Đài Loan ưu tiên xây dựng năng lực tấn công tầm xa
Báo cáo Đánh giá năng lực phòng vệ bốn năm của Đài Loan nêu rõ việc xây dựng năng lực tấn công tầm xa là ưu tiên hàng đầu của lực lượng phòng vệ.
Trang tin Focus Taiwan ngày 21-3 dẫn báo cáo Đánh giá năng lực phòng vệ bốn năm (QDR) của Đài Loan nêu rõ rằng việc xây dựng năng lực tấn công tầm xa là ưu tiên hàng đầu của lực lượng phòng vệ của hòn đảo này trong những năm tới.
QDR của Cơ quan phòng vệ Đài Loan, được thực hiện bốn năm một lần, hôm 18-3 đã được gửi tới Lập Pháp Viện để đánh giá.
Theo báo cáo, việc xây dựng năng lực tấn công tầm xa sẽ giúp mở rộng hiệu quả khả năng phòng thủ của hòn đảo theo chiều sâu nhằm cản trở sự tiến công của quân đội Trung Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tiềm tàng với Bắc Kinh.
Để tăng cường khả năng tấn công tầm xa, các lực lượng vũ trang Đài Loan cần tiếp tục nỗ lực chế tạo thêm nhiều tên lửa phóng tầm xa, các hệ thống vũ khí chính xác được điều khiển từ xa, QDR nêu rõ.
Trong khi đó, báo cáo nhấn mạnh Đài Loan sẽ tiếp tục áp dụng chiến thuật "phòng thủ kiên quyết và răn đe đa khu vực", tập trung vào việc bảo vệ lực lượng của mình và tiêu diệt kẻ thù gần bờ biển trước khi đối phương đổ bộ lên đảo.
Theo báo cáo, trước sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, các hệ thống phi đối xứng của Đài Loan phải nhỏ, cơ động, tàng hình và có số lượng lớn nhằm triển khai chiến thuật phân tán chiến lược.
Đồng thời, lực lượng phòng vệ Đài Loan cần tận dụng lợi thế trong việc triển khai tên lửa chống hạm ở các khu vực ven biển, lực lượng phản ứng nhanh và đặt mìn trên biển.
Đài Loan hiện sở hữu một số hệ thống vũ khí sản xuất nội địa và nhập khẩu có khả năng tấn công tầm xa, bao gồm tên lửa dẫn đường chính xác tầm trung AGM-154C JSOW do Mỹ sản xuất, tên lửa Harpoon được bố trí ở các khu vực ven biển, cũng như tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien do Đài Loan sản xuất.
QDR được biên soạn theo Đạo luật Phòng vệ Đài Loan, trong đó quy định rằng cơ quan phòng vệ Đài Loan phải đệ trình báo cáo lên Lập Pháp Viện trong vòng 10 tháng sau mỗi lần một nhà lãnh đạo Đài Loan nhậm chức.
Trước đó, hãng tin Reuters ngày 20-3 cũng dẫn báo cáo QDR cho biết Cơ quan phòng vệ Đài Loan cáo buộc Trung Quốc đang củng cố năng lực tấn công và phong tỏa hòn đảo.
Theo báo cáo, Đài Loan cảnh báo rằng Trung Quốc đang triển khai chiến thuật "vùng xám" để gây sức ép lên hòn đảo, bao gồm các cuộc diễn tập liên tiếp trong khu vực và những lần điều máy bay cùng tàu thuyền quân sự áp sát.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết Trung Quốc "xây dựng bản sao" các cơ sở quân sự của lực lượng này để "huấn luyện tấn công", đồng thời tổ chức các cuộc tập trận đổ bộ mô phỏng chiến dịch tấn công hòn đảo.
Trung Quốc có khả năng “đóng cửa một phần cảng cùng các tuyến đường biển quan trọng của Đài Loan và chặn hoạt động vận tải biển tới hòn đảo”, đồng thời "triển khai tên lửa tầm xa ngăn lực lượng nước ngoài hỗ trợ".
Ngoài ra, báo cáo còn cáo buộc Bắc Kinh triển khai tên lửa tầm xa để ngăn chặn các lực lượng nước ngoài trợ giúp trong trường hợp xảy ra chiến tranh, đồng thời sử dụng "tâm lý chiến" để làm suy yếu niềm tin vào lực lượng phòng vệ Đài Loan.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất.
Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng từ khi bà Thái Anh Văn, người phản đối chính sách "một Trung Quốc", trở thành lãnh đạo của hòn đảo hồi năm 2016.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/dai-loan-uu-tien-xay-dung-nang-luc-tan-cong-tam-xa-974006.html