Đại sứ Lào tại ASEAN đánh giá cao đóng góp của Việt Nam
Trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Lào, ông Bovonethat Douangchak - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Lào tại ASEAN, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN năm 2024 – đã có những đánh giá tích cực về vai trò, đóng góp của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN - 2024 của Lào.
Trao đổi với phóng viên VOV tại Jakarta (Indonesia), Đại sứ Bovonethat Douangchak đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, toàn diện, đoàn kết đặc biệt giữa Lào và Việt Nam, được giữ vững và phát triển bền vững từ trong lịch sử đến hiện tại. Ở nhiều cấp độ khác nhau, Lào và Việt Nam đã cùng nhau phối hợp, trao đổi quan điểm về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Trên cơ sở đó, ngay trong thời gian đầu chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào, hai bên đã trao đổi quan điểm và những bài học kinh nghiệm liên quan các ưu tiên cũng như kết quả có thể đạt được của năm Chủ tịch ASEAN – 2024.
Lào và Việt Nam đồng thời phối hợp với các quốc gia khác trong ASEAN triển khai các hoạt động/chương trình thuộc 9 ưu tiên của chủ đề Chủ tịch ASEAN năm nay, nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung. Điều quan trọng là Lào, Việt Nam cùng hướng tới đạt được các mục tiêu chung của ASEAN, đặc biệt tập trung vào việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025.
Theo Đại sứ Bovonethat Doungchak, với xu hướng hiện nay thì chủ đề năm Chủ tịch ASEAN của Lào về: “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường” phù hợp với những nỗ lực của khu vực, cũng như nỗ lực của Lào và Việt Nam, nhất là trong hợp tác xây dựng tuyến đường sắt Lào – Việt Nam và dự án đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội. Các dự án này sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước cùng như kết nối khu vực.
Thay mặt Chính phủ, nhân dân Lào và Phái đoàn Đại diện thường trực Lào tại ASEAN, Đại sứ Bovonethat Doungchak gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu cho Lào cả về tài chính, trang thiết bị cũng như phương tiện để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2024.
Đại sứ Bovonethat Doungchak tin tưởng sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam. Mối quan hệ tốt đẹp này sẽ tiếp tục được thắt chặt vì lợi ích nhân dân hai nước.
Về những đóng góp của Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) nhằm hiện thực hóa chủ đề năm ASEAN – 2024 “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, Đại sứ Bovonethat Doungchak cho biết CPR đã tham gia đàm phán, hoàn thiện nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN với các đối tác đối thoại và chính thức của ASEAN, trong đó có 2 văn kiện rất quan trọng hy vọng sẽ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 là “Tuyên bố các nhà lãnh đạo Thượng đỉnh Đông Á về tăng cường kết nối và tự cường” và “Tuyên bố chung ASEAN – Canada về thúc đẩy kết nối và tự cường". Các văn kiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng, hậu cần bền vưỡng, kết nối nhân dân như một phần trong Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025.
Theo Đại sứ Bovonethat Doungchak, với sự dẫn dắt của Lào, Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) đã giám sát tiến độ MPAC – 2025, trong đó 80,42% Biện pháp Thực hiện Chính (KIMs) gồm xây dựng hạ tầng bền vững, đô thị hóa, kết nối chuỗi cung ứng… đã được triển khai tính đến tháng 9/2024. CPR còn đóng vai trò đi đầu trong việc hoạch định, xây dựng Kế hoạch Chiến lược Kết nối ASEAN (ACSP) thông qua hàng loạt các cuộc tham vấn, hội thảo nhằm thiết lập các mục tiêu chiến lược cho kết nối lâu dài của ASEAN. Kế hoạch này được kỳ vọng có thể thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia.
Những hoạt động trên thể hiện cam kết của CPR trong việc hiện thực hóa mục tiêu của ASEAN về tăng cường kết nối khu vực, xây dựng khả năng phục hồi và tự cường trước những thách thức mới nổi lên.