Đại lễ phật đản khẳng định vai trò của việt nam trong đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo
Ngày Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật Đản, Vu lan, Thành đạo).
Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/5 đến 8/6/1950, 26 nước là thành viên thống nhất lấy ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng tư âm lịch hàng năm (15/4). Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Chủ tịch nước Lương Cường và Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng (Ảnh: Đăng Huy)
Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến mới: Sự trở lại của niềm tin tôn giáo, sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc...
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng Nhân dân và có những đóng góp tích cực đối với đời sống xã hội. Ðảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo có vị trí chiến lược trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Nhận thức rõ ý nghĩa của sức mạnh to lớn đó, các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Trên thực tế, thời gian qua đã có những tổ chức phản động được thành lập từ một trong số những hội nhóm núp bóng tôn giáo này, cụ thể như: Nhóm tôn giáo “Tin lành của người Mông” hình thành “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc; nhóm “Phật giáo Nam Tông Khmer” hình thành “Vương quốc chăm pa” ở Vùng Nam Trung bộ và “Nhà nước Khmer Kapuchea Krom” ở Tây Nam Bộ; Nhóm “Tin lành Đêgar” hình thành “Nhà nước Đêgar” ở Tây Nguyên”.
Thông qua các tổ chức này, các thế lực phản động thù địch đã kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ giữa những người có đạo với chính quyền và quần chúng Nhân dân cũng như phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngoài ra, bằng cách bôi đen, xuyên tạc, tạo sự đối lập các tôn giáo với luận điệu “Nhà nước đang ủng hộ, hậu thuẫn, coi trọng cho tôn giáo này, bóp nghẹt tôn giáo kia”, các thế lực thù địch đã cố tình phủ định chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Chúng xuyên tạc, thổi phồng các luận điệu rằng, chính quyền, Nhà nước Việt Nam “hà khắc” với tôn giáo này, ưu ái với tôn giáo kia trong sinh hoạt và giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào có đạo và không có đạo, giữa đồng bào có đạo với nhau.
Có thể thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời kỳ nào các thế lực phản động, thù địch vẫn không từ mọi thủ đoạn để có thể thực hiện mục đích cuối cùng đó là phá hoại cách mạng nước ta, cản trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta.
Chính vì vậy, để có thể ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của chúng, các cấp ủy, chính quyền các cấp phải có những biện pháp ngăn chặn phù hợp, kịp thời để có thể bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân từ sớm, từ xa.
Trong tiến trình cách mạng của đất nước, chính sách nhất quán, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được hoàn thiện theo hướng tiệm cận luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia thành viên, nhằm đảm bảo cho mọi người được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn trên thực tế và được bảo đảm bằng các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà đất liên quan đến tôn giáo.
Hiến pháp năm 2013 phân định rõ ràng hai khái niệm quyền con người và quyền công dân, trong đó ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với tư cách là một quyền con người với tính phổ quát của nó: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” (khoản 1 Điều 24).
Hiện diện và đồng hành trong dòng chảy lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước tại Việt Nam đến nay, Phật giáo đã phát huy vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước và khẳng định là một phần không thể tách rời của văn hóa dân tộc.
Phật giáo ngày càng phát triển, là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam với hơn 18.500 cơ sở thờ tự, gần 55.000 tăng, ni và hơn 14 triệu người đã quy y tam bảo. Với tinh thần “hộ quốc, an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tích cực tham gia các lĩnh vực, từ giáo dục, từ thiện, bảo vệ môi trường...
Chỉ 8 năm sau ngày Liên Hợp quốc công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế, Việt Nam đã đăng cai tổ chức sự kiện này lần đầu vào năm 2008 với sự tham dự của 87 nước diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Việt Nam đã vinh dự từng được đăng cai và tố chức thành công các kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm: 2014 với 95 nước tham dự tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình và 2019.
Năm 2014, năm 2019 với 112 nước tham dự tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Điều này không chỉ khẳng định vị thế của nước ta trên diễn đàn Phật giáo quốc tế mà còn góp phần lan tỏa tinh thần Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập và thành viên tích cực của Hội Liên hữu Phật giáo thế giới (WFB), Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP), Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak Liên hiệp quốc (ICDV), Liên minh Phật giáo thế giới (IBC), Hội Sakyadhita thế giới...
Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Liên minh Phật giáo Lào, Giáo hội Tăng già Phật giáo Vương quốc Cam-pu-chia, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Có mối quan hệ hữu nghị mật thiết với các tổ chức Giáo hội Tăng già Phật giáo Vương quốc Thái Lan, Mi-an-ma, Xin-ga-po, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin...
Với Phật giáo các nước Đông Á, như: Phật giáo Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Triều Tiên... Với các nước Nam Á, như: Các tổ chức Giáo hội Tăng già Phật giáo Xri Lan-ca, Ấn Độ, Nê-pan và với các giáo hội, các tổ chức Phật giáo Nga và cộng đồng Phật giáo ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi...
Năm 2025, Việt Nam lần thứ tư vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc. Đây là sự ghi nhận của Liên Hợp quốc đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2025 với sự tham dự khoảng 2.700 đại biểu khách mời dự Đại lễ Vesak 2025, trong đó đại biểu quốc tế khoảng 1.200 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Quan chức lãnh đạo cơ quan của Liên Hợp Quốc; Nguyên thủ một số quốc gia và các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội và TPHCM; các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng; các nhân sĩ trí thức Phật giáo trên thế giới...).
Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 20 năm nay (Đại lễ Vesak LHQ 2025) diễn ra từ ngày 6-8/5/2025 tại TP Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 * 30/4/2025), và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 * 2/9/2025).
Chủ đề chính của Đại lễ Phật đản - Vesak Liên hợp quốc 2025 (LHQ) là: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Ngày 6/5/2025, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), Chủ tịch nước Lương Cường dự khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Những thực tiễn kể trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Đại lễ Phật đản - Vesak Liên hợp quốc 2025 một lần nữa khẳng định quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam nói riêng được bảo đảm tốt, không thể phủ nhận.