Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long: Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển miền Tây Nam Bộ
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và xã hội tại khu vực phía Nam. Hiện trường đào tạo 6 chuyên ngành tiến sĩ, 16 chuyên ngành thạc sĩ và 47 chuyên ngành ĐH, với gần 12.000 học viên, sinh viên hiện đang theo học.
63 năm xây dựng và phát triển
Tiền thân của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là Trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long được thành lập vào năm 1960. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trường được Chính phủ tiếp quản và giao cho Bộ Lao động quản lý. Ngày 31/5/1976, Bộ trưởng Bộ Lao động ký Quyết định số 144/QĐ-LĐ thành lập Trường Giáo viên dạy nghề Cửu Long, trên cơ sở Trường Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long, trực thuộc Tổng cục đào tạo Công nhân Kỹ thuật (Bộ Lao động), có chức năng đào tạo giáo viên dạy nghề bậc trung học với quy mô đào tạo 600 giáo sinh.
Ngày 21/8/1978, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề ký Quyết định số 189/DN-QĐ đổi tên Trường Giáo viên Dạy nghề Cửu Long thuộc Tổng cục Đào tạo Công nhân Kỹ thuật, Bộ Lao động thành Trường Sư phạm Kỹ thuật IV, trực thuộc Tổng cục Dạy nghề (Cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng).
Ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 793/TTg nâng cấp Trường Sư phạm Kỹ thuật IV thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật IV, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên sư phạm kỹ thuật trình độ cao đẳng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ngày 3/7/1998, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký Quyết định số 650/1998/QĐ-LĐTBXH đổi tên Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật IV thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, trực thuộc Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký Quyết định số 1757/QĐ-LĐTBXH chuyển Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long từ Tổng cục Dạy nghề về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2152/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Hiện nay, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là trường đại học trọng điểm quốc gia, có uy tín, chất lượng ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong nước và khu vực ASEAN, thu hút nhiều sinh viên trong nước và các nước trong khu vực đến họ.
Đây còn là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và cán bộ kỹ thuật đa ngành, đa bậc; là trung tâm đánh giá kỹ năng nghề, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kỹ thuật – công nghệ, kinh tế - xã hội phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Định hướng phát triển tiệm cận với các trường đại học lớn trên thế giới
Với quyết tâm đưa chất lượng Trường Đại học SPKT Vĩnh Long tiệm cận với trình độ các trường ĐH lớn trên thế giới, nhà trường chú trọng nâng cao trình độ giảng viên; đầu tư thiết bị thực hành; mở rộng liên kết với các đối tác uy tín quốc tế nhằm nâng cao năng lực đào tạo phù hợp với trình độ thế giới.
Hàng năm, nhà trường phối hợp với các trường đại học, các viện đào tạo trong và ngoài nước mở các lớp nâng cao năng lực chuyên môn ngắn hạn, chuyên sâu. Khuyến khích và tạo điều kiện đưa giảng viên nâng cao trình độ ngoài nước, nhất là các quốc gia, các trường đại học hàng đầu trên thế giới về khoa học công nghệ.
Song song đó, khuyến khích đội ngũ giảng viên trẻ tìm kiếm học bổng và học nghiên cứu sinh ở nước ngoài, phù hợp với hướng chuyên môn. Hiện nay, toàn trường có 41 tiến sĩ, trong đó có 3 nhà giáo đạt chức danh phó giáo sư, bên cạnh đó là 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững vàng phục vụ cho công tác giảng dạy.
Nhà trường cũng đã cử nhiều cán bộ giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ ở trong nước và ở các trường ĐH nổi tiếng tại các quốc gia tiên tiến và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan
Đứng trước những cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0, Trường ĐH SPKT Vĩnh Long đã xây dựng chiến lược đón đầu công nghệ thông qua đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy thực hành như: Hệ thống thiết bị của Festo, Siemens (Đức), hệ thống thủy lực khí nén của hãng SMC (Nhật Bản), các máy gia công CNC của Công ty HASS, máy in 3D kim loại (Hoa Kỳ)...
