Đại tá 92 tuổi kể về ký ức 100 ngày ngủ hầm đánh giặc Điện Biên Phủ

Đại tá Lê Quyên luôn thấm thía hai chữ 'hòa bình', bởi những gì mà ông và các đồng đội đã trải qua là hồi ức mà ông không thể nào quên trong những năm tháng lửa đạn.

Đại tá Lê Quyên luôn thấm thía hai chữ “hòa bình”, bởi những gì mà ông và các đồng đội đã trải qua là hồi ức mà ông không thể nào quên trong những năm tháng lửa đạn.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024), phóng viên Gia đình Việt Nam tìm về tư gia của Đại tá, thương binh, cựu chiến binh Lê Quyên (SN 1932) - nguyên Trợ lý Phòng Quân số, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Cao Luyện, quận Long Biên, TP. Hà Nội để nghe ông kể về những tháng năm chiến trường.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm (92 tuổi), thính lực không được như xưa, song Đại tá Lê Quyên còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Mỗi khi gợi nhớ về những ký ức nơi chiến trường, người lính năm xưa không giấu nổi nỗi niềm xúc động. Bên tách trà, ông kể về những năm tháng tham gia các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

“Cả cuộc đời gần 40 năm tham gia các cuộc kháng chiến đánh giặc nhưng chiến dịch sâu sắc nhất và tôi luôn nhớ mãi trong tim là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954”, ông Quyên hồi nhớ về quá khứ.

Ở tuổi 92, thính lực đã giảm, tay chân có chút run rẩy nhưng Đại tá Lê Quyên vẫn rất minh mẫn

Ở tuổi 92, thính lực đã giảm, tay chân có chút run rẩy nhưng Đại tá Lê Quyên vẫn rất minh mẫn

Ký ức suốt 100 ngày “đầu nung lửa sắt, máu trộn bùn non”

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 11 người con ở Thanh Hóa, tháng 3/1950 khi đang ngồi trên ghế nhà trường, ông Lê Quyên nghe theo tiếng gọi của tổ quốc lên đường tham gia kháng chiến.

“Khi đó tôi không nghĩ gì nhiều, tham gia kháng chiến chỉ có một mục đích duy nhất là bảo vệ tổ quốc”, Đại tá Lê Quyên nói.

Hành trang trên vai của cậu học trò 18 tuổi khi ấy là một chiếc balo nhỏ, 3kg gạo, quần áo, mũ… từ làng Ngô Xá, Thiệu Hóa hành quân đến gần Nho Quan, Ninh Bình rồi tiếp tục hành quân bộ lên Hòa Bình, ra Sông Đà và lên Phú Thọ và ở trường Lục quân Đại Từ, Thái Nguyên.

Theo lời kể của ông, trong chiến tranh chống Pháp năm 1951, khi đó ông ở đơn vị trung đoàn 174 (e174) - sư đoàn 316 dưới sự chỉ huy của ông Đặng Văn Việt với biệt danh là “Hùm xám đường số 4”. Khi ấy, ông là Trung đội phó, được tham gia chiến dịch đánh vào hậu địch. Trận đánh diễn ra ở đồn phố Mới, thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Trận đánh này, quân ta gặp khó khăn, buộc đơn vị của ông phải bí mật rút lui nhưng quân Pháp phát hiện và đánh chặn khiến ông bị mảnh lựu đạn xuyên qua lưng vào nách. Ông được chuyển về khu căn cứ chữa vết thương, khoảng 15 ngày sau ông tiếp tục chiến đấu. Đến nay, mảnh đạn đó vẫn còn trong cơ thể của ông.

Ông Quyên cùng đồng đội năm xưa của Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004

Ông Quyên cùng đồng đội năm xưa của Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004

Ở tuổi 92 ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết về những ký ức nơi chiến trường

Ở tuổi 92 ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết về những ký ức nơi chiến trường

Tiếp đó, ông cùng các đồng đội cũng đã trải qua quãng thời gian chiến đấu anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

"Ngày 29/3/1954, bắt đầu tổng tấn công đợt 2, đầu tiên Trung đoàn của tôi đánh lên đồi A1 vào buổi tối. Sáng 1/4, trở về thì không thành công, lúc đó Bộ tư lệnh chiến dịch cử Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 đánh tiếp đồi A1. Đến sáng 2/4, Trung đoàn 102 rút ra cũng không thành công", Đại tá Lê Quyên nhớ lại.

Ông nhớ lại, thời điểm sau ngày 4/4/1954 sau khi Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm ngừng chiến đấu, trên chiến trường mặt trận phía đông đã ngớt tiếng súng, nhưng ở phía tây các đơn vị vẫn tiếp tục đào hào, đánh lấn, tiến vào sân bay Mường Thanh.

"Kể từ ngày 4/4/1954 thì đồi A1 chúng tôi giữ một nửa, một nửa về phía đông và phía bắc, còn địch giữ một nửa về phía tây và phía nam. Hai bên giữ nhau như thế, nghĩa là giao thông hào bên này với giao thông hào địch ở bên kia cách nhau độ 20 mét thôi, ném lựu đạn sang nhau được. Thế nhưng mà lúc đấy tổ chức bắn tỉa, tức là phải đào, khoét một cái hầm.

