Ứng dụng công nghệ bảo tồn, nhân giống sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh, loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, không chỉ là biểu tượng của tài nguyên bản địa mà còn được xác định là sản phẩm quốc gia, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các xã miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

Chăm sóc cây sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri, tỉnh Quảng Ngãi.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào bảo tồn, nhân giống và sản xuất thương mại sâm Ngọc Linh đang mở ra một hướng đi mới, mang lại giá trị kinh tế to lớn và góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việt Nam được giới khoa học đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, trong đó sâm Ngọc Linh (tên khoa học Panax vietnamensis Ha et Grushv.) đã được khẳng định là một trong những loài sâm quý hiếm nhất thế giới. Phân bố tại độ cao từ 1.200 đến 2.100 m trên dãy núi Ngọc Linh, loài sâm này sở hữu đặc tính dược lý vượt trội với hàm lượng saponin cao, có tác dụng tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh và chống oxy hóa mạnh mẽ.
Bảo tồn gắn với phát triển
Từ năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, xác định sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực quốc gia, hướng tới xây dựng thương hiệu “Sâm Việt Nam” có giá trị vượt trội trên bản đồ dược liệu thế giới. PGS, TS Lê Hùng Lĩnh, Bộ môn Sinh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: “Sâm Ngọc Linh là loài bản địa, có đặc tính sinh trưởng chậm, hệ số nhân giống thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường. Do vậy, ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu chọn tạo giống, nhân giống vô tính và sản xuất nguyên liệu sâm là chìa khóa quan trọng để bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý giá này”.
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, địa phương đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai năm nhiệm vụ thuộc hai dự án khoa học và công nghệ trong khuôn khổ “Sản phẩm quốc gia - Sâm Việt Nam”. Trong đó, dự án “Hoàn thiện quy trình ứng dụng chỉ thị phân tử và công nghệ phá ngủ nghỉ trong sản xuất giống ổn định, hiệu quả và canh tác Sâm Ngọc Linh trong nhà màng” do Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum chủ trì, đang từng bước tạo đột phá về năng suất và chất lượng giống sâm thương phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu cấp tỉnh được triển khai như: xây dựng tiêu chuẩn cây giống, khảo sát thành phần hóa học và định lượng saponin trong thân, lá sâm, nghiên cứu bảo quản sâm củ, hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ công nghệ chế biến sản phẩm từ sâm như cao sâm khô hay trà ô long sâm Ngọc Linh.
Viện Di truyền Nông nghiệp đã thiết kế được 500 chỉ thị phân tử SSR đặc hiệu, hỗ trợ xác định chính xác các đặc điểm di truyền liên quan đến hàm lượng ginsenoside và năng suất. Đây là cơ sở khoa học để chọn tạo giống mới có chất lượng cao và khả năng kháng bệnh tốt. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xây dựng thành công quy trình phân biệt sâm Ngọc Linh bằng chỉ thị phân tử, phương pháp có thể nhận diện sâm thật ở mọi giai đoạn phát triển, với độ chính xác cao, chi phí hợp lý và thời gian kiểm tra nhanh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thị trường sâm hiện nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn hàng giả, hàng nhái.
Bí thư xã Tu Mơ Rông, tỉnh Quảng Ngãi Võ Trung Mạnh bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở cho sâm Ngọc Linh trồng tại Tu Mơ Rông, tiến tới thiết lập các bộ tiêu chuẩn cấp cao hơn, làm căn cứ khoa học và pháp lý để bảo hộ giống, bảo vệ thương hiệu và thúc đẩy thương mại hóa”.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm Việt Nam
Trong hơn 50 năm qua, sự quan tâm của giới khoa học đối với sâm Ngọc Linh không chỉ dừng lại ở yếu tố “quý hiếm” hay “đặc hữu”, mà ngày càng được mở rộng sang các lĩnh vực chuyên sâu hơn như sinh học phân tử, công nghệ sinh học, hóa dược, sinh lý học, công nghệ chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, quản trị chất lượng và phát triển sản phẩm có hàm lượng tri thức cao. Để xây dựng thương hiệu quốc gia “Sâm Việt Nam”, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang triển khai dự án mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý tại các xã có điều kiện trồng thích hợp tại tỉnh Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Theo nhiều chuyên gia về sở hữu trí tuệ nhận định, chỉ dẫn địa lý là công cụ pháp lý bảo vệ sản phẩm, vừa là chìa khóa mở cánh cửa thị trường quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu khoa học, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến, phát triển sản phẩm mới và mở rộng hệ thống phân phối. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về vốn đầu tư, nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là kiểm soát thị trường để chống lại hàng giả, hàng nhái.
Đồng chí Võ Trung Mạnh khẳng định: “Tu Mơ Rông cam kết đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, giới khoa học và doanh nghiệp trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển bền vững sâm Ngọc Linh, để sản phẩm không chỉ là “quốc bảo”, mà còn là “quốc kế dân sinh”, mang lại sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân núi Ngọc Linh”.
Việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị sẽ là những trụ cột để phát triển ngành sâm bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa của đất nước.