Đại tá Nguyễn Huy Linh và ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô

Bảy thập kỷ đã trôi qua, nhưng khoảnh khắc hân hoan cùng tiếng hò reo vang dậy của nhân dân khi đoàn quân tiến về Thủ đô vẫn khắc sâu trong tâm trí Đại tá Nguyễn Huy Linh. Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ là dấu mốc lịch sử quan trọng mà còn là bản giao hưởng của niềm vui, sự tự hào và khát vọng tự do, mà ông đã trải qua cùng đồng đội.

Những ngày mùa thu lịch sử của Hà Nội, tôi có dịp trò chuyện cùng Đại tá Nguyễn Huy Linh (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một trong những người lính vinh dự tham gia đoàn quân tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước. Cuộc đời ông không chỉ là câu chuyện của người lính, mà còn là minh chứng cho lòng yêu nước và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ của một thế hệ chiến đấu vì độc lập dân tộc.

Sinh năm 1932, Đại tá Nguyễn Huy Linh là con trai thứ trong gia đình trung nông tại làng Trung Lập, tổng Trương Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên với một người anh trai tham gia trong lực lượng Giải phóng quân.

 Đại tá Nguyễn Huy Linh hào hứng kể về câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Đại tá Nguyễn Huy Linh hào hứng kể về câu chuyện chiến đấu năm xưa.

Đại tá Nguyễn Huy Linh nhớ lại: “Thời điểm đó quân Pháp đang chiếm đóng Mỹ Hào, anh trai tôi đã nhờ bạn bè liên lạc để đưa tôi vào quân đội Việt Nam, vì nếu ở lại, tôi sẽ trở thành lính ngụy. Khi ấy, tôi mới 15 tuổi, nhưng lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm đã thôi thúc tôi lên đường vì Tổ quốc”.

Gia nhập quân đội, sau đó Nguyễn Huy Linh được phân công về Xưởng quân giới Phan Bội Châu. Nhờ tích cực học tập, nắm vững kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, ông nhanh chóng được chuyển sang làm nhân viên thực nghiệm vũ khí tại Viện nghiên cứu quân giới. Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 1953, Tiểu đoàn 383 của ông, cùng với 5 tiểu đoàn khác thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ 367, đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được cử sang Trung Quốc để theo học về pháo cao xạ. “Trong đó, tiểu đoàn của tôi và Tiểu đoàn 394 vinh dự là hai đơn vị bắn giỏi nhất và được trở về nước sớm để tham gia vào cuộc kháng chiến”, Đại tá Nguyễn Huy Linh tự hào nhớ lại.

Tại chảo lửa Điện Biên Phủ, Nguyễn Huy Linh giữ vai trò khẩu đội trưởng của Tiểu đoàn 383. Ông cùng đồng đội trải qua 56 ngày đêm gian khổ; tham gia chiến đấu tại đồi Him Lam, đồi Độc Lập; bắn rơi nhiều máy bay Pháp… góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải chấp nhận đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam, Lào và Campuchia. Quân Pháp phải rút khỏi Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được giải phóng. Với những thành tích đáng tự hào trong cuộc kháng chiến, đơn vị của ông vinh dự được tham gia đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô.

 Lực lượng cao xạ pháo tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lực lượng cao xạ pháo tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo dòng cảm xúc, Đại tá Nguyễn Huy Linh chia sẻ: “Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, đơn vị tôi biên chế thành Tiểu đoàn 14 thuộc Sư đoàn 308, chuẩn bị tiến về tiếp quản Thủ đô. Ngày 6-10-1954, chúng tôi tập kết ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, tại đây, anh em trong đoàn văn công Tổng cục Chính trị hướng dẫn chúng tôi học hát, học múa,... để phục vụ cho công tác dân vận sau khi trở về Hà Nội. Những bài hát như "Hò kéo pháo" và "Giải phóng Điện Biên" luôn cho tôi cảm xúc đặc biệt, gợi nhớ về những năm tháng oanh liệt và ký ức tươi đẹp thời lính trẻ”.

