Đại tá Đinh Văn Nơi: Đang phối hợp phía Campuchia điều tra việc buôn người
Đại tá Đinh Văn Nơi cho hay, Công an tỉnh An Giang đã làm việc với Công an tỉnh Kandal (Campuchia) để điều tra hành vi và các đường dây mua bán người.
Video: Công an tỉnh An Giang phối hợp công an tỉnh Kandal (Campuchia) điều tra việc buôn người
Qua tiếp nhận 40 công dân Việt Nam tháo chạy từ casino ở Campuchia về huyện An Phú (tỉnh An Giang), trước mắt chúng tôi đã bố trí nơi nghỉ ngơi để ổn định tinh thần cho bà con. Những người này được xét nghiệm COVID-19 và ma túy, kết quả đều âm tính.
Khai lý do vì sao có việc tháo chạy khỏi casino, những người này nói bị ép làm việc quá giờ, trả lương không đúng như thỏa thuận, không được trả lương. Thậm chí còn bị ép thực hiện các hành vi phạm tội như lừa đảo qua mạng, tổ chức đánh bạc qua mạng và các hành vi phạm tội công nghệ cao đối với các công dân lao động tại các casino.
Nhiều người không chịu làm thì bị đánh đập, tra tấn, thậm chí bị uy hiếp và yêu cầu người nhà phải gửi số tiền rất lớn qua để chuộc.
Họ đã quá khổ và phải chọn cách rời quê hương đi lao động, nên khi yêu cầu số tiền chuộc lớn như thế, người nhà sẽ không thể đáp ứng. Do đó, một số người chọn cách phải cam chịu.
Từ những vấn đề đó, hơn 40 người đã tổ chức tháo chạy khỏi casino, bất chấp nguy hiểm bơi qua sông để trở về Việt Nam.
- Công an An Giang nhận định có những dấu hiệu tội phạm nào liên quan vụ việc?
Qua lời khai của 40 người nói trên, chúng tôi xác định có hai hành vi, một là có dấu hiệu mua bán người, hai là tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép.
- Kết quả điều tra hành vi mua bán người hiện ra sao, thưa ông?
Qua lấy lời khai 40 người chạy từ casino ở Campuchia về An Giang, chúng tôi xét thấy có dấu hiệu tội danh mua bán người, nên đã điều tra. Kết quả phát hiện 4 đường dây mua bán người ở các tỉnh thành liên quan vụ việc.
Sau đó, chúng tôi đã báo cáo Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an để phối hợp công an các tỉnh, thành có đường dây mua bán người tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây này.
Công an tỉnh An Giang cũng phối hợp với nước bạn Campuchia, cụ thể là làm việc với Giám đốc Công an tỉnh Kandal. Qua đó, hai bên thống nhất sẽ làm rõ việc mua bán người, làm rõ động cơ, mục đích, các hành vi ép người Việt Nam làm quá giờ, không trả lương, bán từ casino này sang casino khác ở Campuchia.
Hai bên sẽ phối hợp làm rõ dấu hiệu tra tấn, gây thương tích để xử lý nghiêm và đảm bảo quyền bảo hộ công dân Việt Nam.
- Theo ông, cần có biện pháp nào để ngăn ngừa nạn mua bán người và lừa đảo đưa lao động sang Campuchia như vụ việc vừa qua?
Tôi thấy chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu về nạn mua bán người; tuyên truyền để người dân hiểu rõ nạn mua bán người sẽ gây hệ lụy thế nào tới gia đình và xã hội.
Thủ đoạn của các đối tượng này thường là lợi dụng không gian mạng để rủ rê người dân, đặc biệt là những người ở nông thôn bị hạn chế về thông tin, dễ dàng nghe theo những lời dụ dỗ "đi làm việc nhẹ lương cao".
Qua sự kiện này, các tỉnh thành có đường biên giới cần có sự phối hợp chặt chẽ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an và phải tương tác, phối hợp chặt chẽ với nước bạn. Có thể thiết lập các đường dây nóng để nạn nhân đang bị mắc kẹt ở nước bạn gọi báo.
Trên cơ sở phối hợp chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan của Việt Nam đóng trên nước sở tại có thể trao đổi với các cơ quan của Campuchia, phối hợp giải cứu công dân Việt Nam.