Đại Lâm: Vững kinh tế, mạnh hệ thống chính trị
Từ một vùng đất chiêm trũng, sản xuất thiếu hiệu quả, số hộ nghèo cao, xã Đại Lâm (Lạng Giang - Bắc Giang) có sự chuyển mình ngoạn mục. Xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, nhiều thôn được công nhận NTM kiểu mẫu, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
Thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm đang đi trên lộ trình phát triển bền vững, đó là sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao. Điều này được trưởng thôn Nguyễn Văn Chăm chứng minh bằng cách đưa chúng tôi đến thăm khu vực sản xuất của gia đình ông Nguyễn Công Thuật. Trong lúc chăm sóc những luống dưa, giàn nho, ông Thuật nói: “Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà lưới để sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, kỹ thuật cao. Năm 2018, khu nhà lưới rộng 2 nghìn m2 hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu đồng, trong đó tôi được ngân sách tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng. Trong nhà lưới, tôi trồng dưa, rau củ, một phần diện tích trồng nho hạ đen. Vì sản phẩm an toàn, không sử dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật nên việc tiêu thụ dễ dàng, mỗi năm thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng, cao gấp 7 - 8 lần trồng lúa”.
Gần đó là Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với khoảng 12 hộ gia đình thành viên, sử dụng hơn 20 ha mặt nước để nuôi cá kết hợp chăn nuôi gà, lợn. Gia đình ông Lê Văn Tới là thành viên HTX, ông chia 3 ha thành hai ao để nuôi gối nhau. Đàn cá thành thói quen, đến giờ ăn nổi đặc mặt nước. Nhanh nhẹn vác bao cám thức ăn cho cá ra ao, ông Tới nhẩm tính: “Tôi chuyên nuôi cá chép, trắm, mè, rô phi để đa dạng hóa, mỗi loài ăn ở tầng nước khác nhau nên có thể tận dụng tối đa thức ăn. Dự kiến sang tháng sẽ kéo lưới thu hoạch, một ao có thể cho thu gần 20 tấn cá, với giá bán hiện nay ước doanh thu khoảng 750 triệu đồng”. Trưởng thôn Chăm cho biết thêm, trên địa bàn thôn còn có HTX trồng hoa với 15 thành viên, chủ yếu trồng hoa ly, lay ơn; bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/sào/năm. Các mô hình này có đặc điểm áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nên đều cho doanh thu cao, không ít gia đình đã trở thành hộ giàu, kinh tế ổn định, bền vững.
Bình quân thu nhập đầu người của xã Đại Lâm đạt 138,2 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 125 triệu đồng/ha/năm; hiện xã chỉ còn 33 hộ nghèo (1,7%); 37 hộ cận nghèo (1,91%).
Không chỉ quan tâm phát triển nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất các cây, con có giá trị kinh tế cao, Đại Lâm còn là điểm sáng về sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có 3 cụm công nghiệp: Đại Lâm, Đại Lâm 2 và Đại Lâm - Phương Sơn; giá trị công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt gần 657 tỷ đồng. Thời gian qua, xã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với “đất lành” Đại Lâm. Đơn cử gần đây, xã phối hợp để nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoàn thiện thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng với diện tích hơn 10,2 ha, tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện toàn xã còn có 295 hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao là cơ sở để Đại Lâm thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo... Đặc biệt là việc xây dựng NTM. Sau nhiều nỗ lực, năm 2022, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4/8 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tìm hiểu thực tế tại thôn Trạng được biết thôn lập “kỳ tích” với việc đưa tỷ lệ hộ nghèo về gần 0%, chỉ còn 1 trong tổng số 230 gia đình là hộ nghèo, năm 2023, thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn thay đổi mạnh mẽ, nhân dân trong thôn đồng lòng đóng góp bình quân 300 nghìn đồng/người kết hợp với nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng. Trọng tâm là khu vực trung tâm văn hóa, thể thao rộng gần 1 nghìn m2 gồm nhà văn hóa giá trị xây dựng 1,6 tỷ đồng, sân bóng, khuôn viên cây xanh...
Nói về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Giáp Văn San cho biết: “Tập thể nhiều năm nay giữ vững đoàn kết, thống nhất đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chung. Khi triển khai các hoạt động, phong trào thi đua được nhân dân đồng thuận, ủng hộ khiến việc khó thành dễ. Chúng tôi duy trì thực hiện nghiêm quy chế làm việc, bảo đảm các nội dung quan trọng đều được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thảo luận, thống nhất. Thực hiện đầy đủ quy trình ban hành văn bản lãnh đạo của cấp ủy; chấp hành đúng quyền hạn của người đứng đầu, tập thể trong việc quyết định các vấn đề, nhất là nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ; phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân phụ trách, chỉ đạo, thực hiện”.
Để bộ máy chính quyền đi vào thực chất, vì nhân dân phục vụ, xã thường xuyên quán triệt đến cán bộ, đảng viên các chỉ thị, nghị quyết về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết quả có 90,4% việc của tập thể, 90,3% việc của cá nhân được thực hiện hoàn thành. Quan tâm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC nói riêng. Yêu cầu cán bộ phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao, với phương châm “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ chung), “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn) và “5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả).
Nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong thời gian tới, Đại Lâm đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng chính quyền vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Phát huy hiệu quả “chính quyền thân thiện”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dai-lam-vung-kinh-te-manh-he-thong-chinh-tri-080953.bbg