Đại sứ Hàn Quốc: Hội nghị thượng đỉnh P4G là cơ hội làm nổi bật vai trò đi đầu của Việt Nam trong lĩnh vực khí hậu

Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 là dịp để kết nối sáng kiến giữa các quốc gia vì sứ mệnh xanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc ngày 4/3. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc ngày 4/3. (Nguồn: VGP)

Hình mẫu về tăng trưởng xanh

Năm ngoái được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, điều đó cho thấy tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và sự chung tay ứng phó của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, tôi tin rằng Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu năm 2030 (P4G) lần thứ tư do Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ là bước ngoặt để tăng cường hành động quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam. (Nguồn: Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam)

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam. (Nguồn: Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam)

Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là điểm định hướng và chất xúc tác quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội và tạo ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp xanh trong quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon.

Đặc biệt, P4G còn được kỳ vọng hơn khi đây là nền tảng toàn diện không chỉ có sự tham gia của chính phủ mà còn có cả doanh nghiệp và xã hội dân sự nhằm tìm cách thúc đẩy sự hợp tác tập trung vào các sáng kiến và hành động sáng tạo.

Đồng thời, Hội nghị thượng đỉnh P4G lần này còn là cơ hội tốt để làm nổi bật vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực khí hậu của Việt Nam tại khu vực châu Á. Là quốc gia thể hiện quyết tâm tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam có vị thế có thể đại diện tiếng nói của nhiều quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang tích cực hỗ trợ Việt Nam tổ chức Hội nghị thành công dựa trên kinh nghiệm đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai P4G vào năm 2021.

Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh P4G lần này sẽ là dịp để kết hợp sáng kiến của Hàn Quốc, quốc gia đóng vai trò là cầu nối kết nối giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, với năng lực của Việt Nam, một nước đang nổi lên là hình mẫu về tăng trưởng xanh trong số các nước đang phát triển.

Đại sứ Hàn Quốc cho rằng Hội nghị thượng đỉnh P4G diễn ra trong 4 này được kỳ vọng sẽ là nơi để thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu bao trùm thông qua phát hiện các ý tưởng sáng tạo. (Ảnh: Thành Long)

Đại sứ Hàn Quốc cho rằng Hội nghị thượng đỉnh P4G diễn ra trong 4 này được kỳ vọng sẽ là nơi để thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu bao trùm thông qua phát hiện các ý tưởng sáng tạo. (Ảnh: Thành Long)

Nỗ lực và cam kết mạnh mẽ

Là một nước đang phát triển dễ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu và phải duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã và đang tăng cường chính sách để đạt được cả mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu trước cộng đồng quốc tế.

Kể từ đó, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nhằm đạt cả hai mục tiêu, bao gồm xây dựng kế hoạch toàn diện nhằm phát thải khí nhà kính đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050.

Ứng phó của Việt Nam với biến đổi khí hậu cũng đang được gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã chú ý đến những thế mạnh của cơ chế P4G trong việc đẩy mạnh các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh tại các nước đang phát triển và đã tích cực tham gia Chương trình đối tác P4G sau khi cơ chế này ra mắt vào tháng 9/2017, đồng thời không ngừng nỗ lực cả ở trong và ngoài nước nhằm đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025.

Hội nghị thượng đỉnh P4G diễn ra trong 4 này được kỳ vọng sẽ là nơi để thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu bao trùm thông qua phát hiện các ý tưởng sáng tạo. Hàn Quốc hi vọng được cùng Việt Nam đóng góp cho quá trình thiết lập tầm nhìn và mục tiêu tương lai của P4G thông qua trao đổi giữa Hàn Quốc, quốc gia tài trợ cho P4G, và Việt Nam, quốc gia có thể đại diện cho thực tế và nhu cầu của các nước đang phát triển.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang quan tâm tới các dự án đầu tư xanh. (Nguồn: Dân trí)

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang quan tâm tới các dự án đầu tư xanh. (Nguồn: Dân trí)

Hợp tác cụ thể, hiệu quả thiết thực

Hàn Quốc và Việt Nam vốn đã hợp tác chặt chẽ về kinh tế kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, cũng đã xây dựng quan hệ đối tác hàng đầu cả trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ P4G, hai nước đã hoàn thành hoặc đang triển khai các dự án hợp tác trong các lĩnh vực như lương thực/nông nghiệp, năng lượng, nước, đô thị… và dự kiến sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác theo khuôn khổ P4G trong tương lai.

Hai nước đã ký “Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc” nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G diễn ra tại Seoul vào tháng 5/2021, qua đó tạo nền tảng chính sách cho các dự án giảm phát thải quốc tế.

Tôi mong rằng trên cơ sở đó, Hàn Quốc sẽ tận dụng công nghệ giảm phát thải carbon và vốn của mình để thực hiện các dự án giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam và cùng công nhận kết quả đó để tiếp tục xây dựng mô hình giảm phát thải cùng có lợi cho cả hai nước. Đồng thời, tôi hy vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc sở hữu công nghệ xanh sẽ hưởng ứng tích cực cùng Chính phủ Việt Nam.

Hơn nữa, hai nước cũng sẽ tích cực triển khai hợp tác về cả khía cạnh tăng cường năng lực con người và sự tham gia của xã hội dân sự. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, đòi hỏi không chỉ chính sách và công nghệ, mà sự nhận thức và năng lực của toàn xã hội cũng quan trọng.

Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động như chương trình đào tạo dành cho công chức và chuyên gia Việt Nam, giao lưu giữa các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, kết nối với các tổ chức phi chính phủ dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Tại “Đạo luật khung về trung hòa carbon” ban hành năm 2021, Chính phủ Hàn Quốc đã nêu rõ tính cần thiết của việc giải quyết sự bất bình đẳng về kinh tế, môi trường và xã hội có thể phát sinh trong quá trình thực hiện xã hội trung hòa carbon và đã luật hóa việc thực hiện trung hòa carbon theo hướng đảm bảo sự tham gia một cách dân chủ của mọi người dân và phản ánh sự đại diện của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

Hàn Quốc nhấn mạnh chính sách khí hậu bao trùm có xem xét toàn diện đến tính công bằng xã hội và bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương trong quá trình giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng, cần giảm thiểu tác động đối với người lao động và cộng đồng do chuyển đổi công nghiệp gây ra trong quá trình hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050 và bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương từ thảm họa khí hậu.

Trên thực tế, Hàn Quốc đang triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ các khu vực xóa bỏ nhà máy nhiệt điện và hỗ trợ chuyển đổi các dự án sang lĩnh vực dự án xanh.

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-han-quoc-hoi-nghi-thuong-dinh-p4g-la-co-hoi-lam-noi-bat-vai-tro-di-dau-cua-viet-nam-trong-linh-vuc-khi-hau-311132.html