Đại sứ Mai Phan Dũng: Tham gia WEF Davos 2025, Việt Nam nắm bắt, đón đầu để vươn mình phát triển đột phá trong kỷ nguyên thông minh

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ) Mai Phan Dũng nêu bật thông điệp của Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF trong khuôn khổ WEF Davos 2024, tháng 1/2024. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF trong khuôn khổ WEF Davos 2024, tháng 1/2024. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ và làm việc song phương tại Thụy Sỹ, Báo Thế giới và Việt Nam đã phỏng vấn Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ) Mai Phan Dũng về thông điệp gửi gắm của Việt Nam qua diễn đàn định hình tương lai kinh tế thế giới quan trọng này.

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự WEF Davos 2025 và tích cực duy trì vai trò của Việt Nam tại diễn đàn này trong những năm qua?

Năm 2025 là lần thứ 55 Hội nghị thường niên của WEF được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ (lần đầu tiên vào năm 1971). WEF Davos đã trở thành một “thương hiệu toàn cầu”, là diễn đàn kinh tế lớn nhất, có sự tham gia rộng rãi nhất, đa dạng nhất của các chủ thể hàng đầu của nền kinh tế thế giới là các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, hoạch định chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và học giả hàng đầu thế giới.

Dù là một diễn đàn kinh tế nhưng mục tiêu của WEF mang tính bao trùm hơn, đó là sự phát triển của xã hội trên cơ sở tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, nội dung thảo luận tại WEF sẽ là hầu hết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho nhân loại từ dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi năng lượng cho đến phát triển nguồn nhân lực. Biến đổi khí hậu là một chủ đề xuyên suốt tại WEF từ nhiều năm nay.

Các cuộc trao đổi, gặp gỡ tại WEF giúp củng cố và thiết lập các quan hệ hợp tác kinh tế và tạo ra các đột phá về chính sách. Tính liên tục của sự kiện này là minh chứng cho vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai kinh tế thế giới, thúc đẩy hợp tác đa phương và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.

Đối với các quốc gia, WEF là cơ hội để tăng cường vị thế trên trường quốc tế thông qua việc giới thiệu tiềm năng phát triển, môi trường đầu tư, và chính sách kinh tế của mình, khẳng định vai trò trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, công nghệ, hoặc phát triển bền vững. Hội nghị cũng tạo cơ hội để các quốc gia thu hút đầu tư khi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu thế giới, thúc đẩy hợp tác kinh tế qua các thỏa thuận hợp tác công-tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ cao và chuyển đổi số.

Các quốc gia cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển thành công, chia sẻ quan điểm và chính sách của mình về các vấn đề toàn cầu như kinh tế xanh, an ninh năng lượng, góp phần định hình các xu hướng và chính sách quốc tế. Bên cạnh đó, Hội nghị còn giúp các quốc gia xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn dựa trên các thảo luận và dự báo được chia sẻ tại Davos, thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương với các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững và hợp tác quốc tế.

Từ nhiều năm nay, WEF đều mời Thủ tướng Chính phủ ta tham dự Hội nghị thường niên của WEF. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos 2025 nằm trong tổng thể chung về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam, với chủ trương nhất quán là tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành một thành viên có trách nhiệm, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của thế giới. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Davos, thể hiện Việt Nam đánh giá cao và coi WEF như một đối tác toàn cầu.

Việc lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tham dự WEF Davos nhằm thực hiện nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng.

Thứ nhất, Hội nghị là cơ hội để Việt Nam thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối tác quan trọng…. thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh và phát triển bền vững.

Thứ hai, WEF là một diễn đàn quan trọng để Việt Nam giới thiệu các chính sách thu hút đầu tư, cơ hội kinh doanh và tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực trọng điểm, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho du lịch và thương mại quốc tế.

Thứ ba, tham dự WEF giúp Việt Nam có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quốc tế về kinh tế và phát triển bền vững để áp dụng vào chính sách phát triển trong nước, chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, an ninh lương thực và bất ổn kinh tế toàn cầu.

Thứ tư, Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tham gia các sáng kiến toàn cầu về phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và kinh tế số, đồng thời thể hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việt Nam có thể chia sẻ tầm nhìn về phát triển, đóng góp quan điểm và kinh nghiệm của mình trong các lĩnh vực như phát triển nông nghiệp bền vững, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục và phát triển con người.

Thứ năm, sự tham dự của Việt Nam tại Hội nghị giúp nâng cao vị thế và uy tín quốc gia, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ta trong việc đóng góp vào các sáng kiến và giải pháp toàn cầu, khẳng định là một đối tác đáng tin cậy, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ) Mai Phan Dũng. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ) Mai Phan Dũng. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Chương trình nghị sự của WEF Davos 2025 có những điểm gì nổi bật? Dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham gia, đóng góp những nội dung gì vào chương trình đó, thưa Đại sứ?

