Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024

Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 theo 5 phương thức xét tuyển, với tổng chỉ tiêu dự kiến là 2516.

Phương thức tuyển sinh Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024:

Nhà trường xét tuyển theo 5 phương thức:

Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Điều kiện xét tuyển:

Các thí sinh có tổng điểm thi của 3 bài thi/môn thi Toán, Hóa học, Sinh học hoặc Toán, Vật lý, Hóa học và điểm ưu tiên (nếu có) phải bằng hoặc trên mức điểm tối thiểu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Hội đồng tuyển sinh Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh quy định.

Chỉ tiêu:

Được xác định của từng ngành, sau khi trừ số học sinh được xét theo phương thức khác (bao gồm số học sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị đại học của các trường Dự bị đại học phân bổ về trường), số thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (phương thức 2), số thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi SAT (phương thức 3).

Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Điều kiện xét tuyển:

Chỉ xét tuyển những thí sinh đã nộp bản sao chứng thực chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và đạt yêu cầu sơ tuyển theo quy định của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Các thí sinh có tổng điểm thi của 3 bài thi/môn thi Toán, Hóa học, Sinh học hoặc Toán, Vật lý, Hóa học và điểm ưu tiên (nếu có) phải bằng hoặc trên mức điểm tối thiểu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Hội đồng tuyển sinh Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh quy định.

Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn từ ngày 08/7/2022 đến ngày 26/7/2024. Thí sinh đạt IELTS Academic 6.0 trở lên đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào tất các các ngành;

Thí sinh đạt IELTS Academic từ 5.0 đến dưới 6.0 đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào các ngành:

- Hóa dược

- Điều dưỡng

- Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức

- Hộ sinh

- Dinh dưỡng

- Kỹ thuật phục hình răng

- Kỹ thuật xét nghiệm y học

- Kỹ thuật hình ảnh y học

- Kỹ thuật phục hồi chức năng

- Y tế công cộng

Đơn vị cấp chứng chỉ IELTS:

- British Council (BC);

- International Development Program (IDP)

Nhà trường sẽ kiểm tra chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bản gốc khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển.

Nguyên tắc xét tuyển chung của phương thức 1 và 2:

- Điểm xét tuyển: là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của tổ hợp xét tuyển B00 hoặc A00 cộng với điểm ưu tiên theo quy định.

Điểm xét tuyển = tổng điểm các bài thi/môn thi (a) + điểm ưu tiên (b)

(a) = điểm bài thi Toán + điểm môn thi Sinh học + điểm môn thi Hóa học hoặc:

(a) điểm bài thi Toán + điểm môn thi Vật lý + điểm môn thi Hóa học

(b) Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên theo quy định.

Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm, khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên;

Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng UT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng UT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm;

Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất. Các mức điểm ưu tiên tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi (không nhân hệ số).

- Điểm trúng tuyển: là điểm xét tuyển thấp nhất mà thí sinh được xét trúng tuyển cho ngành đào tạo phù hợp với số lượng chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Điểm trúng tuyển của các thí sinh ở phương thức 2 không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở phương thức 1 trong cùng 1 ngành là 2,0 điểm.

Trong trường hợp phương thức 2, phương thức 3, phương thức 4 và phương thức 5 không tuyển đủ chỉ tiêu thì chỉ tiêu còn lại của phương thức 2, phương thức 3, phương thức 4 và phương thức 5 sẽ được cộng dồn vào chỉ tiêu của phương thức 1.

Hội đồng tuyển sinh sẽ lập danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành theo thứ tự giảm dần của điểm xét tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển được chọn theo điểm xét tuyển, tuần tự từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test).

Điều kiện xét tuyển:

- Xét tuyển những thí sinh có kết quả trong kỳ thi SAT đạt điểm từ 1340 trở lên. Thí sinh chỉ chọn 1 kết quả điểm trong số các kỳ thi còn giá trị sử dụng.

- Thời hạn chứng chỉ SAT: từ ngày 08/7/2022 đến ngày 26/7/2024.