Đêm 9-10-1954, Nguyễn Huy Linh cùng đồng đội di chuyển về sân bay Bạch Mai, tất bật chuẩn bị quần áo, xe cộ cho buổi diễu hành sáng hôm sau. Cả đơn vị vừa chăm chút tỉ mỉ cho từng chiếc xe, từ việc lau chùi đến sơn lại; vừa hồi hộp bàn bạc về những ký ức và khao khát được trở về Hà Nội. "Đêm hôm ấy chúng tôi không ngủ được, ngồi ôn lại những kỷ niệm về Hồ Gươm, Hồ Tây, phố cổ… như câu thơ ‘Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm’ trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng”, ông bồi hồi.

Sáng 10-10-1954, Hà Nội rực rỡ trong sắc đỏ sao vàng, cờ hoa ngập tràn khắp các con phố. Người dân khắp nơi háo hức đổ ra đường, chào đón những chiến sĩ giải phóng trở về giữa niềm hân hoan và tự hào. Từ năm cửa ô, các đoàn quân tiến vào với khí thế hiên ngang, đội hình chỉnh tề, hùng dũng bước qua những con phố giữa tiếng reo hò, vẫy cờ của hàng vạn người dân, đánh dấu một thời khắc lịch sử thiêng liêng.

 Sáng 10-10-1954, các đoàn quân của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến qua các cửa ngõ, chính thức tiếp quản Thủ đô trong không khí tưng bừng, giữa rừng cờ hoa và sự chào đón nồng nhiệt của hàng vạn người dân Hà Nội.

Sáng 10-10-1954, các đoàn quân của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến qua các cửa ngõ, chính thức tiếp quản Thủ đô trong không khí tưng bừng, giữa rừng cờ hoa và sự chào đón nồng nhiệt của hàng vạn người dân Hà Nội.

9 giờ 30 phút, chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Huy Linh nằm trong đoàn cơ giới và pháo binh cùng chỉ huy tiếp quản Hà Nội, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Bắc.

Hồi tưởng lại giây phút thiêng liêng ấy, ông không khỏi xúc động: “Đơn vị pháo của tôi, Tiểu đoàn pháo 14, là đơn vị duy nhất được vinh dự kéo pháo cơ giới qua các con phố của Thủ đô nên tự hào lắm. Trong không khí rộn ràng ấy, tôi nhớ nhất là hình ảnh những ánh mắt nhớ nhung của người thân dành cho các chiến sĩ đã ra đi từ những ngày đầu kháng chiến, giờ mới được trở về”.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải) Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải) Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày Giải phóng Thủ đô.

Đến 15 giờ chiều 10-10-1954, tại sân vận động Cột cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long), lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được kéo lên, tung bay sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta. Tiếng còi của Nhà hát Thành phố vang lên, hàng vạn quân dân Hà Nội trang nghiêm tham dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức.

Sau khi tiếp quản Thủ đô, Nguyễn Huy Linh được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng của Trung đội Cao xạ thuộc Trung đoàn Bộ binh 102, đóng quân tại Lai Xá. Sau đó, ông tham gia quân tình nguyện tại Lào trong 2 năm (1960-1962) với quân hàm Thiếu úy, Đại đội phó Đại đội pháo Đoàn 959... Khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại ở cả 2 miền Nam-Bắc, ông đảm nhận công tác tuyên huấn, chính trị ở nhiều đơn vị rồi nghỉ hưu tháng 4-2023 với quân hàm Đại tá-Trưởng ban tổng kết Cục Chính trị Bộ Tổng Tham mưu-Cơ quan Bộ Quốc phòng...

 Đại tá Nguyễn Huy Linh và vợ.

Đại tá Nguyễn Huy Linh và vợ.

Ở tuổi 92 với 68 năm tuổi đảng, 54 năm tuổi quân, người Chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn luôn phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, son sắt niềm tin với Đảng và mãi nhớ về Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội như một ký ức không thể nào phai. Đại tá Nguyễn Huy Linh mong rằng, những âm vang của bản hùng ca về Hà Nội trong năm tháng kháng chiến sẽ luôn được giữ gìn trong tâm trí của các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Qua đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp bước và phát huy truyền thống vẻ vang mà cha ông đã để lại.

Bài, ảnh: HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/dai-ta-nguyen-huy-linh-va-ky-uc-ve-ngay-giai-phong-thu-do-798063