'Đài phát thanh' trong gia đình nửa đêm vẫn phát có phải là bạo lực tinh thần?
Góp ý thêm về các hành vi bạo lực gia đình, ĐBQH cho biết 'phát thanh' gia đình không giờ, không giấc, thậm chí nửa đêm cũng phát thanh. Hành vi như vậy có phải bạo lực gia đình về mặt tinh thần hay không?
Chiều nay (14/6), Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Vấn đề nhận diện thế nào là bạo lực gia đình được nhiều ĐBQH bàn thảo sôi nổi, đưa ra “muôn hình vạn trạng” những hành vi bạo lực tinh thần chưa được xem là bạo lực gia đình.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định một số nội dung trong dự thảo luật chưa hợp lý. Cụ thể, ĐB cho rằng cần rà soát lại 18 hành vi được coi là bạo lực gia đình vì “có thừa nhưng cũng có thiếu”.
Dẫn ví dụ trường hợp “Ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp” (hay cấm người đi làm từ thiện) là hành vi bạo lực gia đình, ĐB Hòa nêu “nếu mà tối ngày bỏ nhà đi hoài, không có làm ăn gì hết; thậm chí ra ngoài có thể lăng nhăng nữa, nên không cho đi là hợp lắm”.
ĐB nhấn mạnh quy định như vậy sẽ không phù hợp.
ĐB Phạm Văn Hòa
Nói đến trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng bắt buộc phải chăm sóc cha mẹ, anh chị em ruột của người đã ly hôn, ông Hòa cũng cho rằng không hợp lý và không thể thực hiện được, khi đã ly hôn rồi mà còn bắt buộc chăm sóc.
Về vấn đề cấp cơ sở phải có nơi tạm giữ người đã có hành vi bạo lực, theo ĐB việc “đẻ” ra cơ sở này không khéo ở cấp xã sẽ có trại tạm giữ. Theo ông, đối với người có hành vi bạo lực đến mức hình sự thì công an xã cần xử lý. Còn nếu chưa đến mức bạo lực, chưa đến mức hình sự thì công an xã mời về trụ sở để xã tạm giữ theo thời gian quy định, sau đó giáo dục, nếu gia đình bảo lãnh thì cho về. Ông cũng phân tích nếu có trại tạm giữ ở cơ sở thì sẽ không hợp lý và nếu xử lý không khéo sẽ vi phạm nhân quyền.
Theo điều 56 của dự thảo luật: Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý theo quy định của Luật này; hằng năm thực hiện đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình… ĐB Hòa khẳng định điều này là không khả thi, không thực tiễn, ông cho rằng chỉ cần Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ này sẽ phù hợp hơn. Vì vậy, ĐB đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh cho hợp lý.
Góp ý thêm về các hành vi bạo lực gia đình, ông Hòa bày tỏ: “Đài phát thanh thì họ phát thanh có giờ có giấc, nhưng "phát thanh" gia đình không giờ, không giấc, thậm chí nửa đêm cũng phát thanh. Tôi nghĩ hành vi như vậy có phải bạo lực gia đình về mặt tinh thần hay không. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu”.
Khi Bí thư Thành ủy hòa giải bạo lực gia đình
Cũng góp ý vào điều 56, ĐB Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) đồng tình với ĐB Hòa, cần hết sức cân nhắc không nên quy định “cứng” trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp hằng năm phải đối thoại với người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình. Bà Nhung cho rằng, việc đối thoại cần tổ chức linh hoạt cả về phương pháp, cách thức, hình thức để phù hợp.
Bà Nhung kể lại câu chuyện về cuộc đối thoại cách đây nhiều năm của Bí thư Thành ủy một thành phố trực thuộc trung ương. Khi nhận được thông tin về vụ việc bạo lực gia đình, vị Bí thư này đã mời người chồng (người có hành vi bạo lực) đến gặp để trao đổi về việc phát triển kinh tế gia đình, nhưng đã lồng ghép thêm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, tác động thay đổi hành vi bạo lực gia đình với người chồng đó.
ĐB Trần Thị Kim Nhung
ĐB Trần Công Phàn (Bình Dương) đồng tình cao với dự án luật, xử lý nghiêm và lên án các hành vi bạo lực gia đình, đây là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, ông Phàn bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng đây là “việc khó” khi xử lý hành vi bạo lực với mục đích để tác động, thay đổi suy nghĩ trong các gia đình Việt Nam.
“Xử lý bạo lực gia đình nhưng mục đích cao hơn là làm thế nào gia đình đó phải tốt lên, hạnh phúc hơn. Đấy mới là câu chuyện”, ông Phàn phát biểu và phân tích cần xuất phát từ điều kiện của gia đình Việt Nam để đưa ra các quy định phòng ngừa, xử lý phù hợp.
Gia đình Việt Nam coi chuyện bạo lực “như là bí mật, như là chuyện riêng của người ta, không muốn cho người ngoài can thiệp vào”. Nếu bây giờ can thiệp không khéo thì sau đó gia đình đó lại rạn nứt, ly hôn, mỗi người một nơi.
ĐB Trần Công Phàn
Dẫn con số từ khảo sát thực tế có 90,4% người vợ bị chồng bạo lực nhưng không báo cho cơ quan chức năng, còn chưa kể trường hợp “đàn ông mà bị vợ bạo lực sẽ giấu kín”, ông Phàn nêu bây giờ lại can thiệp, lôi ra xử lý thì thế nào.
ĐB đặt vấn đề, cần xuất phát từ điều kiện gia đình Việt Nam khi “đóng cửa bảo nhau” thì việc “cứ lôi ra ánh sáng xử lý liệu có được không”, “có khi người ta bị đánh đấy nhưng người ta chỉ nói là bị ngã”, hay xử lý hành chính thì cũng từ “túi tiền” trong gia đình đó mà ra.
Cho nên ông nhấn mạnh dự thảo luật khi quy định về biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý cần xuất phát từ điều kiện gia đình Việt Nam.