Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 của CII lại bất thành
Với số cổ đông, đại diện ủy quyền cổ đông dự họp trực tiếp lên đến hơn 210 người được Ban tổ chức CII đánh giá là đông hơn so với mọi năm, dẫu vậy, tỷ lệ vẫn không đủ để ĐHCĐ bất thường tiến hành.
Trước đó, ngày 15/9, CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã công bố, số lượng cổ đông đăng ký tham dự và/hoặc ủy quyền tham dự ĐHCĐ vẫn chưa đạt trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại ĐHCĐ bất thường năm 2023.
Con số này khiến giới đầu tư dự đoán rằng, khả năng cao ĐHCĐ bất thường lần này của CII lại bất thành như các lần tổ chức ĐHCĐ thường niên trước.
Theo báo cáo cáo của ban kiểm soát, tổng số cổ phiếu lưu hành 284 triệu cổ phiếu, (24/7/2023), tương ứng 33.498 cổ đông, tới 9h cùng ngày, có hơn 210 cổ đông/đại diện ủy quyền cổ đông, sở hữu khoảng 88 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ hơn 31% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo đó, ĐHCĐ bất thường của CII không thể tiến hành vì không đạt tỷ lệ.
Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII cho biết, dù số cổ đông tham dự khá đông, trên 200 cổ đông, là đông hơn mọi năm, nhưng vẫn không đủ tỷ lệ tổ chức.
Ông Hoàng cho biết, thời gian qua có nhiều DN kinh doanh khó khăn, có DN không còn dấu hiệu hoạt động. Với CII, dù so với mức độ tăng trưởng các năm trước chậm đi nhưng tình hình hoạt động còn khả quan. Hiện nay, 5 trạm thu phí, trừ lúc sự cố do Covid thì sau đó, hoạt động rất khá, mang về doanh thu tốt, tăng trưởng ổn. Đây là tín hiệu vui, chỉ có mảng bất động sản thì chậm lại theo tình hình chung của thị trường bất động sản.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII chia sẻ, ĐHCĐ bất thường lần này có nội dung quan trọng là thông qua chủ trương nghiên cứu các dự án đầu tư. Tháng 6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 (NQ98), trong đó cho phép TP.HCM đầu tư theo hình thức PPP (BOT hoặc PP) trên tuyến đường hiện hữu. Đây là chương trình lớn của TP.HCM.
Theo ông Bình, ở góc độ CII, có 2 vấn đề khác biệt, xác định rằng đầu tư dự án BOT không phải chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, mà phải trên nguyên tắc kết nối tổng thể, nâng cao năng lực thông hành, kết nối và giải quyết các vấn đề ách tắc giao thông, chứ không phải để di dời từ điểm kẹt xe từ vị trí này sang vị trí khác.
Với CII, đề xuất các dự án với TP.HCM, thứ nhất là mở rộng từ ngã tư An Sương đến Vành đai 2 thì đề xuất kéo dài từ vành đai 2 về đến công viên Hoàng Văn Thụ, đoạn từ Hoàng Văn Thụ đến đường Trường Chinh làm đường trên cao, đáp xuống Trường Chinh thì các nút giao sẽ làm hầm, và ra đến quốc lộ 22 cũng vậy.
Bắt đầu từ Hoàng Văn Thụ ra vành đai 2 dài 17-18km sẽ không có đèn xanh đèn đỏ, xe được lưu thông liên tục. Đây là dự án mà CII đề xuất kéo dài quy mô dự án, tổng mức đầu tư ước tính 19.000 tỷ đồng
Dự án 2 là dự án kết nối sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Long Thành qua 2 trục đường Phạm Văn Đồng- Ung Văn khiêm – cầu Sài Gòn kết nối về quận 1, tương tự dự án mở rộng Quốc lộ 22, xây các hầm chui và cầu vượt để đảm bảo từ sân bay Tân Sơn Nhất về quận 1 không đèn xanh đỏ mới tạo lưu thông nhanh. Đồng thời, đoạn Phạm Văn Đồng nối tiếp Vành đai 2 kết nối ngã tư Bình Thái - Gò Dưa – Xa lộ Hà Nội – kết nối cao tốc ra sân bay Long Thành cũng không đèn xanh đỏ
Dự án 3 là dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) làm hầm chui thay vì đường trên cao thì kết nối được khu dân cư sử dụng tuyến đường.
Dự án 4 là dự án nút giao nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An.
Dự án 5 là dự án Cao tốc Tp.HCM- Trung Lương – Mỹ thuận giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng. Và dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
“Nếu được ĐHCĐ lần này phê duyệt, thì HĐQT, BĐH sẽ nghiên cứu sâu hơn, nhưng rất tiếc ĐHCĐ bất thành”, ông Bình nói.
Tổng quy mô vốn đầu tư các dự án BOT này lên đến 75.000 tỷ đồng.
Đối với hoạt động mở rộng đầu tư sang lĩnh vực mới, CII dự kiến sẽ mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng y tế. Công ty cho biết đang nghiên cứu hợp tác với các bệnh viện tên tuổi tại TP HCM, bao gồm khối nhà nước và tư nhân, để đầu tư hạ tầng dịch vụ trong lĩnh vực khám chữa bệnh như hợp tác xây dựng phòng khám, cơ sở lưu trú y tế đặt tại các khu vực cửa ngõ kết nối TP HCM với các tỉnh lân cận, tận dụng các tuyến cao tốc để bệnh nhân ngoại tỉnh có thể thuận tiện di chuyển, đồng thời giảm tải cho những khu vực khám nội thành.
Công ty cũng đang nghiên cứu phát triển bất động sản hưu trí kết hợp chăm sóc y tế, nhắm tới tệp khách hàng trung niên, sắp về hưu, có gia đình có người cao tuổi, cũng như Việt kiều và người nước ngoài có mong muốn lựa chọn Việt Nam là nơi nghỉ hưu, an dưỡng điền viên cùng con cháu. Loại hình bất động sản này sẽ được đặt ở những vị trí có khả năng kết nối với các tuyến cao tốc đã và đang được hình thành nhằm rút ngắn thời gian di chuyển tới TP HCM.
Ngoài ra, CII trình cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh từ kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê sang kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết kinh doanh bất động sản (không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hạ tầng)).
CII cho biết Nghị định 31/2021 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định “Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng kỹ thuật đó” là ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh là cần thiết để phù hợp với giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hiện tại tại Công ty CII. Đồng thời, việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại.