Đài Loan sẽ chịu hậu quả nặng nề từ những quy định mới của Mỹ đối với Trung Quốc
Cuộc chiến công nghệ Washington và Bắc Kinh đang ngày càng gay gắt. Nhật Bản và Hàn Quốc và Đài Loan sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề do Mỹ là đồng minh an ninh và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
Những quy định mới của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến ngành chip Đài Loan
Đặc biệt, Đài Loan sẽ chịu hậu quả nặng nề từ mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh với vị thế là quốc gia sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Đảo Đài Loan phải chịu áp lực chính trị và quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh, đặc biệt là từ những cuộc diễn tập phong tỏa của Trung Quốc đầu tháng 8 sau chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Với áp lực từ phía Trung Quốc và vị thế quan trọng hàng đầu thế giới của ngành chip, có nhiều khả năng Đài Loan sẽ tham gia liên minh Chip 4 do Mỹ thành lập với các quốc gia công nghệ sản xuất chất bán dẫn cao cấp Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ .
Trước hết, những yêu cầu từ phía Mỹ đang tăng lên đối với Đài Loan nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đang thúc giục các doanh nghiệp Đài Loan đi theo hướng ngược lại. Về cơ bản, Đài Loan càng bị lôi kéo trở thành tâm điểm của sự đấu tranh quyền lực lớn thì Đài Bắc càng phải đối mặt với áp lực để đưa ra các quyết định đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc.
Đài Loan đứng ở đâu giữa Mỹ và Trung Quốc?
Tại thời điểm này, rõ ràng là nền kinh tế Đài Loan không thể tách rời khỏi đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Riêng năm 2021, Trung Quốc chiếm 28,21% tổng kim ngạch xuất khẩu Đài Loan. Theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, các vi mạch tích hợp, còn được gọi là chip chiếm 62% lượng hàng xuất khẩu từ hòn đảo này sang đất liền năm 2021 với giá trị đạt 155 tỷ USD.
Trong nửa đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu chip trị giá 79 tỷ USD từ Đài Loan. Nhà nhập khẩu lớn nhất của Đài Loan cũng là Trung Quốc kể từ năm 2014 với tổng cộng 21,62% kim ngạch nhập khẩu từ Đài Loan vào năm 2021theo trị giá xuất khẩu. Ngược lại, đảo Đài Loan chỉ đứng thứ 11 trong số những quốc gia nhập khẩu từ Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2021.
Trên cơ sở mối quan hệ kinh tế chặt chẽ như vậy, Đài Loan cho biết sẽ chỉ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu “rất chắc chắn” để giữ những công nghệ tiên tiến không phục vụ cho quân đội Trung Quốc. Nhưng thực tế, Đài Loan sẽ nỗ lực sử dụng nhóm “Chip 4” mới do Mỹ dẫn đầu chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của các công ty Đài Loan và đảm bảo khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Tuần trước, một cuộc họp sơ bộ của liên minh Chip 4 đã diễn ra với sự tham dự của đại diện Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thứ trưởng Kinh tế Đài Loan Chen Chern-chyi, trả lời phỏng vấn của các phóng viên ở Đài Bắc cho biết, quy trình sản xuất chip cần có sự hợp tác để đảm bảo một “chuỗi cung ứng rất linh hoạt”. Ngay cả Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng tuyên bố, đảo Đài Loan cam kết đảm bảo các đối tác có nguồn cung cấp chất bán dẫn đáng tin cậy và đã thúc giục các đồng minh tăng cường hợp tác trong bối cảnh những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.
Liên minh Chip 4, một ý tưởng được Mỹ đưa ra vào năm 2021 nhằm mục đích đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đồng bộ hóa các chính sách, tài trợ và thúc đẩy các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) chung. Nhưng với những quy định mới của Washington, vị trí dẫn đầu về sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan trong cuộc chiến kinh tế Trung – Mỹ vẫn bị tổn thương. Với những hạn chế mới từ phía Washington đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh thu của Đài Loan bao gồm từ xuất khẩu và các cơ sở trong đại lục sẽ suy giảm, theo đó là vị thế dẫn đầu ngành bán dẫn của đảo bị ảnh hưởng.
Mặc dù cuộc chiến công nghệ Trung – Mỹ tiếp tục gia tăng, nhưng Washington không muốn triệt để phong tỏa ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Đài Bắc cũng buộc phải nỗ lực cân bằng lợi ích là đồng minh của Mỹ đồng thời là nhà xuất khẩu linh kiện bán dẫn cho Trung Quốc ở cấp độ các bên có thể chấp nhận tạm thời.
Theo ước tính của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, một cuộc tấn công phong tỏa của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự mất mát của TSMC có thể gây sụp đổ nền kinh tế thế giới với mức tổn thất không thể phục hồi hơn 1 nghìn tỷ đô la, gấp đôi giá trị doanh thu toàn cầu hàng năm của toàn ngành công nghiệp bán dẫn.