Đại sứ Nhật Bản: Các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam
Việt Nam đang trực tiếp hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và 'có thể nói rằng các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp của Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam như là nơi đầu tư trong điều kiện bình thường mới hậu COVID-19'.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio nhấn mạnh điều này trong cuộc tọa đàm vào chiều 7/9 giữa Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc và các tổ chức kinh tế của Nhật Bản như JCCI (Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam), JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản), JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và 30 doanh nghiệp Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng tới các nước ASEAN và đến nay có 30 doanh nghiệp đã đăng ký. Trong số này có 15 doanh nghiệp muốn mở thêm nhà máy tại Việt Nam. Và các doanh nghiệp này đã dự cuộc tọa đàm nêu trên.
Bày tỏ cảm ơn chân thành tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tổ chức tọa đàm, Đại sứ Nhật Bản cho rằng, trong 20 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng vô cùng nhanh chóng và đang khẳng định vị thế của mình ở trên trường quốc tế. Cụ thể, Đại sứ dẫn chứng, năm nay, Việt Nam là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động ngoại giao trong lĩnh vực này. Trong khi đó, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng hai nước trong tháng này đã minh chứng cho mối quan hệ tin cậy mật thiết ở cấp cao. Đó chính là tài sản vô cùng quý báu trong quan hệ giữa hai nước.
Đại sứ cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. “Tuy nhiên, Việt Nam đã cho thấy năng lực quản lý rủi ro ưu việt của mình, đã đạt được những kết quả nhất định”. Trong khi các nước vẫn còn đang chật vật trong phòng, chống dịch COVID-19 thì Việt Nam đã sớm phục hồi. Theo Đại sứ, điều này là nhờ sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việt Nam đang trực tiếp hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và “có thể nói rằng các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp của Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam như là nơi đầu tư trong điều kiện bình thường mới hậu COVID-19”.
Dẫn kết quả khảo sát mới đây của JETRO cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam, Đại sứ Yamada Takio kỳ vọng Việt Nam sẽ nắm được cơ hội này, trở thành một nước cường thịnh hơn trong thời gian tới.
Đề xuất một số các giải pháp để khôi phục phát triển kinh tế Việt Nam, Đại sứ nêu ra 4 vấn đề, đó là mở lại việc đi lại giữa hai nước, cải thiện việc giải ngân cho các dự án đầu tư công, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nâng cao xếp hạng tín dụng của Việt Nam trong thời gian tới.
Làm sao để có thể thu hút được nhiều đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, Đại sứ cho rằng, cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Nhật Bản là “một sự kiện vô cùng có ý nghĩa đối với chúng tôi để chuyển tải thông điệp tích cực của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài”.
Chính phủ Nhật Bản sẽ ủng hộ hết sức mình cho Việt Nam trong quá trình này.
Đại sứ nhắc lại, từ năm 2017, đã tổ chức 5 lần hội nghị đầu tư vào Việt Nam có quy mô lớn tại Nhật Bản và trong tất cả các hội nghị đầu tư này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đều tham dự và chứng kiến việc trao giấy phép đầu tư cho 117 dự án cũng như là trao đổi các biên bản thỏa thuận.
Nhắm ứng phó tình hình dịch bệnh, Nhật Bản đã đưa ra gói ngân sách khoảng 2,3 tỷ USD nhằm thúc đẩy việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản và đã tiến hành lựa chọn lần thứ nhất với 30 doanh nghiệp được lựa chọn, trong đó có 15 doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào Việt Nam và đều có mặt tại tọa đàm. “Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ tuyển chọn lần thứ hai và lần thứ ba”.
Hiện nay, JETRO, một trong những đầu mối xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của Chính phủ Nhật Bản, đang có rất nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Ví dụ như Văn phòng JETRO tại Hà Nội đã tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam, cung cấp các dịch vụ tư vấn cũng như là văn phòng làm việc. Từ năm 2009 đến nay, đã có 88 doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ này, trong đó, 55 doanh nghiệp đã thành lập các chi nhánh cũng như các công ty tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã dành ra một khoản hỗ trợ tín dụng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 với quy mô khoảng 9,5 tỷ USD và hiện nay có 20 doanh nghiệp Nhật Bản đã, đang được tư vấn để có thể được hưởng các chính sách này. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. “Chúng tôi tiếp tục mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ có các giải pháp phù hợp để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như là sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế hơn nữa trong điều kiện bình thường mới”, Đại sứ bày tỏ.
Đại diện JCCI, hiệp hội có 1.950 doanh nghiệp thành viên, bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quan tâm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Để thúc đẩy đầu tư Nhật Bản sang Việt Nam hơn nữa, đại diện JCCI đề xuất tạo cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp với đặc điểm của ngành sản xuất, chế tạo của Nhật Bản, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng theo phương thức PPP, cho phép doanh nghiệp Nhật Bản góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Ví dụ, ở Nhật Bản ngoài các doanh nghiệp nòng cốt, còn có các doanh nghiệp hợp tác, có sự phân công về vai trò trong một chuỗi hoạt động sản xuất khá phức tạp và mạnh mẽ. Như vậy, việc thu hút đầu tư theo hình thức là thu hút cả chuỗi sản xuất chứ không chỉ thu hút các doanh nghiệp nòng cốt. Từ đó, đầu tư của các doanh nghiệp nòng cốt của Nhật Bản sang Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng hơn.
JCCI mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét mở rộng hơn nữa cơ chế ưu đãi cho các công nghệ tiên tiến cũng như các doanh nghiệp mở rộng đầu tư với quy mô lớn, xây dựng cơ chế ưu đãi cho một chuỗi sản xuất chứ không chỉ cho một doanh nghiệp.