Đại sứ Mai Phan Dũng: Cam kết mạnh mẽ và thông điệp ý nghĩa Việt Nam gửi gắm tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Tham gia với tinh thần chủ động, xây dựng và trách nhiệm cao, Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ và gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa tại khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu tại một phiên họp trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Mai Phan Dũng phát biểu tại một phiên họp trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ), Trưởng đoàn Việt Nam tham dự và đóng góp vào quá trình thảo luận tại khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam những kết quả nổi bật của khóa họp và thông điệp của Việt Nam qua diễn đàn đa phương về nhân quyền này.

Sau 1,5 tháng làm việc, Khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế quan trọng đã khép lại. Xin Đại sứ cho biết các kết quả nổi bật của khóa họp?

Khóa họp lần thứ 58 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra trong 6 tuần liên tiếp, với khối lượng công việc đồ sộ và nhiều nội dung quan trọng. Ngay trong tuần đầu tiên, Hội đồng đã tổ chức Phiên họp cấp cao với sự tham dự của 4 nguyên thủ quốc gia, 6 Phó Tổng thống/Phó Thủ tướng, 95 Bộ trưởng và Thứ trưởng đến từ các nước thành viên Liên hợp quốc, cùng với Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng thư ký, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.

Đây là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với Hội đồng Nhân quyền nói riêng và chủ nghĩa đa phương nói chung, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức chồng chéo, từ xung đột, khủng hoảng nhân đạo, đến biến đổi khí hậu và khoảng cách phát triển ngày càng gia tăng.

Về nội dung, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua 32 Nghị quyết, đề cập các chủ đề then chốt trong lĩnh vực quyền con người như quyền tiếp cận y tế, quyền của phụ nữ và trẻ em, quyền phát triển, quyền của người bản địa, cũng như tác động của biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo đối với quyền con người.

Đặc biệt, Hội đồng Nhân quyền đã tổ chức 9 phiên thảo luận chuyên đề về các vấn đề quan trọng, như về lồng ghép nhân quyền, vấn đề án tử hình, cảnh báo sớm và phòng chống nạn diệt chủng, ứng phó với HIV và không bỏ lại ai phía sau, hiện thực hóa quyền lao động và quyền an sinh xã hội trong nền kinh tế phi chính thức, quyền người khuyết tật, quyền trẻ em về chủ đề các ưu tiên, để thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên quyền trẻ em đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, quyền trẻ em về chủ đề sự phát triển của trẻ nhỏ trong trường hợp khẩn cấp: Đặt quyền trẻ em lên hàng đầu.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân quyền cũng tổ chức 41 cuộc đối thoại với các thủ tục đặc biệt và cơ chế nhân quyền khác của Liên hợp quốc, thảo luận 80 báo cáo chuyên đề và thông qua kết quả Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 13 quốc gia.

Có thể nói, Khóa họp 58 không chỉ là diễn đàn thảo luận về chính sách, mà còn là nơi thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia thành viên trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức phức tạp.

Đại sứ Mai Phan Dũng (hàng đầu, thứ hai từ trái) và các thành viên đoàn Việt Nam tại phiên họp bỏ phiếu và bế mạc của Khóa 58 Hội đồng Nhân quyền, tháng 4/2025. (Nguồn: TTXVN)

Đại sứ Mai Phan Dũng (hàng đầu, thứ hai từ trái) và các thành viên đoàn Việt Nam tại phiên họp bỏ phiếu và bế mạc của Khóa 58 Hội đồng Nhân quyền, tháng 4/2025. (Nguồn: TTXVN)

Là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và đang tái cử ứng cử nhiệm kỳ 2026-2028, đoàn Việt Nam đã tham gia, đóng góp như thế nào tại Khóa họp quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc? Thông điệp chính mà đoàn Việt Nam muốn gửi gắm qua diễn đàn đa phương về nhân quyền này?

Tại Khóa họp lần này, đoàn Việt Nam tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động, xây dựng và trách nhiệm cao của một thành viên Hội đồng Nhân quyền. Đoàn đã tham gia đầy đủ, tích cực vào các phiên thảo luận, đối thoại và phát biểu quan điểm tại nhiều nội dung quan trọng như hiện thực hóa quyền lao động và quyền an sinh xã hội trong nền kinh tế phi chính thức; quyền trẻ em; ứng phó với HIV và không bỏ lại ai phía sau; quyền văn hóa; quyền lương thực; quyền người khuyết tật; vấn đề Palestine và các vùng lãnh thổ Arab bị chiếm đóng…

Đặc biệt, Việt Nam đã đồng bảo trợ nhiều nghị quyết, phối hợp với các đối tác thúc đẩy các sáng kiến phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích của các nước đang phát triển.

Có lẽ thành tựu nổi bật nhất trong khóa họp này là việc đoàn Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày Phát biểu chung về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để đạt được bình đẳng giới, được đông đảo các nước ủng hộ, đến nay đã có 65 nước từ tất cả các châu lục bảo trợ.

Bài phát biểu chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các SDGs để đạt được bình đẳng giới bao gồm các ưu tiên như tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình ra quyết định; thúc đẩy vai trò lãnh đạo của họ trong khoa học và công nghệ; đảm bảo sự tham gia bình đẳng trong các tiến trình hòa bình và an ninh; tăng cường năng lực, ngân sách để lồng ghép giới trong chính sách. Việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là chìa khóa để bảo vệ nhân quyền và phát triển bền vững.

