Đại học Xây dựng Hà Nội đào tạo kỹ sư đường sắt tốc độ cao từ năm 2025
Từ năm 2025, trường Đại học Xây dựng Hà Nội chính thức tuyển sinh ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, giai đoạn 2025-2030, toàn ngành cần khoảng 338.000 lao động, trong đó có gần 9.200 nhân sự quản lý dự án và gần 13.000 nhân sự tư vấn. Việc đào tạo bài bản đội ngũ kỹ sư là yếu tố then chốt bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Khai giảng lớp kỹ sư văn bằng 2 ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị cho 35 học viên trúng tuyển tháng 12/2024.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành đề án đào tạo nhân lực ngành đường sắt theo cơ chế công - tư kết hợp, gắn với thực tiễn triển khai cao tốc và đường sắt tốc độ cao.
Chuyên ngành mới tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ đào tạo trong 4,5 năm, cấp bằng kỹ sư, trang bị đầy đủ kiến thức từ nền tảng đến chuyên sâu. Sinh viên sẽ học các môn như: Khai thác - kiểm định hệ thống đường sắt, thiết kế kết cấu đường sắt tốc độ cao, ứng dụng BIM và công nghệ số trong thi công, vận hành.
TS Cù Việt Hưng, Trưởng khoa Cầu đường cho biết: "Đây là chuyên ngành đầu tiên tại Việt Nam tập trung đào tạo kỹ sư phục vụ các công trình đường sắt có tính phức tạp cao, đón đầu các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hệ thống metro Hà Nội và TP.HCM".
Bên cạnh học lý thuyết, sinh viên còn được thực tập tại các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công và doanh nghiệp vận hành đường sắt. Cơ hội nghề nghiệp trải rộng tại các sở ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, hoặc học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và quốc tế.
Sinh viên còn có thể nhận các học bổng uy tín như CSC (150 triệu đồng), KOVA, HESSEN (Đức), SILKROAD… cùng nhiều giải thưởng chuyên ngành.
Trước đó, trường đã khai giảng lớp kỹ sư văn bằng 2 ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông - chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị cho 35 học viên. Đây là chương trình đặt hàng nhân lực trực tiếp từ Tổng công ty CP Vinaconex.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhằm thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường sắt.
Việc mở ngành học mới không chỉ góp phần giải bài toán nhân lực, mà còn khẳng định vai trò của Đại học Xây dựng Hà Nội trong chiến lược hiện đại hóa hạ tầng và phát triển bền vững quốc gia.