Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Chuyện bây giờ mới kể

Ông Ngọc và những kỷ vật thời chiến tranh còn lưu giữ. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Hơn 30 năm gắn bó trong quân ngũ, trải qua 11 năm trực tiếp cầm súng chiến đấu với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên chiến trường Phú Yên, đại tá Nguyễn Hữu Ngọc đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc (SN năm 1947, hiện ở 257 Trường Chinh, phường 7, TP Tuy Hòa), nguyên là Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Phú Yên. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông luôn bảo rằng mình không có thành tích gì nổi bật, bởi những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt ở chiến trường ông “chưa là gì” so với đồng đội. “Tôi may mắn là người tận mắt chứng kiến ngày đất nước giải phóng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, được sum họp với gia đình, nhìn thấy quê hương đổi thay từng ngày. Trong khi đó, đồng đội tôi nhiều người vẫn còn nằm lại ở núi rừng, bờ suối… chưa tìm thấy hài cốt”, ông Ngọc bùi ngùi.

Những trận đánh không quên

Ông Nguyễn Hữu Ngọc sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có cha là Nguyễn Văn Ba, trung úy Công an huyện Sông Cầu (nay là TX Sông Cầu) hy sinh năm 1972. Đang học lớp đệ ngũ nhưng hàng ngày chứng kiến cảnh quân lính đến nhà gây khó khăn, bắt bớ mẹ vì có người thân là Việt cộng, năm 1964, ông bỏ dở việc học, quyết đi theo cách mạng. Được phân công làm kế toán kinh tài (trụ sở cơ quan ở xã Đa Lộc, Sông Cầu), năm 1965, ông làm đơn xin nhập ngũ, trở thành chiến sĩ của Huyện đội Sông Cầu, sau đó bổ sung vào Tiểu đoàn Bộ binh 85 của tỉnh.

Trận đánh địch đầu tiên ông Ngọc tham gia là trận tiêu diệt đồn Hòn Đồn (xã An Định, huyện Tuy An) năm 1966. Ông Ngọc nhớ lại: “Tối hôm đó, Đại đội 2, Tiểu đoàn 85 phối hợp với Đại đội Đặc công 202 bí mật áp sát đồn địch chờ sẵn. Quả bộc phá đầu tiên nổ ở khu thông tin địch cũng là hiệu lệnh nổ súng trận đánh. Quân ta đồng loạt áp đảo bằng bộc phá lựu đạn, chỉ trong 10 phút ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt 48 tên Mỹ và thu nhiều vũ khí”. Trận đánh đồn Hòn Đồn đã mang lại tinh thần, khí thế chiến đấu cho bộ đội.

Dù trải qua nhiều trận đánh địch quyết liệt nhưng ấn tượng nhất trong ông là lần chống càn tiêu diệt 2 tên lính Mỹ ở vùng 9 (xã An Nghiệp, huyện Tuy An). Ông kể: “Tôi nhận lệnh từ đồng chí Như, tiểu đội trưởng, phục kích đánh địch đi càn lên vùng 9. Khi cùng với 2 đồng đội đi khảo sát địa hình, tôi nhìn thấy có cây trâm nằm ở sườn đồi, rất thuận lợi nên quyết định đặt khẩu trung liên lên một cành cây chờ sẵn. Nhìn thấy một tên lính Mỹ đứng trước đầu súng khoảng 150m, đồng đội giục bắn nhưng tôi bình tĩnh chờ một tên nữa lên đứng trong tầm ngắm, liền bóp cò khiến cả hai chết tại chỗ. Sau đó, địch bắn pháo cấp tập, tôi cùng đồng đội rút về đơn vị an toàn”.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy ở Phú Yên mở những chiến dịch tấn công bình định cấp tốc, kết hợp với chiến thuật trực thăng vận đổ chụp từng đại đội, trung đội xuống các nơi nghi có cơ quan, kho tàng của cách mạng để đánh phá. Chính vì vậy, cấp trên giao nhiệm vụ cho đơn vị của ông phải tiêu diệt Trung đội Bình định nông thôn đóng ở xã Bình Kiến, TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa).

Quy luật của chúng là ban ngày bình định kèm dân ở các thôn Thời Bình, Tường Quang…; ban đêm lên núi Mò O ngủ dựa vào một đại đội bảo an đóng chốt ở đây. Sáng chúng kéo xuống làng để làm nhiệm vụ bình định nông thôn. “Sau khi nhận lệnh, tôi chỉ huy một tổ 3 đồng chí đi nắm quy luật hoạt động của địch và chọn trận địa phục kích. Chúng tôi quyết định đặt 2 quả mìn (1 quả claymore và 1 quả mìn định hướng do ta sản xuất nặng khoảng 14-16kg) trên 2 bụi nho, mỗi bụi cách nhau 15-20m trên một đoạn đường thẳng dọc mương dẫn thủy rồi ngụy trang kín đáo, nằm chờ sẵn. Trời sáng, địch tràn xuống. Tốp đầu có 5 tên đi lưa thưa nên chúng tôi cho qua. Tốp sau chúng đi san sát nhau, tôi liền kích nổ mìn. 19 tên địch chết tại chỗ”.