Thông điệp chính mà Việt Nam muốn gửi gắm là: Quyền con người phải được thúc đẩy một cách toàn diện, cân bằng và dựa trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, không chính trị hóa. Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của phát triển bền vững, bao trùm và vai trò của gia đình, giáo dục, cũng như việc bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.

Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời mong muốn tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế – nền tảng quan trọng để bảo vệ và phát huy quyền con người.

"Có lẽ thành tựu nổi bật nhất trong khóa họp này là việc đoàn Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày Phát biểu chung về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triểnbền vững (SDGs) để đạt được bình đẳng giới, được đông đảo các nước ủng hộ, đến nay đã có 65 nước từ tất cả các châu lục bảo trợ". (Đại sứ Mai Phan Dũng)

Hội đồng Nhân quyền là một trong những diễn đàn có thời gian họp nhiều nhất tại Liên hợp quốc, với mỗi khóa họp kéo dài 4-6 tuần. (Nguồn: TTXVN)

Hội đồng Nhân quyền là một trong những diễn đàn có thời gian họp nhiều nhất tại Liên hợp quốc, với mỗi khóa họp kéo dài 4-6 tuần. (Nguồn: TTXVN)

Là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự khóa họp, Đại sứ có thể chia sẻ ấn tượng đặc biệt của mình về kỳ họp này?

Sau 6 tuần tham dự Khóa họp 58 Hội đồng Nhân quyền, với tư cách là Trưởng đoàn đại diện Việt Nam tham dự, tôi có hai ấn tượng đặc biệt như sau:

Thứ nhất, tại địa bàn Geneva có gần 40 tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại đây, thì diễn đàn Hội đồng Nhân quyền hàng năm tổ chức ba khóa họp là diễn đàn đặc biệt với bốn đặc điểm chính. Đây là diễn đàn nhận được sự quan tâm cao, thể hiện qua sự tham gia đông đảo gần như là nhất tại nhiều cấp khác nhau và các cơ chế khác nhau. Đây cũng là một trong những diễn đàn có thời gian họp nhiều nhất tại Liên hợp quốc, với mỗi khóa họp kéo dài 4-6 tuần.

Ngoài ra, Hội đồng Nhân quyền còn là diễn đàn có nhiều hình thức tương tác nhất, từ các phiên cấp cao, phiên họp chung, phiên họp chuyên đề, các phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền và các Thủ tục đặc biệt Hội đồng Nhân quyền, các side-event (sự kiện bên lề), các phiên tham vấn nghị quyết ko chính thức, phiên tham vấn song phương, cho tới các hoạt động khác kèm theo.

Mặt khác, các chủ đề họp của Hội đồng Nhân quyền bao trùm lên tất cả vấn đề cuộc sống hiện nay. Tuy trọng tâm là về quyền con người, nhưng khía cạnh quyền con người lại được bàn thảo rộng khắp lĩnh vực, từ các cuộc xung đột vũ trang cho tới các vấn đề cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giáo dục, trí tuệ nhân tạo, người di cư…

Qua đó, có thể thấy rõ việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một lý tưởng khát khao, mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên vẫn gặp phải nhiều thách thức khó khăn, khiến cộng đồng quốc tế phải dành nhiều thời gian và nguồn lực cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Thứ hai, điểm hết sức đáng chú ý và ấn tượng là việc tham gia của Việt Nam trong Khóa họp lần này nói riêng và tại Hội đồng Nhân quyền nói chung. Trước hết, cách tiếp cận và phương pháp làm việc của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Việt Nam thể hiện rõ đường lối nhất quán, mang tính xây dựng, luôn đề cao đối thoại chân thành, cởi mở và hợp tác bình đẳng.

Trong bối cảnh Hội đồng Nhân quyền đang chứng kiến nhiều khác biệt và bất đồng giữa các quốc gia về cách tiếp cận quyền con người, thì thái độ cầu thị, hợp tác và không đối đầu của Việt Nam được đánh giá là phù hợp, đáng hoan nghênh và tạo được thiện cảm rộng rãi.

Hơn nữa, dù còn có những khác biệt về quan điểm trong một số vấn đề, các nước vẫn tôn trọng Việt Nam, ghi nhận vị thế ngày càng nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Họ đánh giá cao những thành tựu toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, coi đó là bằng chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền con người gắn liền với phát triển bền vững.

Điều này thực sự giúp cán bộ chúng tôi có được niềm tự hào, đồng thời vững tin khi Việt Nam tham gia vào diễn đàn có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp này!

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

"Các nước đánh giá cao những thành tựu toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua, coi đó là bằng chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền con người gắn liền với phát triển bền vững". (Đại sứ Mai Phan Dũng)

Cách tiếp cận và phương pháp làm việc của Việt Nam tại khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền được bạn bè quốc tế đánh giá cao, theo Đại sứ Mai Phan Dũng.

Cách tiếp cận và phương pháp làm việc của Việt Nam tại khóa họp lần thứ 58 Hội đồng Nhân quyền được bạn bè quốc tế đánh giá cao, theo Đại sứ Mai Phan Dũng.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-mai-phan-dung-cam-ket-manh-me-va-thong-diep-y-nghia-viet-nam-gui-gam-tai-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc-311126.html