Đại hội thể thao toàn quốc 2022: Lùm xùm từ môn kickboxing
Hàng loạt quyết định gây tranh cãi từ trọng tài khiến người hâm mộ thể thao Việt Nam nói chung và kickkoxing nói riêng phải đặt câu hỏi lớn về chất lượng chuyên môn của giải đấu trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc.
Khai mạc từ ngày 2-12, môn Kickboxing tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 có gần 200 VĐV đến từ 39 đơn vị tỉnh, thành, ngành, trong đó có rất nhiều đơn vị mạnh như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bình Định, Quân đội… Lực lượng võ sĩ hùng hậu đã thành danh trên các đấu trường quốc tế như Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Thế Hưởng, Nguyễn Thị Hằng Nga, Huỳnh Thị Kim Vàng, Nguyễn Quang Huy hay Lê Thị Nhi, Dương Danh Hoạt, Nguyễn Xuân Phương…ngỡ sẽ nâng tầm sân chơi quốc nội lớn nhất. Vậy mà…
TP HCM nộp đơn khiếu nại rồi lại rút đơn
Trong trận đấu chiều ngày 5-12, nội dung lowkick nữ hạng 46kg giữa võ sĩ Võ Thị Trinh (Đà Nẵng) và Huỳnh Hà Hữu Hiếu (TP HCM) đã xảy ra tranh cãi về kết quả chung cuộc. BHL của tuyển TP HCM cho rằng ở trận đấu này, nữ võ sĩ Hữu Hiếu đã hoàn toàn áp đảo đối thủ trong cả 3 hiệp đấu nên việc các trọng tài xử thắng chung cuộc cho võ sĩ Đà Nẵng là không công bằng, dẫn đến việc làm sai lệch kết quả trận đấu.
Ngay sau khi kết quả được công bố trên sàn đấu, BHL tuyển TP HCM gấp rút nộp đơn khiếu nại lên BTC để tổ trọng tài có căn cứ xem xét lại toàn bộ trận đấu. Sự việc này đã khiến BTC môn Kickboxing tạm hoãn công bố kết quả trận đấu và sẽ có thông báo chính thức vào ngày hôm sau (6-12). Tuy nhiên ngay trong tối 5-12, nhiều nguồn tin cho biết đã có đại diện phía BTC tác động với đơn vị TP HCM để yêu cầu đơn vị này rút đơn khiếu nại kèm lời hứa "sắp xếp" cho 2 võ sĩ khác của TP HCM giành HCV, qua đó đạt chỉ tiêu mà đơn vị này đề ra trước khi vào giải (?!).
Nếu thông tin trên là chính xác, thì kickboxing TP HCM đang từ "nạn nhân" của tiêu cực trong trường hợp của Hữu Hiếu lại trở thành đồng lõa với tiêu cực để được "cơ cấu" bù đắp huy chương? Trao đổi với lãnh đạo Sở VH-TT TP HCM, phóng viên được xác nhận có xảy ra việc TP HCM nộp đơn khiếu nại rồi sau đó rút đơn. Tuy nhiên đây là quyết định cá nhân của…vị Trưởng bộ môn kickboxing TP HCM chứ không phải do chỉ đạo của Trung tâm Huấn luyện Đào tạo TDTT TP HCM hay của Sở VH -TT TP HCM.
Đại diện lãnh đạo Sở VH-TT TP HCM nhấn mạnh: "TP HCM là địa phương có phong trào mạnh, tranh chấp các thứ hạng đầu nhưng luôn tham gia Đại hội với tinh thần tuân thủ điều lệ và hỗ trợ BTC để góp phần vào thành công chung của Đại hội. Thành phố không chạy theo thành tích mà bỏ mặc quyền lợi của VĐV".
Tuy nhiên khi vụ việc chưa được làm sáng tỏ thì vào rạng sáng ngày hôm sau (6-12), nữ võ sĩ Huỳnh Hà Hữu Hiếu đã trở về TP HCM, kết thúc giải đấu của mình một cách lặng lẽ…
Võ sĩ Thái Bình khóc trên sàn đấu
Hà Thế Anh - niềm hi vọng cuối cùng của đơn vị Thái Bình bật khóc nức nở ngay sau khi nhận kết quả thua trước đối thủ Bùi Duy Chí Thành của Nghệ An. Điều đáng nói là võ sĩ này không phục quyết định của trọng tài.
"Cả 3 hiệp đấu của mình, tôi áp đảo đối thủ rõ ràng, tuy nhiên kết quả lại không phản ánh đúng những gì đã diễn ra trên sàn đấu. Có lẽ là do Ban tổ chức và trọng tài đã không lựa chọn tôi nên tôi và các đồng đội đành phải chấp nhận". Võ sĩ của Thái Bình chia sẻ.
Những giọt nước mắt uất ức của võ sĩ Thái Bình này nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía người thân và cả những đồng nghiệp của anh, khi cho rằng đây là kết quả không đúng với diễn biến trận đấu, đồng nghĩa với việc Hà Thế Anh bị xử ép.
Điều trùng hợp là ở ngày thi đấu trước đó, một VĐV khác của Thái Bình là Nguyễn Tiến Long cũng nhận kết quả thua tương tự trước võ sĩ của Nghệ An. Tuy nhiên không như đồng đội Hà Thế Anh, Nguyễn Tiến Long lại giữ một thái độ rất bình thản. Anh chia sẻ: "Tôi không muốn nhắc lại về trận đấu của mình bởi tôi bị xử ép quen rồi. Trước trận tôi cũng đã cảnh báo với Thế Anh rằng không đánh đổ được đối thủ thì sẽ dễ bị thua ngược. Tuy nhiên khi chứng kiến đồng đội mình khóc thì tôi cũng rất mủi lòng".
