Đại sứ Pakistan Samina Mehtab: Trao quyền cho phụ nữ là động lực phát triển của Việt Nam
Nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab đã chia sẻ về vai trò ngày càng quan trọng của 'một nửa thế giới' tại hai nước.
Đồng hành tới “vinh quang”
Bà đánh giá thế nào về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại?
Phương ngôn Trung Quốc có câu: “Phụ nữ nắm giữ một nửa bầu trời”. Điều này có thể đúng với những xã hội truyền thống, nơi vai trò của phụ nữ chủ yếu giới hạn trong gia đình và nhiệm vụ duy nhất của họ là quản lý nhà cửa và con cái.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, tôi cho rằng phụ nữ nắm giữ hơn một nửa bầu trời. Vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại đã thay đổi nhanh chóng và sâu sắc chưa từng có. Giờ đây, phụ nữ có đủ quyền hạn, năng lực để đóng vai trò đa năng hơn trong xã hội. Phụ nữ ngày nay không chỉ hoàn thành vai trò truyền thống mà còn chủ động tham gia các thể chế xã hội dù là chính trị, kinh tế hay giáo dục.
Giờ đây, phụ nữ đang thể hiện xuất sắc trong mọi lĩnh vực và phá vỡ mọi giới hạn. Đơn cử, tại Pakistan, tương phản với những gì một số quốc gia nhìn nhận, phụ nữ chúng tôi đóng vai trò then chốt trong lực lượng lao động trong mọi tầng lớp xã hội.
Sự thay đổi về vai trò của phụ nữ đã mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội hiện đại. Phụ nữ là những người “nuôi dưỡng” thế hệ tiếp theo của cộng đồng, vì thế, một người phụ nữ được trao quyền sẽ góp phần tạo ra một thế hệ trẻ mạnh mẽ hơn. Do đó, có thể nói xu hướng bình đẳng giới hiện nay đã góp phần khiến cho xã hội của chúng ta thêm công bằng, tiến bộ và phát triển.
Xin bà chia sẻ một số kinh nghiệm của Pakistan trong thúc đẩy quyền phụ nữ?
Người khai sinh ra đất nước Pakistan, Mohammad Ali Jinnah từng nói: “Một quốc gia chỉ có thể đi đến vinh quang một khi phụ nữ sát cánh cùng đàn ông.” Ông nhấn mạnh: “Việc phụ nữ bị đóng khung trong bốn bức tường thực sự là một tội ác chống lại loài người”.
Vì thế, ngay từ ngày lập nước, Pakistan đã là một quốc gia vô cùng tiến bộ. Phụ nữ Pakistan được đảm bảo mọi quyền cơ bản và tự do trong Hiến pháp. Họ có đầy đủ các quyền cơ bản và đã tham gia bầu cử ngay từ năm 1947. Pakistan cũng tham gia Công ước về Loại bỏ tất cả mọi hành vi phân biệt với phụ nữ (CEDAW) và cam kết thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Chính vì vậy, phụ nữ Pakistan luôn đóng một vai trò tích cực trong cộng đồng. Bà Benazir Bhutto (1953-2007) là nữ Thủ tướng Hồi giáo đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi dành tới 60 ghế trong Quốc hội cho phụ nữ và họ cũng có quyền tham gia ứng cử vào các ghế còn lại. Chính trị gia nữ có vị trí quan trọng trong mọi đảng chính trị lớn ở Pakistan. Trong các ngành kinh tế, phụ nữ của chúng tôi đạt nhiều thành tựu xuất sắc, dù là trong các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Về giáo dục, đặc biệt là tại các trường tư nhân, có tới 90-95% giáo viên là nữ giới bởi lẽ chúng tôi cho rằng bản năng làm mẹ của phụ nữ sẽ hỗ trợ cho công tác giảng dạy. Phụ nữ cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực y tế tại Pakistan.
Trong lĩnh vực ngoại giao, bà Tehmina Janjua đã trở thành nữ Bí thư Đối ngoại đầu tiên của Pakistan năm 2017, trong khi bà Hina Rabbani Khar cũng hai lần đảm nhiệm cương vị Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Pakistan. Tôi được biết hiện có 10 – 11 nữ Đại sứ Pakistan tại các cơ quan đại diện khác nhau, trong đó 3/4 Đại sứ của chúng tôi tại Đông Nam Á là nữ.
"Giờ đây, phụ nữ có đủ quyền hạn, năng lực để đóng vai trò đa năng hơn trong xã hội. Phụ nữ ngày nay không chỉ hoàn thành vai trò truyền thống mà còn chủ động tham gia các thể chế xã hội dù là chính trị, kinh tế hay giáo dục". (Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab)
Đặc biệt, tôi cho rằng truyền thống tôn trọng phụ nữ này của Pakistan có sự ảnh hưởng không nhỏ từ đạo Hồi. Đạo Hồi là tôn giáo đầu tiên trao quyền sở hữu tài sản cho phụ nữ, cũng như quyền về ly hôn một cách bình đẳng cho cả nam và nữ.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, phụ nữ Pakistan vẫn đối mặt với phân biệt đối xử giới tính ở một số mức độ, tầng lớp khác nhau. Vì thế, Chính phủ Pakistan cũng như các tổ chức phi chính phủ tiếp tục cam kết sẽ trao quyền cho phụ nữ. Điều này được phản ánh trong các tài liệu tầm nhìn trung hạn và dài hạn, các đạo luật ủng hộ phụ nữ được triển khai, cũng như chính sách của hàng loạt thể chế, bộ ngành nhằm đưa yếu tố giới tính vào trong quá trình cân nhắc, hoạch định và cung cấp các dịch vụ công.
