Đại tá, nhạc sĩ Trương Hùng: 'Viết về lực lượng Công an cần hiểu biết sâu sắc và cảm xúc chân thực'...

Đại tá, nhạc sĩ Trương Hùng (nguyên cán bộ Cục Công tác chính trị, Bộ Công an), là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng và tác phẩm khí nhạc, từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc có giá trị. Dù khi đang công tác hay nghỉ hưu, nhạc sĩ Trương Hùng luôn miệt mài sáng tác và dành nhiều quan tâm, đóng góp cho âm nhạc của lực lượng Công an.

Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Trương Hùng, xung quanh mảng âm nhạc mà ông vô cùng tâm huyết.

- Thưa Đại tá, nhạc sĩ Trương Hùng, lực lượng CAND đã trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với những thành tựu ở nhiều lĩnh vực. Nhận định của ông về vị trí, vai trò của mảng âm nhạc về đề tài CAND trong đời sống âm nhạc Việt Nam?

Đại tá, nhạc sĩ Trương Hùng. (ảnh: Trọng Lưu)

Đại tá, nhạc sĩ Trương Hùng. (ảnh: Trọng Lưu)

+ Có thể nói, trong suốt chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cho đến hôm nay, lực lượng CAND ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và to lớn đối với mọi mặt của đời sống xã hội... Trong đó, không thể không nói đến những đóng góp của văn học, nghệ thuật về đề tài CAND mà âm nhạc (cụ thể là ca khúc) là một trong những bộ phận góp phần tạo nên diện mạo của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đương đại.

Có lẽ, trong đời sống tinh thần của xã hội, không có một lĩnh vực hay ngành nghề nào mà văn học, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng được quan tâm tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo được dấu ấn mạnh mẽ như trong lực lượng Quân đội và Công an.

Tính chất chuyên nghiệp được thể hiện rõ trong các hoạt động sáng tác, dàn dựng, biểu diễn và quảng bá tác phẩm nhân các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước trên các phương tiện truyền thông, đã mang đến cho công chúng những tác phẩm có giá trị, phần nào khắc họa chân thực hình tượng người chiến sĩ CAND gần gũi, nhân văn.

Qua đó khẳng định âm nhạc về đề tài CAND là một bộ phận không thể tách rời của nền âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đang vươn mình trong kỷ nguyên mới.

- Là nhạc sĩ có nhiều tác phẩm thành công, được công chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi, đặc biệt ở mảng ca khúc về lực lượng CAND như “Giữ trọn lời thề”, “Đường chúng con đi”, “Bình yên cho Điện Biên”, “Giữ vững niềm tin”... (Trong đó ca khúc “Giữ trọn lời thề” là một trong 10 ca khúc tiêu biểu về đề tài CAND). Ông có bí quyết gì khi sáng tác?

+ Bí quyết lớn nhất của người nhạc sĩ có lẽ là cảm xúc chân thực đối với lĩnh vực và đề tài mà mình sáng tác. Tôi có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của cá nhân trong chặng đường sáng tác của mình. Ngoài cảm xúc chân thực, người nhạc sĩ cần phải tìm hiểu để có hiểu biết sâu sắc, thấu đáo về nội dung, đề tài và đặc điểm công tác chiến đấu của từng lực lượng mà mình sẽ viết.

Ngoài ra, có sự lựa chọn phù hợp về cấu trúc, ngôn ngữ, phong cách và bút pháp đối với nội dung và đề tài cần thể hiện trong tác phẩm. Thêm nữa, xây dựng hình tượng âm nhạc và lời ca thật chắt lọc, mang tính khái quát cao để tác phẩm dễ nhớ, dễ thuộc, dễ biểu diễn đối với đông đảo công chúng của lực lượng CAND (nhất là những tác phẩm viết cho tập thể).

- Một điều dễ nhận thấy ở những tác phẩm âm nhạc của ông là sự chặt chẽ, khúc chiết về hình thức, sâu sắc trong ca từ và đong đầy cảm xúc... Dường như, quãng thời gian được đào tạo chính quy, bài bản tại Nhạc viện Hà Nội giúp ông có được phong cách sáng tác vững vàng ấy?

+ Tôi sinh ra trong một gia đình nhà giáo và không có truyền thống làm nghề âm nhạc, tuy nhiên lại được giáo dục thẩm mỹ từ khá sớm. Ngay từ khi học cấp 2, tôi được gia đình cho học đàn guitar cổ điển với một người thầy rất có kinh nghiệm về sư phạm và đó là nền tảng bước đầu rất quan trọng giúp tôi bước vào con đường âm nhạc hàn lâm tại Nhạc viện Hà Nội không mấy khó khăn.

Được đào tạo cơ bản và tốt nghiệp đại học ở cả 2 chuyên ngành Lý luận âm nhạc và Sáng tác âm nhạc giao hưởng với sự chỉ bảo và dẫn dắt của các giáo sư hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam đã giúp tôi có được một chút kết quả như ngày hôm nay.

Bên cạnh những thuận lợi về sự đào tạo cơ bản, khó khăn chính là những trải nghiệm thực tiễn cuộc sống sinh động để có những hiểu biết và cảm xúc cho ra đời những tác phẩm đi vào cuộc sống.

Nghề lý luận phê bình giúp tôi có được sự tỉnh táo, khúc chiết trong tư duy, phân tích và cảm thụ tác phẩm âm nhạc. Còn sáng tác cho tôi những cảm xúc thăng hoa để sáng tạo khi kết hợp cả 2 yếu tố đó, có lẽ tác phẩm mới thành công.

