Tiếng hát dân ca trên vùng biên giới Quảng Bình

Nhắc tới Quảng Bình, nhiều người lập tức nghe vang lên trong lòng mình bài hát 'Quảng Bình quê ta ơi' của cố nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác vào năm 1964: 'Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới, rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi...'. Giai điệu đó cũng góp phần vào sắc màu các chương trình biểu diễn của BĐBP Quảng Bình trong các chương trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biên giới.

Một tiết mục biểu diễn của BĐBP Quảng Bình. Ảnh: Văn Chương

Một tiết mục biểu diễn của BĐBP Quảng Bình. Ảnh: Văn Chương

Nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời vào ngày 4/2/2018, hưởng thọ 88 tuổi. Lúc còn sống, ông đã chia sẻ hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm từ chuyến đi thực tế tới Quảng Bình và chứng kiến cảnh bà con hăng say sản xuất. Sau đó là vụ việc Quảng Bình bị máy bay Mỹ ném bom trong sự kiện vịnh Bắc Bộ. Từ cảm xúc bùi ngùi, ông đã viết nhạc phẩm “Quảng Bình quê ta ơi”. Bài hát trở nên nổi tiếng và khoảng 2 năm sau, ông vinh dự được biểu diễn báo cáo tác phẩm này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chính trị.

“Quảng Bình quê ta ơi” đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của giới văn nghệ sĩ. Vì vậy, dễ hiểu vì sao bản nhạc này luôn thấp thoáng trong các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ của BĐBP Quảng Bình và được phổ nhạc dưới dạng các làn điệu dân ca. Trong một số buổi biểu diễn, ngay phần mở đầu, chị em phụ nữ BĐBP Quảng Bình lại đưa người xem bắt dòng cảm xúc bằng điệu hò khoan Lệ Thủy: “Gặp gỡ nhau đây qua câu dân ca đằm thắm/ Sâu nặng nghĩa tình đến hẹn lại lên/ Câu hò ai hát nên duyên/ Hòa chung câu ví dặm... với lối hò khoan Quảng Bình/ Mời các chị đến Quảng Bình một chiều gió lộng/ Thăm đất mẹ yên bình nồng đậm hương quê/ Thăm Cha Lo vươn nắng biên thùy/ Với biển xanh đang trào dâng sức trẻ/ Ơ... hơ... trào dâng sức trẻ, vỗ về yêu thương...”.

Từ khóa “Cha Lo” trong tiết mục biểu diễn của BĐBP Quảng Bình không phải kể câu chuyện của hiện tại, mà nhắc lại quá khứ hào hùng của Công an nhân dân vũ trang một thời và gắn với tên tuổi của Đại úy Hồ Phòm, dân tộc Khùa. Suốt những năm tháng chiến tranh, ông đã đi khắp rừng núi vận động đồng bào đi theo cách mạng. Ông đã bao lần thoát chết trong thời gian hoạt động trên đất Lào. Đồng bào nơi này xem ông như một tượng đài. Ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Cùng với đó, bài “Đêm Hè nhớ Bác” cũng được viết theo thể thức dân ca, lời hát khi biểu diễn luôn được hòa âm cùng với những loại nhạc cụ truyền thống đã đẩy thêm cung bậc cảm xúc cho người xem: “Một đêm Hè, một đêm Hè/ Nhật Lệ đầy trăng/ Lòng thương Bác, khao khát bâng khuâng/ Suốt đêm chẳng ngủ.../ Cửa Tùng sóng bạc vỗ vào tim từng cơn/ Cầm chắc súng, giữ trọn câu thề...”.

Đoạn nhạc này nhắc tới “Nhật Lệ” gắn với hình tượng mẹ Suốt trong những năm tháng đất nước còn bị chia cắt ở vĩ tuyến 17. Mẹ đã không sợ mưa bom, bão đạn, vững tay chèo đưa bộ đội sang sông. Trong Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt đã vinh dự được mời tham dự. Ngày 1/1/1967, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành giao thông vận tải trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, bức tượng mẹ Suốt được đặt ngay trên bờ sông Nhật Lệ. Mẹ đã hòa vào hình tượng những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong bài hát dân ca “Lính Biên phòng khắc sâu lời Bác” chuyển sang làn điệu rộn ràng: “Ơi Tổ quốc! Rõ ràng như thế đó/ Là tiếng ru, tiếng hát, nụ cười/ Là động cát vàng, là tiếng sóng xa xôi/ Là mây núi, là trời sao gần gũi/ Là nét vẽ trên bản đồ biên giới/ Là con đường tuần tiễu chúng ta đi...”. Những đoạn sau của bài hát này gợi nhắc lại truyền thống của Công an nhân dân vũ trang một thời luôn khắc ghi lời Bác dạy gắn với 5 câu thơ: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao...”.

Lời bài hát đã dẫn dắt người xem nhớ lai lịch sử hào hùng của những người lính Công an nhân dân vũ trang hiên ngang ở các địa danh: Bến phà Roòn, sông Gianh, Trạm càng 305 (Hòn La), Đồn Công an nhân dân vũ trang 120-Roòn, Đồn Công an nhân dân vũ trang 111-Cha Lo... Trên sân khấu chạy chữ phần giới thiệu từ những thành tích xuất sắc đó, BĐBP Quảng Bình có 8 tập thể, 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong bài hò “Khúc tráng ca bên dòng Nhật Lệ" và "Quảng Bình quê ta ơi” được thực hiện bằng điệu hò khoan, bài hát đã trở nên gần gũi vì có những đoạn lặp lại bài “Quảng Bình quê ta ơi” của cố nhạc sĩ Hoàng Vân: “Ơi chị dân quân canh gác ven biển/ Ơi anh chiến sĩ canh giữ bầu trời/ Mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành/ Hạt giống cách mạng đã nảy mầm/ Nảy mầm xanh tươi/ Quảng Bình quê ta ơi/ Giữ lấy đất trời của quê hương ta/ Giữ lấy những gì mà ta yêu quý/ Quảng Bình quê ta ơi...”.

Những hình ảnh được chiếu tạo nền cho các bài hát dân ca của BĐBP Quảng Bình luôn có hình ảnh mẹ Suốt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh những người lính Công an nhân dân vũ trang trên tuyến đầu, hình ảnh BĐBP... Lời ca tiếng hát và những hình ảnh đó được biểu diễn phục vụ nhân dân trên hai tuyến biên giới như một bữa tiệc âm nhạc đầy sắc màu, luôn đọng lại dư vị cảm xúc bâng khuâng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tieng-hat-dan-ca-tren-vung-bien-gioi-quang-binh-post480418.html