Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam: Quan hệ hai nước đang bước vào 'giai đoạn vàng'
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến ngày 12/5/2025. Nhân dịp này, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh đã có cuộc trò chuyện với Báo CAND về quan hệ hai nước.
PV: Thưa Đại sứ, kể từ chuyến thăm của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev vào năm 2023, quan hệ Việt Nam - Kazakhstan đã gặt hái thêm được những thành tựu nào?
Đại sứ Kanat Tumysh: Trước tiên, dù muộn nhưng thay mặt Cộng hòa Kazakhstan, tôi muốn gửi lời chúc mừng tới Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Về nội dung câu hỏi, tôi xin phép điểm lại một số cột mốc trong sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Đầu tiên là vào ngày 25/5/2024, chế độ miễn thị thực giữa hai nước chính thức có hiệu lực. Việc nới lỏng thị thực và miễn thị thực cho công dân hai bên đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, vận tải và logistics. Tiếp đó, Hiệp định song phương về chuyển giao người bị kết án cũng có hiệu lực sau khi được ký kết vào năm 2023.
Ngoài ra, cũng trong năm 2024, hai nước thống nhất nâng cấp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Kazakhstan từ cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng. Tháng 4/2024, cuộc họp lần thứ 11 của ủy ban đã được tổ chức tại Astana, do Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Sharkaliev đồng chủ trì. Mới đây nhất vào tháng 3/2025, vòng tham vấn chính trị lần thứ 9 giữa Bộ Ngoại giao hai nước đã diễn ra tại Astana. Đầu năm 2025, hai nước đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về chuyến thăm chính thức Kazakhstan của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội nâng tầm quan hệ chính trị giữa hai nước.
Một chỉ dấu khác cho sự phát triển khác trong quan hệ giữa hai nước chính là số lượng các chuyến bay giữa Việt Nam và Kazakhstan. Năm 2022, chỉ có hai chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và Kazakhstan nhưng đến tháng 6/2025, dự kiến sẽ có tới 42 chuyến bay mỗi tuần.
Từ tháng 12/2024, hãng Vietjet Air đã khai thác các chuyến bay thẳng từ Astana đến Phuket. Từ ngày 1/4/2025, các chuyến bay thẳng từ Đà Nẵng đến Astana và Almaty sẽ do VGTR và SCAD Airlines thực hiện. Tháng 6/2025 tới, hãng Air Astana sẽ khai thác các tuyến bay thẳng đến Đà Nẵng. Trong khi đó từ tháng 10/2025, VGTR sẽ vận hành các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Kazakhstan.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh.
PV:Kazakhstan hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á - Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan tại ASEAN. Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, quan hệ hợp tác song phương hiện nay còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai nước. Xin Đại sứ cho biết ý kiến về vấn đề này?
Đại sứ Kanat Tumysh: Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt 250 triệu USD. Năm 2022, kim ngạch này đạt 600 triệu USD. Năm 2023 và 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1 tỷ USD. Tôi cho rằng tiềm năng trong hợp tác thương mại giữa hai nước còn có thể tăng cao hơn nữa. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào đối thoại và cường độ hợp tác giữa hai nước. Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy biến động, khi quan hệ quốc tế bị thử thách bởi xung đột, chiến tranh thương mại và các lệnh trừng phạt. Thời tiết cực đoan cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thương mại song phương. Đợt lũ lụt lớn tại Kazakhstan và những thiệt hại to lớn do cơn bão Yagi ở Việt Nam trong năm 2024 là minh chứng cho điều này.
Về những lĩnh vực hai nước có thể hợp tác, tôi cho rằng đó là: vận tải, du lịch, nông nghiệp và công nghệ quốc phòng. Hiện, mỗi năm có khoảng 450.000 lượt khách Kazakhstan đến Việt Nam và con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Kazakhstan là nước đứng thứ ba trên thế giới về lượng du khách đến Việt Nam.
Ngoài ra, Kazakhstan sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng trung tâm logistics lớn tại thành phố Almaty (thành phố lớn nhất tại Kazakhstan), giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thuận tiện hơn sang Kazakhstan.
Việt Nam đã lên kế hoạch hiện đại hóa và đưa vào vận hành tuyến đường sắt cao tốc Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai. Kazakhstan quan tâm đến dự án đường sắt này và mong muốn tuyến này sẽ tiếp tục mở rộng. Trước đây, ý tưởng kết nối đường sắt quốc tế chưa được kỳ vọng nhiều vì đường sắt Việt Nam chưa đạt chuẩn quốc tế. Nhưng hiện nay, với sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Trung Quốc và Hàn Quốc, mọi thứ đang thay đổi.
Kazakhstan còn có thế mạnh trong việc xuất khẩu nhiều loại nông sản. Hiện tại, chúng tôi mong muốn ký một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam. Kazakhstan cũng có nhu cầu lớn với gạo - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm chính thức Việt Nam năm 2023. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
PV: Đại sứ kỳ vọng quan hệ song phương sẽ đạt bước tiến mới nào trong chuyến thăm sắp tới của Tổng bí thư Tô Lâm?
Đại sứ Kanat Tumysh: Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi lại xin điểm lại một số cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Cột mốc đầu tiên là 66 năm trước, vào năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến thăm Kazakhstan. 33 năm sau, vào năm 1992, hai nước ký hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao. Và nay, sau 33 năm, vào tháng 5/2025, chúng tôi kỳ vọng hai quốc gia sẽ ký thỏa thuận chung nhằm nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác toàn diện.
Nếu chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959 mang ý nghĩa lịch sử. Đây là nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Trong khi, thời gian 33 năm sau đó là thời kỳ hình thành, một giai đoạn "nhung lụa", thì 33 năm tiếp theo, chúng ta có thể gọi đó là "giai đoạn ngọc trai". Hiện tại, quan hệ hai nước đang bước vào một giai đoạn mới, một "giai đoạn vàng", nơi hai quốc gia sẽ càng thêm thân thiết, mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa.
Trong giai đoạn này, Kazakhstan mong muốn quan hệ hợp tác song phương đạt được nhiều thành tựu lớn. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tình bạn giữa hai nước không chỉ được xây dựng trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhà lãnh đạo và sự giao lưu gần gũi, tôn trọng…
Tôi cho rằng một nguyên nhân khác góp phần vào mối quan hệ tốt đẹp này là cả hai nước đều là những quốc gia yêu chuộng hòa bình và cởi mở. Việt Nam thực hiện chính sách "ngoại giao cây tre", chính sách "bốn không", còn Kazakhstan cũng thực hiện chính sách tương tự mà chúng tôi gọi là chính sách đối ngoại đa phương. Chúng tôi cố gắng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Đây cũng là động lực thúc đẩy quan hệ song phương.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện này!