Trung tâm năng lượng điện tái tạo, thực hành ô tô điện và các thiết bị điện được đầu tư từ VinFast; Trung tâm đào tạo kỹ thuật Toyota. Các hệ thống máy chủ, siêu máy tính với cấu hình mạnh được ứng dụng điện toán đám mây. Công nghệ này đã được Nhà trường sử dụng trong 2 cuộc thi cấp quốc gia là Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc năm 2021 và Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021 theo hình thức trực tuyến, hình thức lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam và thế giới. Kết quả đã mang lại thành công vượt ngoài mong đợi, nhận được sự đánh giá cao của các đơn vị, của lãnh đạo trung ương và của toàn xã hội.
Song song đó, ứng dụng nhận diện khuôn mặt dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) được Nhà trường đào tạo và đưa vào sử dụng trong công tác quản lý điều hành; hệ thống BigData điều khiển thông minh nhà màng công nghệ cao tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh.
Năm 2022, với lợi thế là một trong 16 trường được thụ hưởng nguồn kinh phí dự án SKIEG từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) là 8,4 triệu USD cho các trang thiết bị công nghệ hiện đại nhất ở các lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thực phẩm.
Đây sẽ là đòn bẩy nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.
Liên kết quốc tế, vươn tầm thế giới
Hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) được xem là hoạt động chiến lược và đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển. Nhà trường đã xây dựng và phát triển nhiều mối quan hệ truyền thống lâu bền và vững chắc với các đối tác quốc tế như Hiệp hội kỹ thuật và giáo dục nghề nghiệp châu Á - TVET; các ĐH tại Liên Bang Nga (ĐH Tổng hợp kỹ thuật Quốc gia Volgrad, Nhà trường có 2 giảng viên đang nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Liên bang Kazan); ĐH Aix-Marseille (Pháp); các ĐH tại Hàn Quốc (ĐH Incheon, ĐH Tongmyong, ĐH Koreatech); tại Nhật Bản có ĐH Tokuyama; tại Thái Lan có ĐH công nghệ Rajamangala…
Dưới hình thức “du học tại chỗ”, năm 2019, được sự phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường ĐH SPKT Vĩnh Long và ĐH Tongmyong (Hàn Quốc) đã ký kết hợp tác đào tạo chương trình chất lượng cao 2+2. Đến nay, đã có 11 chuyên ngành được đào tạo với gần 150 sinh viên. Năm 2021, nhà trường tiến hành hợp tác với tổ chức ASIIN (Đức) cho các chương trình và các bậc đào tạo của nhà trường. Đây có thể nói là bước tiến quan trọng trên con đường phát triển, đưa nhà trường tiệm cận với chương trình đào tạo của các nước có kỹ thuật công nghệ hàng đầu thế giới.
Liên kết quốc tế thực sự đã giúp nhà trường thực hiện những bước đi vững chắc trong hội nhập giáo dục đào tạo quốc tế. Thông qua các hoạt động này, Nhà trường từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên có thể đảm đương giảng dạy các chương trình quốc tế, thực hiện việc trao đổi giảng viên với nhiều trường ÐH trên thế giới.
Tháng 10/2023, Trường ĐH SPKT Vĩnh Long tổ chức xuất quân đưa sinh viên sang Hàn Quốc tham gia khóa huấn luyện tại Tập đoàn Samsung để chuẩn bị cho kỳ thi KNN thế giới năm 2024. Trong đó, sinh viên Hồ Chí Nguyên – Khoa Công nghệ thông tin của VLUTE là 1 trong 2 sinh viên đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được tập đoàn lựa chọn để đào tạo, huấn luyện tại Hàn Quốc với nghề Quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin. Sự kiện này cho thấy Trường ĐH SPKT Vĩnh Long đang thực hiện sứ mạng đào tạo, phát triển giáo dục đã ngang tầm với nền giáo dục tiên tiến của các quốc gia trên thế giới.
Là trường đại học đạt kiểm định theo Thông tư 12 và thụ hưởng nguồn vốn 8,4 triệu UST của Ngân hàng ADB đầu tư cho các ngành đào tạo hứa hẹn mang đến môi trường thân thiện, thông minh và hiện đại cho sinh viên, giảng viên nhà trường. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tâm huyết với nghề, trong thời gian qua sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt tỷ lệ trên 92%, đặc biệt nhiều sinh viên sau tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng làm việc tại Nhật Bản.