Hội nghị WEF Davos năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 20-24/1 với chủ đề "Hợp tác cho kỷ nguyên thông minh" (Collaboration for the Intelligent Age). Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong bối cảnh các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử và công nghệ sinh học đang phát triển nhanh chóng, tạo ra những thay đổi sâu rộng trong xã hội.

Hội nghị sẽ tập trung vào năm ưu tiên, giải pháp theo các chủ đề riêng biệt nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với chủ đề chính, bao gồm: tái định hình tăng trưởng, các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, đầu tư vào con người, bảo vệ Trái Đất, và xây dựng lại niềm tin.

Với chủ đề chính cũng như những nội dung giải pháp được thảo luận năm nay, chương trình của WEF Davos 2025 không chỉ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề trước mắt mà còn định hình các chiến lược dài hạn, thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu và xây dựng tương lai bền vững, thông minh và bao trùm.

Với các phiên thảo luận và hội thảo chuyên sâu, Davos 2025 sẽ xem xét các biện pháp để giảm thiểu căng thẳng thương mại, bất ổn kinh tế và xung đột địa chính trị, nhằm tạo ra một môi trường ổn định cho sự phát triển toàn cầu. Bên cạnh đó, các bên tham gia sẽ thảo luận về tác động của công nghệ đối với thị trường lao động, cách các công nghệ mới có thể được sử dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tránh những rủi ro tiềm ẩn do sự phân mảnh và phân cực trong xã hội. Hội nghị cũng sẽ tập trung vào các giải pháp xanh để đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, đảm bảo tương lai cho các thế hệ sau.

Tại Hội nghị WEF Davos 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại một số phiên thảo luận trọng tâm, bao gồm: phiên Đối thoại chiến lược quốc gia về Việt Nam -WEF với chủ đề “Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường” cùng với các tập đoàn hàng đầu của WEF, thảo luận về các động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế của đất nước và cách thức thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu; phiên thảo luận với một số Lãnh đạo ASEAN với chủ đề “Đoàn kết để Tự cường”, nêu rõ tầm nhìn và nguyện vọng về một khu vực hòa bình và thịnh vượng đang chuẩn bị dẫn đầu trong việc mở ra kỷ nguyên mới về năng suất và tăng trưởng; và đặc biệt là phiên thảo luận đa phương về tương lai của thương mại và phát triển, phối hợp cùng với Cơ quan Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) với chủ đề “Hướng tới Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 năm 2025 tại Việt Nam – Tương lai của Thương mại và Phát triển trong Kỷ nguyên thông minh”. Phiên thảo luận này là một cuộc trao đổi cấp cao, độc quyền giữa Thủ tướng với một số nhà lãnh đạo từ các tổ chức quốc tế và ngân hàng phát triển. Đây sẽ là sự kiện mở đường cho Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD lần thứ 16 sắp tới sẽ được tổ chức tại Việt Nam có chủ đề “UNCTAD 16: Định hình tương lai, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển công bằng, toàn diện và bền vững”.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự, phát biểu tại Tọa đàm đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam, Tọa đàm về dược phẩm Việt Nam trong kỷ nguyên số và Tọa đàm về cơ sở hạ tầng số và năng lượng tái tạo. Đây đều là những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, đồng thời cũng thuộc những chủ đề được thảo luận tại Davos 2025.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các buổi tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức quốc tế để chia sẻ các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác, học hỏi kinh nghiệm. Cũng trong thời gian tham dự Hội nghị WEF Davos 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp Chủ tịch WEF, Giáo sư Klaus Schwab và dự lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Giáo sư Schwab từ Đại học Quốc gia Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự với tư cách khách mời chính tại phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ WEF Davos 2024, tháng 1/2024. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự với tư cách khách mời chính tại phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ WEF Davos 2024, tháng 1/2024. (Nguồn: TTXVN)

Như Đại sứ vừa chia sẻ rằng chủ đề của WEF Davos 2025 là “Hợp tác cho kỷ nguyên thông minh”, chủ đề này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam và các nước trên thế giới trong bối cảnh hiện nay?

Chủ đề của WEF 2025 được đưa ra trên cơ sở nhận định rằng thế giới đang bị phân mảnh về kinh tế, phân hóa về địa chính trị, chia rẽ về hệ giá trị. Trong khi đó, các phát minh khoa học công nghệ như AI, lượng tử, công nghệ năng lượng, sinh học, y tế... đang tạo cơ hội chưa từng có cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện môi trường sống. Vì vậy, mục tiêu của WEF 2025 sẽ là trao đổi, tìm ra giải pháp để hàn gắn sự phân mảnh, chia cắt và tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng kỹ thuật công nghệ mới đem lại.

Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập và là Chủ tịch điều hành của WEF, cho rằng kỷ nguyên thông minh không chỉ đơn thuần là những phát triển về khoa học công nghệ mà còn là một “cuộc cách mạng xã hội”. Vì thế, kỷ nguyên thông minh có thể sẽ là thời kỳ đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng và hợp tác toàn diện ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu, mà ở đó khó có một quốc gia nào có thể đứng đơn độc và tách biệt.

Chủ đề mà WEF đặt ra, không chỉ đơn thuần là một chủ đề thảo luận mà còn có thể xem là lời kêu gọi hành động cho các quốc gia để tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ thời cơ của “kỷ nguyên thông minh” để cùng kiến tạo một tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng và tốt đẹp cho tất cả.

Chủ đề trên cũng có ý nghĩa thiết thực đối với chiến lược phát triển đất nước được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra và phù hợp với quyết tâm của toàn Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Ở kỷ nguyên đó, những biến chuyển có tính thời đại, như là cuộc cuộc cách mạng số và trí tuệ nhân tạo sẽ đem đến nhiều thời cơ mới cho Việt Nam để nắm bắt, đón đầu, vươn mình, phát triển đột phá để có thể trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Vì thế, tham gia WEF 2025 với chủ đề nói trên, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thiết thực để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ quan tâm, ưu tiên, mục tiêu phát triển của ta với các đối tác; đồng thời tìm thêm đối tác mới và đề ra phương hướng hợp tác cụ thể; kịp thời nắm bắt những thời cơ, nguồn lực và động lực phát triển mới để phục vụ phát triển đất nước, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF giao lưu với sinh viên Việt Nam ngày 7/10/2024 tại Hà Nội. (Nguồn: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF giao lưu với sinh viên Việt Nam ngày 7/10/2024 tại Hà Nội. (Nguồn: VGP)

Tết Ất Tỵ 2025 đang tới gần, Đại sứ hãy chia sẻ cảm xúc của mình khi ăn Tết xa quê và gửi đôi lời chúc Tết tới bạn đọc Báo Thế giới và Việt Nam?

Có lẽ cũng giống như mọi người dân Việt Nam, với tôi, Tết luôn là khoảng thời gian vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa trong năm, là lúc hướng về, sum họp, quây quần bên gia đình.

Trong lần đón Tết xa quê này, cảm xúc và sự gắn bó với gia đình, với quê hương là rất rõ rệt và mạnh mẽ. Cảm xúc này đan xen với sự hân hoan trước khí thế mới và sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước về mọi mặt, đan xen với niềm tin vào kỷ nguyên mới của đất nước.

Tại Geneva, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã được trên mọi lĩnh vực trong những năm qua, coi trọng vai trò, sự đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế và tại các diễn đàn quốc tế ở Geneva. Vì vậy, dù ở xa nhà vào dịp Tết, tôi vẫn thấy mình như được hòa chung vào dòng chảy phát triển của đất nước, càng cảm thấy được khích lệ và có thêm động lực để cố gắng công tác và đóng góp tốt hơn nữa.

Niềm vui ấy sẽ còn được nhân đôi, trở thành vinh dự to lớn khi chúng tôi chuẩn bị được đón Lãnh đạo Chính phủ và nhiều đồng nghiệp trong nước tham dự Hội nghị WEF Davos 2025. Đây là nguồn khích lệ rất lớn đối với tôi và các cán bộ, nhân viên của Phái đoàn khi dù phải công tác xa nhà nhưng lại có vinh hạnh được đón những vị khách đặc biệt, quan trọng và cũng thân thuộc vào cuối năm.

Nhân dịp này, tôi cũng xin gửi lời tri ân và đánh giá cao Báo Thế giới và Việt Nam trong suốt thời gian qua đã nỗ lực, duy trì vị thế là tờ báo về đối ngoại hàng đầu của đất nước, là địa chỉ tin cậy cho bạn đọc trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Báo cũng là cầu nối quan trọng, giúp đưa Phái đoàn chúng tôi tại Geneva cũng như những người đang công tác trong ngành ngoại giao được đến gần hơn với bạn đọc cả nước.

Tôi xin được thay mặt cho toàn thể cán bộ, nhân viên đang công tác tại Phái đoàn Việt Nam tại Geneva gửi tới Báo Thế giới và Việt Nam và bạn đọc của Báo lời chúc Tết và Năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều may mắn, thắng lợi và niềm vui!

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-mai-phan-dung-tham-gia-wef-davos-2025-viet-nam-nam-bat-don-dau-de-vuon-minh-phat-trien-dot-pha-trong-ky-nguyen-thong-minh-301431.html