Linh hoạt trong chỉ huy chiến đấu

Trong mỗi trận đánh, ông Ngọc là người bình tĩnh xử lý linh hoạt các tình huống chiến thuật nên mang lại niềm tin, khí thế chiến đấu cho đồng đội. Vì vậy, có một ngày ông tham gia 3 trận phục kích đánh địch. Ông Ngọc cười sảng khoái rồi kể: Một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 47 của địch đi càn đến khu vực căn cứ của ta ở Bình Kiến, chia ra 2 cánh: một cánh đi lên núi Đá Trải, cánh thứ hai đi ven theo thôn Cẩm Tú. Đồng chí Tấn (quê Hòa Thịnh), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 85 chỉ huy, giao tôi phụ trách phục kích đánh mũi thứ nhất.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc (phải) cùng đồng đội năm 1975 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tổ chúng tôi gồm 3 đồng chí, mỗi người mang 10 quả lựu đạn chày, mìn, súng AK và một khẩu AT chọn điểm giữa đoạn đường đặt mìn rồi kéo dây lên sườn đồi chờ sẵn. Khi địch đến nơi, chúng tôi cho nổ 2 quả mìn định hướng, tiếp tục thả hơn 10 quả lựu đạn làm nhiều tên thương vong. Một lát sau, thấy 2 chiếc trực thăng lên cứu thương, chúng tôi rút về báo cáo tình hình. Tôi được lệnh lên đường phục kích đánh địch ở điểm sau và di chuyển cách địa điểm cũ khoảng 1 cây số chờ sẵn. Nhưng địch lại chuyển hướng đi xuyên rừng.

Khi đến gần chỗ tôi phục kích 15-20m, phát hiện 4 ba lô lựu đạn cất giấu, chúng tập trung đông, tôi quyết định nổ súng. Địch bị bất ngờ không kịp phản ứng. Một lát sau, khi chúng tôi rút lui thì có một chiếc trực thăng đến cứu thương, địch rút về không đi càn nữa. Khi chúng tôi về đến suối Đá Bàn ăn cơm trưa thì nhận lệnh lên đường phục kích đánh địch ở mũi cánh Cẩm Tú. Chúng tôi đi xuyên rừng phía nam thôn Cẩm Tú thì nghe có tiếng nói của địch ở dưới suối cách chỗ chúng tôi chừng 15m. Tôi triển khai mỗi người 10 quả lựu đạn, rút chốt ném hết xuống chỗ chúng đang ẩn quân rồi rút về đơn vị an toàn.

Sau trận trên, Đảng bộ Tiểu đoàn 85 tổ chức đại hội và ông Ngọc được bầu vào ban chấp hành. Sau đó, ông được cử đi học lớp Chính trị viên đại đội tại Quảng Nam rồi về làm Chính trị viên Đại đội Đặc công 203; rồi Chính trị viên phó, Quyền Chính trị viên trưởng Huyện đội Tuy Hòa 1. Cuối năm 1972, ông đi học bổ túc ở huyện An Lão, Bình Định. Thời điểm Hiệp định Paris 1973 được ký kết, ông được điều về làm Chỉ huy trưởng Huyện đội Sông Cầu tham gia chiến đấu cho đến ngày quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất.

Quá trình chiến đấu, công tác, ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.

Trăn trở đi tìm đồng đội

Sau ngày giải phóng, ông Ngọc được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 97 đóng quân ở suối Trầu, Ninh Hòa (Phú Khánh); năm 1985 là Chỉ huy trưởng Huyện đội Đồng Xuân. Khi tách huyện Đồng Xuân, ông giữ chức Chỉ huy trưởng Huyện đội Sông Cầu. Năm 1986, ông theo học lớp cao cấp quân sự tại Hà Nội, sau đó kinh qua các chức vụ: Trưởng Phòng Động viên, Bộ CHQS Phú Khánh; Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS Phú Yên (1989-1997) rồi nghỉ hưu với quân hàm đại tá.

Khi nhớ lại những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, ông Ngọc vẫn luôn canh cánh về những đồng đội đã lấy thân mình hứng mìn, cứu ông thoát chết. Ông vẫn nặng lòng về những đồng đội (quê ở Nam Hà) cùng ông chiến đấu đến hơi thở cuối cùng còn “thất lạc” trong trận đánh địch ở đồi Cổ Mã (giữa Hòa Kiến và Hòa Quang Bắc).

Năm 1993, ông cùng Ban Chính sách Tỉnh đội Phú Yên tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả. Đến năm 2020, ông lại cùng một số anh em tiếp tục tìm kiếm nhưng kết quả vẫn bằng không. “Chờ dịch bệnh COVID-19 đi qua, tôi sẽ cùng anh em tiếp tục tổ chức đi tìm lần nữa để các liệt sĩ được về với quê mẹ. Có như vậy đến lúc nhắm mắt, tôi mới thấy lòng thanh thản vì thực hiện được ước nguyện, gọi là tri ân các đồng đội đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Ngọc trải lòng.

Quá trình chiến đấu, công tác, ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng nhì; Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/260611/dai-ta-nguyen-huu-ngoc-chuyen-bay-gio-moi-ke.html