Đến ngày 6/5/1954, bắt đầu chuẩn bị tổng công kích lần 3, cũng là đợt cuối cùng. Lúc đó, hầm này được chuyển 1.000 cân bộc phá vào trong này, đặt vào sát cái hầm của nó. Tối 6/5/1954, bắt đầu cho bộc phá này nổ. Quả bộc phá nổ để làm phát lệnh tổng tiến công. Sau khi một quả bộc phá nổ thì trung đoàn tôi đánh ở bên trên, vẫn tiếp tục đánh đồi A1. Lính trong hầm ngầm bị choáng váng rồi, bị sức ép rồi cho nên choáng váng và quân ta đánh vào tương đối thuận lợi", Đại tá Lê Quyên chia sẻ.

Cựu lính Điện Biên Phủ bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời vào chiều ngày 7/5/1954 khi quân đội ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, bắt sống tướng chỉ huy De Castries.

"Đến 2 giờ chiều ngày 7/5 thì lẻ tẻ cờ trắng của địch bắt đầu giơ lên, ra hàng. Cho đến khoảng 4 giờ chiều ngày 7/5, tướng De Castries cùng với toàn Bộ chỉ huy cùng với những người xung quanh ở Mường Thanh ra đầu hàng hết.

Lúc ấy vui sướng vô cùng, mọi người ôm nhau cùng khóc, cùng cười: Cha mẹ ơi, sống rồi, sống rồi!. Suốt 100 ngày “đầu nung lửa sắt, máu trộn bùn non. Hôm nay là sống rồi!.

Cả một cuộc đời, trải qua nhiều cuộc kháng chiến nhưng không có giây phút nào sung sướng bằng giây phút đó", Đại tá Lê Quyên xúc động nhớ lại với ánh mắt đầy tự hào.

Đại tá Lê Quyên cho PV Gia đình Việt Nam xem lại những kỷ niệm của mình khi tham gia chiến trường

Đại tá Lê Quyên cho PV Gia đình Việt Nam xem lại những kỷ niệm của mình khi tham gia chiến trường

45 tuổi mới có con đầu lòng

Cống hiến hết mình cho quê hương đất nước, nên đến khi 36 tuổi ông Quyên mới lấy vợ. Nhưng chỉ ở với vợ được 2 tuần thì ông lại phải đi chiến trường Nam Bộ.

“Lúc ấy, tinh thần chiến đấu cao lắm, tình yêu quê hương đất nước luôn đặt lên hàng đầu nên dù xa vợ mới cưới cũng rất buồn nhưng trách nhiệm của người lính thì không còn sự lựa chọn nào khác”, ông Quyên nói.

Mãi tận sau đó 9 năm, khi Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng (năm 1975), đất nước được giải phóng, Nam – Bắc sum họp một nhà, ông Quyên mới có thời gian quay trở về cùng với vợ. Đến năm 1976, ông Quyên vỡ òa hạnh phúc khi được lên chức làm cha ở tuổi 45.

Mỗi khi xem lại những kỷ niệm xưa, ông Quyên lại bồi hồi, xúc động

Mỗi khi xem lại những kỷ niệm xưa, ông Quyên lại bồi hồi, xúc động

“Từng trải qua những nỗi đau, nỗi mất mát, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội nên tôi thấu hiểu giá trị, ý nghĩa lớn lao của hai chữ “hòa bình”. Ngày giải phóng thống nhất đất nước là ngày tôi xúc động nhất, xúc động bởi vì mình còn được sống, được trở về với quê hương, trở về với người vợ 9 năm xa cách và xót xa với những người đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Tôi yêu chuộng hòa bình và mong muốn giải quyết các xung đột bằng con đường ngoại giao, biện pháp hòa bình”, Đại tá Lê Quyên tâm sự.

Đi qua gần hết đời người, chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước, cho đến nay nhìn thấy đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần được cải thiện rõ rệt, vị Đại tá năm xưa không giấu nổi niềm vui xen lẫn sự tự hào.

Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng của ông Lê Quyên

Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng của ông Lê Quyên

Giờ đây, ở tuổi 92, đã được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, những vết thương chiến tranh thỉnh thoảng lại tái phát cùng với những bệnh tật của tuổi già, nhưng ông Lê Quyên vẫn vui vẻ yêu đời.

Hàng ngày ông Quyên vẫn theo dõi tình hình thời sự chính trị trong và ngoài nước, đồng thời mong muốn con cháu và các thế hệ trẻ tương lai phải luôn nhớ về truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc, phát huy truyền thống xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sống có ích cho xã hội.

Thúy Ngà

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/dai-ta-92-tuoi-ke-ve-ky-uc-100-ngay-ngu-ham-danh-giac-dien-bien-phu-d9085.html