Đài NHK của Nhật Bản xin lỗi vì đoạn phim hoạt hình về biểu tình Mỹ
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản ngày 9/6 đã lên tiếng xin lỗi vì đoạn phim hoạt hình ngắn lấy bối cảnh về các cuộc biểu tình 'Mạng sống người da màu cũng đáng trọng' (Black Lives Matter - BLM) đang lan rộng khắp nước Mỹ.
Trước đó, đoạn phim này đã hứng chịu làn sóng chỉ trích từ người xem khi cho rằng nội dung mang định kiến phân biệt chủng tộc.
Cụ thể, trên tài khoản Twitter và website chính thức của mình, đài NHK thông báo: “Do người xem chỉ trích đoạn phim hoạt hình không miêu tả chính xác vấn đề thực tế diễn ra, chúng tôi đã gỡ bỏ đoạn video này. Chúng tôi xin lỗi vì không xem xét kỹ lưỡng và khiến người xem khó chịu”.
Đoạn phim miêu tả một người đàn ông da đen lực lưỡng mặc áo ba lỗ màu trắng cầm một chiếc ví rỗng không, giơ nắm đấm và hét vào mặt một người đàn ông da trắng mặc đầy đủ quần áo.
Đoạn phim được chiếu trong chương trình dành cho thiếu nhi "Kore de Wakatta! Sekai no Ima" (lược dịch: Giờ tôi đã hiểu. Thế giới hiện nay) và sau đó được đăng tải lên website và tài khoản Twitter của chương trình.
Một số hình ảnh khác gây bức xúc cho người xem có trong đoạn video bao gồm người đàn ông da màu có hành động như thể cướp phá, một người ngồi trên một vòi nước cứu hỏa đánh đàn ghita và một người da đen khác tham gia biểu tình la hét giận dữ phía sau.
Mặc dù chương trình phát sóng ngày 7/6 này có giải thích cái chết của công dân da màu George Floyd là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình tại Mỹ, song các tác giả không hề đề cập tới những chi tiết quan trọng dẫn tới làn sóng giận dữ của những người da màu trong phim.
Thay vào đó, họ chỉ khắc họa sự khác biệt về kinh tế giữa người da màu và da trắng, cũng như chỉ ra đại dịch COVID-19 đã khiến người da màu mất việc. Đoạn phim hoạt hình đã thu hút được 1,2 triệu lượt xem tính đến chiều 9/6 (theo giờ địa phương).
Đoạn phim hoạt hình của NHK đã khiến hàng trăm người Nhật Bản giận dữ xuống đường phố thủ đô và thành phố phía Tây Osaka vào cuối tuần để bày tỏ sự ủng hộ tới phong trào BLM. Những người biểu tình cũng chỉ trích cảnh sát Nhật Bản nhắm vào người nước ngoài sau khi một công dân Kurd được cho là bị cảnh sát quật ngã xuống đường.
Ngôi sao tennis Naomi Osaka – có mẹ gốc Nhật Bản và bố la người Haiti – gần đây cũng hứng chịu chỉ trích trên mạng vì lên tiếng về sự bất công do phân biệt chủng tộc và khuyến khích mọi người tham gia biểu tình.
Đây không phải là lần đầu tiên đài truyền hình NHK dính vào bê bối phân biệt chủng tộc và thiếu nhạy cảm về văn hóa.
Vào chương trình Đêm Giao thừa năm 2018, một diễn viên hài của đài đã hóa thân thành nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Phi Eddie Murphy. Tuy nhiên, lối trang điểm của người diễn viên hài Nhật Bản đã khiến khán giả liên tưởng đến “black face” – một điều cấm kỵ bị coi là xúc phạm cộng đồng người da màu.