Đại Hội đồng Liên hợp quốc bàn về các thách thức kinh tế

Mọi con mắt đang đổ dồn về thành phố New York, Mỹ, nơi Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đang tổ chức khóa họp thứ 78 với sự tham gia của các đại diện từ khắp nơi trên thế giới để giải quyết một loạt thách thức toàn cầu. Trong đó, vấn đề tài chính phục vụ các mục tiêu phát triển chiếm một vị trí quan trọng, ngoài ra nhiều hồ sơ kinh tế 'nóng' cũng sẽ được trình bày để các nước cùng nhau thảo luận và tìm cách khắc phục nhằm đạt được các giải pháp bền vững với chi phí thấp nhất.

Tài chính cho phát triển

Tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 78 diễn ra từ ngày 18 đến 26/9 với chủ đề "Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người". Phiên thảo luận cấp cao đầu tiên của tuần lễ năm nay dành để bàn về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Theo Tổng Thư ký LHQ, 17 mục tiêu phát triển bền vững được thông qua từ năm 2015, với 169 mục tiêu nhỏ, nhưng hiện nay chỉ có 15% là đi đúng hướng.

Nhằm triển khai các bước đi khẩn cấp để thực hiện SDG vào năm 2030, các nhà lãnh đạo thế giới đã phát động một cuộc đối thoại cấp cao về tài chính cho phát triển vào ngày 20/9. Mục tiêu lớn của cuộc họp quan trọng này của Đại Hội đồng LHQ là tìm ra các giải pháp sáng tạo và thiết thực nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng các vấn đề tài chính cho phát triển bền vững đòi hỏi một giải pháp mang tính hệ thống.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng các vấn đề tài chính cho phát triển bền vững đòi hỏi một giải pháp mang tính hệ thống.

Thực tế, hầu hết các nước đang phát triển đều gặp phải vấn đề nợ nần nghiêm trọng. Và theo LHQ, cứ 3 quốc gia trên thế giới thì có 1 quốc gia có nguy cơ cao gặp phải khủng hoảng tài chính. Các quốc gia này không thể tài trợ cho tiến độ thực hiện SDG nếu họ đang phải đối mặt với chi phí vay “cắt cổ” và trả nhiều tiền cho việc trả nợ hơn là y tế hoặc giáo dục.

Các quốc gia thành viên lưu ý rằng mặc dù đã đạt được tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực hành động của Chương trình hành động Addis Ababa - lộ trình tài trợ cho các SDG - nhưng nhiều cam kết tài chính vẫn chưa được đáp ứng. Họ nói thêm rằng triển vọng kinh tế đầy thách thức trong bối cảnh ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đã khiến việc tài trợ cho SDG chịu áp lực ngày càng tăng.

Theo ông Guterres, việc tích cực mở rộng quy mô tài trợ cho SDG sẽ đòi hỏi những cách tiếp cận đổi mới, các quyết định chính sách táo bạo và các nguồn tài trợ mới.

Các quốc gia thành viên hoan nghênh đề xuất của Tổng Thư ký LHQ về Gói kích thích SDG trị giá ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm để tăng đáng kể nguồn tài chính dài hạn, hợp lý cho phát triển. Họ cũng ủng hộ lời kêu gọi của ông về những cải cách sâu hơn và lâu dài hơn đối với cấu trúc tài chính quốc tế, vốn hiện không còn đóng vai trò là mạng lưới an toàn cho tất cả các quốc gia và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng.

Người đứng đầu LHQ cho biết: “Rõ ràng là các vấn đề mang tính hệ thống về tài chính cho phát triển bền vững đòi hỏi một giải pháp mang tính hệ thống: Cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu”. Ông cũng kêu gọi một thời điểm Bretton Woods mới, khi các quốc gia có thể cùng nhau thống nhất về cơ cấu tài chính toàn cầu mới phản ánh thực tế kinh tế và các mối quan hệ quyền lực ngày nay. Ông Guterres nói: “Cùng nhau, chúng ta phải biến thời điểm khủng hoảng này thành thời điểm cơ hội, tìm ra các giải pháp tài chính chung để xây dựng lại sự đoàn kết toàn cầu và tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và hành động vì khí hậu”.

Các vấn đề kinh tế “nóng” khác

Ngoài vấn đề tài chính phục vụ các SDG, theo nhiều chuyên gia, các chủ đề kinh tế khác cũng sẽ được thảo luận bao gồm: Lạm phát cùng với giá hàng hóa và thực phẩm tăng mạnh; chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới khiến lãi suất tăng dần; xung đột kinh tế và xung đột địa chính trị, trong đó trước hết là xung đột Nga-Ukraine; hậu quả của dịch bệnh COVID-19 và các vấn đề nợ nần cũng như thương mại quốc tế. Những vấn đề này đặt ra những thách thức lớn mà các quốc gia, chính phủ và cả các cá nhân đều lo ngại về những kết quả không mong đợi, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều dự báo và phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã dự báo trong báo cáo "Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới" rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức ước tính 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3,0% trong cả năm 2023 vào 2024, trong khi lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 8,7% vào năm 2022 xuống còn 6,8% trong năm 2023 và 5,2% trong năm 2024.

Trao đổi với Hãng thông tấn Qatar (QNA), nhà phân tích kinh tế Mubarak Al Tamimi cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật nhất là nợ gia tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, gây ra gánh nặng tài chính lớn, hạn chế khả năng tăng trưởng và phát triển của các nước. Việc lãi suất tăng liên tục đã ảnh hưởng đến cam kết và khả năng chi trả của các nước này, đồng thời làm suy yếu nỗ lực thu hút đầu tư do đồng tiền mất giá. Ngoài ra, việc tăng chi phí vay ảnh hưởng đến đầu tư, mở rộng và tăng trưởng, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Vẫn theo nhà phân tích này, những thách thức kinh tế dự kiến sẽ được thảo luận trong các cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ Khóa 78 đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia, cũng như tầm quan trọng của việc hình thành quan hệ đối tác quốc gia và quốc tế để tìm ra các giải pháp chung và phát triển các chiến lược kinh tế khả thi.

Khánh An (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-ban-ve-cac-thach-thuc-kinh-te-i708228/