Đại hội đồng cổ đông TEG: Tập trung nguồn lực cho năng lượng, có lộ trình rút khỏi mảng bất động sản
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) cho biết, việc tập trung nguồn lực cho mảng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo là hướng đi phù hợp với xu thế, nhất là với xu hướng chuyển dịch xanh hiện nay.
Xây nền 2024
Ngày 12/4/2024, Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) đã tổ chức đại hội cổ đông. Thông tin tại Đại hội, Ban lãnh đạo TEG cho biết, bối cảnh kinh doanh tại 2 mảng hoạt động chủ chốt là năng lượng và bất động sản năm 2023 rất khó khăn.
Đối với lĩnh vực năng lượng, tuy Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII (Quy hoạch điện VIII) đã được thông qua vào tháng 5/2023, nhưng Kế hoạch phát triển điện lực quốc gia đến tháng 4/2024 mới được phê duyệt. Ngoài ra, các quy định về cơ chế đấu thầu/đấu giá/khung giá cho việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế cho các dự án điện khí LNG mới vẫn chưa được ban hành. Điều này dẫn tới đầu tư cho ngành năng lượng suy giảm, nhiều dự án năng lượng lớn chậm tiến độ.
Đối với lĩnh vực bất động sản, thị trường bước vào năm 2023 với hàng loạt khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị tháo gỡ vướng mắc cho thị trường, nhiều chính sách mới được ban hành, có thể kể tới như Ban hành Nghị định 08 giải cứu trái phiếu doanh nghiệp; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội; sản phẩm Condotel được cấp sổ hồng…
Tuy nhiên, tổng kết năm 2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng trầm lắng kéo dài và chỉ có tín hiệu tích cực hơn về cuối năm.
Trong bối cảnh này, TEG ghi nhận doanh thu 325,52 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 68,24 tỷ đồng, lần lượt đạt 96,83% và 73,26% kế hoạch đặt ra.
Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, cả 2 lĩnh vực chính là năng lượng và bất động sản đều gặp thử thách, tuy TEG chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhưng Ban điều hành đã có nhiều nỗ lực điều hành linh hoạt, quyết đoán, giúp Công ty duy trì hoạt động ổn định, cơ cấu doanh thu có sự chuyển biến tích cực, thu được lợi nhuận khả quan.
“Một số điểm nhấn trong năm 2023 có thể kể tới như việc TEG được UBCK chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 1.208,07 tỷ đồng, bổ sung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, khát vọng đề ra. Bên cạnh đó, Công ty đã thoái vốn tại một số doanh nghiệp do công ty con là Năng lượng Trường Thành (TTP) sở hữu, từ đó có thêm nguồn lực, số dư khả dụng để thực hiện mục tiêu tham gia sâu hơn vào lĩnh vực năng lượng và nắm giữ tại các dự án tiềm năng với tỷ lệ lên tới 51%”, ông Kiên cho biết.
Nhận định thị trường năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn với cả 2 mảng hoạt động của doanh nghiệp, lãnh đạo TEG cho rằng, cả 2 lĩnh vực năng lượng và bất động sản trong bối cảnh này chưa thể tạo ra sức bật ngay trong năm 2024, nhưng việc chuẩn bị kỹ càng hôm nay sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển trong thời gian tới.
Đại hội đã thông qua mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 556,13 tỷ đồng, tăng 70,8% so với thực hiện năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 70,38 tỷ đồng, tương đương 86,19% thực hiện năm 2023, nguyên nhân là sẽ không có hoạt động thoái vốn đóng góp vào lợi nhuận hoạt động tài chính.
Có lộ trình rút khỏi mảng bất động sản
Chia sẻ tầm nhìn dài hạn, Ban lãnh đạo TEG cho biết, đối với lĩnh vực bất động sản, điểm nhấn trong thời gian qua là Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cả hai luật này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới. Để hoàn thiện và ứng dụng Luật Đất đai sửa đổi cần thêm nhiều Nghị định, thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách sẽ ngày càng chặt chẽ, rất khó cho doanh nghiệp
“Định hướng của TEG là dần thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản và tập trung vào mảng cốt lõi là năng lượng. Tất nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình, bởi một số dự án đang triển khai vẫn mang lại hiệu quả và chưa thể thoái vốn ngay. Chúng tôi sẽ tính toán để phân loại, sắp xếp và hành động phù hợp với tình hình thực tế. Việc tập trung nguồn lực cho mảng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo là hướng đi phù hợp với xu thế, nhất là với xu hướng chuyển dịch xanh hiện nay”, ông Kiên chia sẻ.
Lãnh đạo TEG nhấn mạnh, Công ty có thể tận dụng lợi thế từ cổ đông lớn hiện nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành (TTVN) – đơn vị đang hợp tác với các doanh nghiệp năng lượng hàng đầu Nhật Bản - để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn Trường Thành, Công ty Tokyo Gas và Công ty Kyunden của Nhật Bản là tổ hợp nhà đầu tư thực hiện Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình quy mô đầu tư 2 tỷ USD, tổng công suất thiết kế 1.500 MW.
“Theo thỏa thuận của các nhà đầu tư, Tập đoàn Trường Thành hoặc các công ty con được TTVN chỉ định sẽ được ưu tiên tham gia các gói thầu trong nước của Dự án. Lãnh đạo Tập đoàn cũng chủ động giao TEG xúc tiến làm việc, hợp tác với các đối tác phù hợp, chuẩn bị năng lực sẵn sàng tham gia các gói thầu trong nước. Theo đó, ngoài việc tập trung vào các dự án năng lượng, TEG còn tham gia các gói thầu xây dựng gắn với dự án năng lượng”, ông Kiên chia sẻ.