- Hình tượng người chiến sĩ CAND luôn là đề tài tiềm năng, thú vị và đầy sức hấp dẫn với văn học, nghệ thuật. Nhưng, để có được những tác phẩm hay, xuất sắc không dễ chút nào. Hẳn, ông cũng thấu hiểu sâu sắc những khó khăn mà người sáng tác gặp phải?

+ Khó khăn mà những người sáng tác thường gặp khi khắc họa chân dung người chiến sĩ CAND có thể chia làm 2 nhóm: Một là những người có hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc thực tiễn và có cảm xúc về cuộc sống chiến đấu của người chiến sĩ CAND nhưng lại thiếu kỹ năng và thủ pháp sáng tác.

Hai là những người có nhiều kỹ năng sáng tác nhưng lại thiếu thực tiễn và cảm xúc về đời sống của lực lượng CAND. Những tác phẩm hay thường được kết hợp nhuần nhuyễn cả 2 yếu tố: cảm xúc và khả năng sáng tạo.

- Với vai trò Phó Chủ tịch Chi hội nhạc sĩ CAND, ông còn là người gắn bó và theo sát các hoạt động âm nhạc của lực lượng CAND, cảm nhận của ông về mảng âm nhạc này, những năm gần đây?

+ Mặc dù không có con số chính thức nhưng thông qua các phương tiện truyền thông, mảng ca khúc về đề tài CAND những năm trở lại đây có sự nở rộ về mặt số lượng; phong phú về nội dung, đề tài; đa dạng về hình thức và thể loại. Tuy nhiên, về mặt chất lượng thì dường như chưa thấy xuất hiện những tác phẩm có giá trị vượt thời gian và sức sống lâu bền trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ CAND như những tác phẩm của các bậc cha anh đi trước.

Chúng ta tự hào về 10 ca khúc truyền thống, tiêu biểu về đề tài CAND mà Bộ Công an từng tổng kết như “Người Công an thân yêu” (Văn Cao), “Chúng ta là chiến sĩ Công an” (Trọng Bằng), “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” (Trần Gia Cường), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn)... Điều đáng mừng là một số tác phẩm sau này cũng để lại dấu ấn trong lòng công chúng như “Vì bình yên Tổ quốc” (Hoàng Thọ), “Tuần tra đêm” (Mai Trực), “Anh Công an bản em” (Tân Điều), “Tuần tra trên sông” (Dương Năm), “Sông Hàn nhịp bước tuần tra” (Lưu Bình), “Khúc ca người chiến sĩ an ninh” (Thanh Hải)...

- Lực lượng CAND trải qua 80 năm đầy tự hào. Ở góc độ âm nhạc, ông có thấy việc khai thác và phản ánh chân dung người chiến sĩ Công an có thay đổi gì so với trước đây?

+ Qua 80 năm, cuộc sống đã có nhiều thay đổi và đương nhiên âm nhạc phục vụ đời sống cũng phải thay đổi. Nếu ca khúc về đề tài CAND chủ yếu là thể loại hành khúc truyền thống và khắc họa chân dung người chiến sĩ CAND một cách chung nhất thì giờ đây, các nhạc sĩ đã khai thác hình ảnh người chiến sĩ Công an ở nhiều góc độ. Phương pháp ngôn ngữ thể hiện cũng phong phú và đa dạng hơn.

Mảng đề tài “hẹp” và khó viết như lực lượng Cảnh vệ, Cảnh sát cơ động... cũng đã được các tác giả quan tâm hơn và đóng góp một số tác phẩm. Tuy nhiên, còn thiếu vắng ca khúc ở một số lĩnh vực như Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, lực lượng nghi lễ CAND... Rất cần có những tác giả đủ tâm huyết, tài năng đi vào khai thác mảng đề tài này. Ngoài ra, một điều mà tôi trăn trở là với âm nhạc đề tài CAND thì mảng ca khúc đã có vốn liếng rồi nhưng nhạc không lời, nhạc nghi lễ... vẫn còn thiếu vắng.

- Theo ông, cần có những hoạt động thiết thực nào để nâng cao chất lượng ca khúc về đề tài CAND, từ đó đáp ứng được thị hiếu của đông đảo công chúng cũng như khán giả là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an trẻ hiện đại ngày nay?

+ Thị hiếu âm nhạc nói chung biến đổi liên tục, tiếp thu tinh hoa âm nhạc phương Tây rất mạnh mẽ. Nên, để đáp ứng được yêu cầu của đông đảo công chúng cũng cần có những thay đổi phù hợp. Thẳng thắn mà nói, mảng ca khúc về đề tài CAND với ngôn ngữ mới, phản ánh một góc nào đó của giới trẻ thì đã có những chuyển biến, tuy nhiên, chưa thật sự rõ nét.

Để nâng cao chất lượng ca khúc về đề tài CAND, có lẽ, cơ quan quản lý sẽ có cái nhìn toàn diện và bài bản hơn. Riêng tôi cho rằng, chất lượng đội ngũ sáng tác là quan trọng nhất. Và, theo đó là cơ chế, chính sách và cách tổ chức các hoạt động sáng tác, biểu diễn và quảng bá tác phẩm. Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp hơn cho người sáng tác như hỗ trợ hòa âm phối khí, đưa tác phẩm đến công chúng... Trong công tác quảng bá cũng cần hài hòa giữa giới thiệu tác phẩm và tác giả.

- Chân thành cảm ơn ông!

Thảo Duyên (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dai-ta-nhac-si-truong-hung-viet-ve-luc-luong-cong-an-can-hieu-biet-sau-sac-va-cam-xuc-chan-thuc--i775940/