Tiến Long cũng nói thêm: "Có lẽ bức xúc lớn nhất của đội tuyển Thái Bình năm nay là ở hạng 69kg nữ. Theo luật, võ sĩ chỉ cần cân nặng từ 64kg trở lên là đã có thể thi đấu. Hôm đi cân, võ sĩ của Thái Bình bước lên bàn cân với trọng lượng 65kg. Nhưng không hiểu vì lý do gì khi xuống ký xác nhận, BTC lại chỉ ghi số cân của võ sĩ Thái Bình là 62,2kg và không cho võ sĩ này thi đấu nữa. BTC cũng không cho võ sĩ cân lại và loại trực tiếp bạn ấy ngay ở phòng cân. Cả đội Thái Bình đều bất ngờ với quyết định của BTC vì không ai có thể lường được tình huống dở khóc dở cười này".
VĐV trong một năm thi đấu cho 3 đơn vị
Dương Danh Hoạt có lẽ là võ sĩ đặc biệt nhất của kỳ đại hội năm nay. Hồi tháng 3, tại Giải vô địch cúp Kickboxing toàn quốc diễn ra ở Gia Lai, võ sĩ này thi đấu cho đơn vị Hà Nội và giành HCV nội dung lowkick hạng 54kg. Ở SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5, Dương Danh Hoạt được triệu tập lên đội tuyển quốc gia với tư cách là một võ sĩ của đơn vị Hà Nội và đã thua Sungnoi Chaiwat của Thái Lan ngay trong trận đấu đầu tiên.
Bước vào đại hội năm nay, võ sĩ này bất ngờ khoác áo của Cao Bằng và giành thắng lợi trong một trận đấu gây tranh cãi với Vương Quốc Thanh của Khánh Hòa, trong đó, đáng chú ý có tình huống Dương Danh Hoạt tỏ ra yếu thế hơn, thậm chí còn bị trọng tài đếm do đã trúng nhiều đòn vào mặt.
Việc hưởng lợi từ các quyết định của trọng tài đã giúp cho Hoạt sáng cửa đem HCV về cho đoàn Cao Bằng trong ngày chung kết 10-12 tới, bởi các đối thủ nặng ký của anh như Athor (TP HCM), nhà vô địch SEA Games 2019 Phạm Bá Hợi (Đắk Lắk) đều lần lượt bị loại ở các trận sau đó.
Nhưng sẽ thật trớ trêu, trong trường hợp Dương Danh Hoạt mang về cho Cao Bằng tấm HCV đầu tiên sau nhiều kỳ đại hội bởi theo lịch trình, chỉ một ngày sau trận chung kết (11-12), võ sĩ này sẽ khoác áo đội tuyển quốc gia tham dự Giải Kickboxing châu Á tại Thái Lan nhưng lại với tư cách là võ sĩ của đơn vị Hà Nội, giống với những gì đã diễn ra ở SEA Games năm nay.
Vậy câu hỏi được đặt ra là võ sĩ Dương Danh Hoạt đang thuộc biên chế của đơn vị nào? Nếu Dương Danh Hoạt thuộc biên chế của đơn vị Hà Nội, vậy thực chất việc giúp Cao Bằng giành HCV là để đơn vị này nâng cao thành tích so với Đại hội lần trước (Đại hội VIII cách đây 4 năm, Cao Bằng xếp thứ 59/65 trên bảng xếp hạng huy chương do chỉ giành 1 HCB, 3 HCĐ), hay phía sau lại là câu chuyện "mua bán" huy chương - vấn nạn ung nhọt làm thui chột các tài năng thể thao và kéo lùi sự phát triển của một nền thể thao chân chính mà lâu nay lãnh đạo ngành TTVN quyết tâm chấn chỉnh ?!
Nhiều võ sĩ của đơn vị Hà Nội thuộc các môn Kick Boxing, Muay trong nhiều năm qua đã và đang "ăn cơm nhà vác tù: và… cả cho đơn vị khác. Vậy nên mới có cảnh các HLV của đơn vị Hà Nội ngoài việc săn sóc cho võ sĩ đơn vị mình mỗi khi lên sàn, sau đó họ còn kiêm luôn cả HLV cho cả những đơn vị như Hậu Giang, Cao Bằng… suốt mùa đại hội năm nay.
Tiêu chí của Đại hội TDTT 4 năm mới có một lần là đánh giá chính xác nhất trình độ phát triển của phong trào trên cả nước - cũng mãi chỉ là điều mơ ước của những người làm thể thao lành mạnh, nhưng lại là cái cớ để các "con buôn huy chương" "làm giá" nhằm thủ lợi cá nhân, mặc kệ nỗ lực của cả ngành TTVN.
Và khi nhìn vào danh sách Ban Trọng tài Kick Boxing ở kỳ đại hội này cũng như trong nhiều năm trở lại đây, sẽ thấy một nghịch lý rằng, các Phó Trưởng ban trọng tài được triệu tập thực chất vẫn đang nắm các chức vụ quan trọng của đơn vị mình như Trưởng Bộ môn, HLV trưởng, chuyên viên văn phòng… Vậy việc phân định công tâm các trận đấu võ thuật liệu có được đảm bảo ?! Và những quyết định gây tranh cãi mà khuôn khổ bài viết này đưa ra liệu có phải nằm trong tính toán của chính những vị Phó Trưởng Ban trọng tài này?