- Điều kiện cần để xét tuyển: thí sinh phải tốt nghiệp THPT và kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tổng điểm thi của 3 bài thi/môn thi Toán, Hóa học, Sinh học và điểm ưu tiên (nếu có) phải bằng hoặc trên mức điểm tối thiểu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Hội đồng tuyển sinh Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh quy định.

Ngành xét tuyển:

- Y khoa; Răng - Hàm - Mặt.

Nguyên tắc xét tuyển:

Điểm xét tuyển: sử dụng điểm SAT để xét tuyển. Hội đồng tuyển sinh sẽ lập danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển của từng ngành theo thứ tự giảm dần của điểm xét tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển được chọn theo điểm xét tuyển, tuần tự từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Phương thức 4: Xét tuyển thẳng theo Điều 8 Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024.

Đối tượng xét tuyển thẳng:

Đối tượng tuyển thẳng vào đại học được xét theo quy định tại Điều 8 Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường. Cụ thể như sau:

Thí sinh thuộc diện Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyển thẳng vào học đại học một trong tất cả các ngành.

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia, thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng, đã tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia, thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng, đã tốt nghiệp THPT có dự án hoặc nội dung đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến:

Lĩnh vực y, sinh học và nội dung đề tài phù hợp với ngành đào tạo: Giải nhất được tuyển thẳng vào học đại học ngành Y học cổ truyền, Y học dự phòng; Giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào học đại học một trong các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hình răng, Dinh dưỡng.

Lĩnh vực hóa học, dược học và nội dung đề tài phù hợp với ngành đào tạo: Giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào học đại học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Hóa dược. Việc xác định nội dung đề tài nghiên cứu khoa học liên quan và phù hợp với ngành đào tạo do Hội đồng tuyển sinh quyết định.

Phương thức 5: Dự bị đại học. Nhà trường không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, THPT quốc gia các năm trước để xét tuyển.

Đối tượng dự bị đại học:

- Là các học sinh dự bị đại học của Trường Dự bị đại học TP. Hồ Chí Minh và Trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang;

- Các học sinh này thuộc đối tượng và đủ điều kiện tuyển sinh quy định tại Quy chế tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; xét chuyển vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học ban hành kèm theo Thông tư số 44/2021/TT-BGDĐT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đã hoàn thành chương trình dự bị đại học, được Trường Dự bị đại học phân bổ chỉ tiêu;

- Các học sinh dự bị đại học đáp ứng được điều kiện xét tuyển vào Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

+ Đối tượng xét tuyển là người dân tộc Kinh không vượt quá 5% tổng số chỉ tiêu;

+ Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học hệ chính quy năm 2023 theo Thông báo số 1335/TB-ĐHYD ngày 24/7/2023 của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Phương án xét dự bị đại học:

Căn cứ chỉ tiêu được thống nhất và điều kiện xét tuyển, Trường Dự bị đại học phê duyệt kết quả xét chuyển học sinh hoàn thành dự bị đại học và gửi hồ sơ về Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Nhà trường xét duyệt lại hồ sơ và thông báo kết quả học sinh đủ điều kiện trúng tuyển chậm nhất là ngày 10/7/2024.

Học sinh dự bị đại học sau khi đã có kết quả đủ điều kiện trúng tuyển vào Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện đăng ký xét tuyển đúng nguyện vọng trên Hệ thống hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 18/7 đến 17 giờ 00 ngày 30/7/2024.

Học sinh dự bị đại học trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống chậm nhất là 17 giờ 00 ngày 27/8/2024. Quá thời hạn trên, học sinh dự bị đại học không xác nhận nhập học theo đúng quy định xem như từ chối nhập học.

Ưu tiên xét tuyển: Trường không có ưu tiên xét tuyển.

Nhà trường không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT, THPT quốc gia các năm trước để xét tuyển.

Sinh viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ tiêu tuyển sinh Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024:

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dai-hoc-y-duoc-thanh-pho-ho-chi-minh-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-nam-2024-122123.htm