Đại sứ EU: Nên có con đường hợp pháp để lao động Việt sang châu Âu
Tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) ở Việt Nam trả lời trực tuyến câu hỏi của bạn đọc Zing.vn, bàn về các chủ đề thời sự như EVFTA, di dân, Biển Đông và viện trợ cho Việt Nam.
“Tôi ấn tượng bởi sự năng động và năng lượng của nơi này, đó là điều rất đặc biệt”, Đại sứ Giorgio Aliberti mở đầu câu chuyện tại văn phòng Zing.vn ở TP.HCM chiều 19/11.
“Về sự năng động, ở đây bạn có thể thấy một sự năng động rất lớn, có thể còn nhiều hơn cả ở châu Âu”.
Đó là sự tin tưởng và lạc quan mà Đại sứ Giorgio Aliberti thể hiện trong suốt buổi giao lưu trực tuyến về nhiều chủ đề được hỏi.
Ông cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ sớm đi vào thực tiễn đầu hè năm 2020, và các nước châu Âu cần chung tay tìm kiếm giải pháp cụ thể cho vấn đề di dân đã dẫn đến bi kịch ở Essex.
Ông cũng hy vọng EU tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, quốc gia đã lên mức thu nhập trung bình, dù nhiều bên đã ngưng hoặc giảm viện trợ, đồng thời tái khẳng định Biển Đông cũng như việc thượng tôn pháp luật tại đây đã là mối quan tâm từ lâu của EU.
“Một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi là thúc đẩy bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu đang là vấn đề lớn tại Việt Nam”, ông Aliberti nói. “Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam trong vấn đề này, về chính sách, sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững”.
Cần giải quyết các quan ngại đối với EVFTA
Đại sứ Aliberti bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và EU vừa ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA), hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) và hiệp định khung về tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA).
EVFTA, hiệp định tham vọng nhất giữa EU và một nước đang phát triển và sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế giữa hai bên sau 10 năm, vẫn cần được Nghị viện châu Âu thông qua trong khi IPA cần được nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn.
Tháng 10, đoàn 8 nghị sĩ của Nghị viện EU do ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện, dẫn đầu đã tới gặp gỡ và tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Nhắc lại đánh giá của đoàn công tác nói trên, Đại sứ Aliberti nói EVFTA sẽ được bỏ phiếu tại Ủy ban Thương mại Quốc tế tháng 1/2020, sau đó là bỏ phiếu tại phiên toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tháng 2/2020.
“Đầu hè, hiệp định EVFTA sẽ dần đi vào thực tiễn”, đại sứ EU cho biết.
Việc thông qua một hiệp định là một quy trình chính trị, và đó chính là rủi ro. Hơn nữa, giữa EU với Việt Nam còn tồn tại các khác biệt, như vấn đề nhân quyền.
“Một số nghị sĩ EU có thể có một vài quan ngại cụ thể của họ, chúng ta cần làm nhiều hơn để giải quyết các quan ngại này”, đại sứ EU nói thêm.
Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 vừa qua, có 60% các nghị sĩ lần đầu được bầu vào nghị viện, một số người chưa nhiều kinh nghiệm với các vấn đề thương mại, theo thông tin từ phái đoàn EU tới Việt Nam tháng 10.
Giải pháp vấn đề di dân và Biển Đông phụ thuộc các nước thành viên
Đại sứ Aliberti cũng gửi lời chia buồn tới gia đình của 39 người thiệt mạng trong xe container ở Essex, và nói di cư là vấn đề quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU.
“Đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm (của tuyến di cư bất hợp pháp)”, ông trả lời khi được hỏi về giải pháp. “Không ai nên tin lời hứa của những kẻ buôn người”.
“Thứ hai là quản lý, tìm ra con đường hợp pháp để lao động Việt Nam sang đây làm việc trong một số ngành nghề - đó là một khả năng cần tìm hiểu”, đại sứ nói thêm, đồng thời nhấn mạnh cần phải khiến người di cư muốn ở lại Việt Nam.
Ông chỉ ra rằng vấn đề di dân do từng nước thành viên EU kiểm soát, không phải chính sách chung của toàn khối, nhưng “một số nước có mong muốn đi theo hướng trên, vì vậy có thể tìm ra những giải pháp cụ thể”.
Về vấn đề Biển Đông, đại sứ EU tái khẳng định đây là vấn đề quan trọng không chỉ cho các nước trong khu vực mà còn cho cả thế giới, vì đây là nơi 40% thương mại của thế giới đi qua.
“Cần phải tôn trọng luật lệ quốc tế, mọi tranh luận, kiểm soát tình hình phải dựa vào đó”, ông nói. “Chúng tôi đang kêu gọi mọi bên giảm căng thẳng vì căng thẳng hiện giờ là không tốt”.
Tương tự vấn đề di dân, các hành động cụ thể hơn về vấn đề Biển Đông cũng phụ thuộc nhiều vào từng nước thành viên EU. Đại sứ EU cho biết nếu Anh, Pháp điều tàu thuyền tới tuần tra ở Biển Đông, có thể các nước khác cũng làm tương tự.
“Chúng tôi không có hải quân chung của châu Âu, nên không thể đưa tàu ‘EU’ tới đây... Nhưng quy tắc quốc tế thì chúng tôi tiếp tục tôn trọng và giữ vững”, ông Aliberti khẳng định.
“Hy vọng duy trì viện trợ không hoàn lại cho VN”
Giới phân tích nhắc nhiều tới mối đe dọa từ các lực lượng dân túy, dân tộc chủ nghĩa đã nổi lên ở châu Âu những năm gần đây, như ở Hungary hay Anh. Đại sứ EU công nhận điều này, nhưng khẳng định chính trị cánh hữu sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam và EU.
“Nhưng các lực lượng này thường không đưa ra chính sách tốt (khi lên lãnh đạo). Bạn phải giải quyết vấn đề. Các vấn đề cần những giải pháp. Nếu chỉ luôn la hét, kêu gào, sẽ không có ích gì”, đại sứ EU phê phán.
Ông cũng bày tỏ hy vọng EU sẽ tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, dù Việt Nam đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình.
Một số nước châu Âu như Thụy Điển, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Thụy Sĩ, và Tây Ban Nha đã giảm hoặc ngừng hỗ trợ cho Việt Nam để tập trung vốn hỗ trợ các nước nghèo hơn sau khi Việt Nam vào nhóm thu nhập trung bình.
“Đa số các bên viện trợ sẽ chuyển sang cho vay. Chúng tôi là một trong những bên vẫn giữ khả năng viện trợ không hoàn lại”, ông nói.
EU viện trợ cho Việt Nam 400 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020, theo tuyên bố trước đây của phía EU.
“(Trong những tháng tới) chúng tôi đang lên kế hoạch cho giai đoạn 7 năm tiếp theo bắt đầu từ 2021”, đại sứ EU cho biết.
“Hy vọng chúng tôi có thể tiếp tục viện trợ không hoàn lại nếu có thể. Khi thu nhập (Việt Nam) tăng lên, có thể các nước khác sẽ cần viện trợ hơn, nhưng hy vọng chúng tôi có thể duy trì hỗ trợ Việt Nam”.