Chính phủ đã triển khai một số sáng kiến về kinh tế như chương trình Hỗ trợ Thu nhập Benazir để tăng cường khả năng độc lập tài chính của phụ nữ Pakistan. Các nhà lập pháp xây dựng một số đạo luật để ngăn tình trạng sử dụng rào cản về giới tính như Khung chính sách Giới tính quốc gia (2022), Sắc lệnh về Chống cưỡng hiếp (2020) trong công tác điều tra và xét xử, cũng như Đạo luật Bảo vệ phụ nữ trước hành vi quấy rối nơi công sở (2022) sửa đổi. Tôi cho rằng các bước đi này sẽ giúp phụ nữ Pakistan tự tin hơn trong hiện thức hóa tiềm năng to lớn của mình.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất với người phụ nữ hiện đại là tìm kiếm sự cân bằng giữa gia đình và công việc. Là một nữ Đại sứ, bà đã làm thế nào để tìm kiếm sự cân bằng này?
Người dân Pakistan rất coi trọng truyền thống gia đình. Là một Đại sứ, phụ trách khối lượng công việc không nhỏ, song tôi may mắn vì luôn nhận được sự giúp đỡ của chồng. Giờ đây, khi con gái bận công việc, cả gia đình chúng tôi cũng thường xuyên quán xuyến, giúp đỡ cháu.
Đây là sự chuyển biến vô cùng tích cực khi ngày càng có nhiều gia đình lên kế hoạch hỗ trợ chị em theo đuổi sự nghiệp của mình. Giờ đây, không ít nam giới sẵn sàng làm hậu phương vững chắc để nữ giới vừa tiếp tục tìm kiếm công việc, phát huy tối đa khả năng để đóng góp cho xã hội, vừa chăm sóc cho gia đình và bản thân, đạt điểm cân bằng trong cuộc sống và công việc.
Ấn tượng phụ nữ Việt
Đại sứ cảm nhận thế nào về vai trò của phụ nữ Việt Nam sau hai năm công tác tại đây?
Tôi nhận thấy phụ nữ đóng vai trò then chốt trong sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam. Chiếm tới 50% lực lượng lao động, họ không chỉ hiện diện ở tất cả mọi lĩnh vực, mà còn thể hiện sự tuyệt vời dù ở bất kỳ công việc nào. Cần lưu ý rằng trong những năm qua, các bạn đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận trong bình đẳng giới. Vì lẽ đó, Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia trên thế giới đi đầu trong triển khai thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững thứ 5 của Liên hợp quốc về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và bé gái.
Tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam có ưu thế đặc biệt khi trong lịch sử, các bạn từng áp dụng chế độ mẫu hệ. Bên cạnh đó, chính sách về giới của các bạn đã giúp xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt Nam dịu dàng, đảm đang nhưng không kém phần kiên cường, độc lập, là hình mẫu cho phụ nữ trên toàn cầu. Đồng thời, điều đó tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam có thể khéo léo cân bằng giữa vai trò truyền thống và hiện đại. Tất cả phụ nữ Việt Nam tôi từng gặp đều vô cùng tài năng và tâm huyết, dù là trong chăm sóc gia đình hay phát triển sự nghiệp. Vì thế, tôi cho rằng việc trao quyền cho phụ nữ là một động lực chính cho tốc độ tăng trưởng kinh ngạc của Việt Nam.
Liệu Đại sứ có kế hoạch gì để thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa phụ nữ hai nước?
Tôi tin rằng trong bất cứ một cộng đồng hay chính thể nào, phụ nữ vẫn luôn là người lưu giữ bản sắc văn hóa và đạo đức. Do đó, sự tương tác, trao đổi giữa phụ nữ của hai quốc gia là then chốt trong nỗ lực thúc đẩy giao lưu nhân dân. Do đó, tôi luôn nỗ lực tiếp xúc các lãnh đạo nữ ở Việt Nam trong mọi lĩnh vực từ chính trị, thương mại, đầu tư, du lịch, nghệ thuật…
Tháng Chín năm ngoái, tôi đã dự diễn đàn “Nhịp cầu ASEAN++: Kết nối phát triển bền vững” do Hội Nữ doanh nhân TP. Hồ Chí Minh (HAWEE) tổ chức bên lề Triển lãm Du lịch quốc tế lần thứ 16. Tháng Sáu năm ngoái, Đại sứ quán cũng tổ chức Triển lãm nghệ thuật đương đại “Maya” của nữ họa sĩ Pakistan Masooma Syed, kéo dài 3 ngày tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp để kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước.
Hiện tôi đang xây dựng kế hoạch mới để kết nối Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với một tổ chức phi chính phủ có tiếng của Pakistan là Hiệp hội Tất cả Phụ nữ Pakistan (APWA).
Kể từ khi được thành lập từ năm 1949, APWA đã nỗ lực thúc đẩy quyền của phụ nữ tại Pakistan. Trong hành trình của mình, APWA đã trở thành được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao: Tổ chức này đã được UNESCO trao Xóa mù chữ ở người lớn vào năm 1974, đồng thời đóng vai trò tư vấn trong Chính phủ Pakistan và Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).
Tôi mong rằng một khi kết nối, hai tổ chức sẽ có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và áp dụng những bài học đó vào nỗ lực trao quyền cho phụ nữ, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Xin cảm ơn Đại sứ!