Sức hút của 'Bệnh sĩ'

Được dàn dựng và công diễn lần đầu vào năm 1988, trải qua khoảng 400 đêm diễn, đến nay 'Bệnh sĩ' - vở kịch kinh điển của cố tác giả Lưu Quang Vũ vẫn giữ được sức hút đặc biệt. Hai suất diễn vào ngày 2, 3/8 tại Hà Nội hiện đã 'cháy vé' cho thấy rõ điều đó. Phóng viên Báo Đại đoàn kết đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Kiều Minh Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam để phần nào làm rõ hơn sức hút đặc biệt đó.

PV: Theo ông đâu là yếu tố then chốt giúp một tác phẩm sân khấu hơn 30 năm tuổi vẫn đủ sức hút mạnh mẽ với khán giả, nhất là trong thời điểm phải cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí hiện đại trên nền tảng mạng xã hội?

Nghệ sĩ Kiều Minh Hiếu.

Nghệ sĩ Kiều Minh Hiếu.

NSƯT Kiều Minh Hiếu: Tôi vẫn nhớ bản dựng đầu tiên cách đây khoảng gần 40 năm. Thế nhưng, 40 năm trước hay hiện tại thì “Bệnh sĩ” vẫn giữ được nguyên vẹn sức nóng. Sức nóng ấy trước tiên phải bắt đầu từ tên tuổi của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Nội dung mà tác giả đề cập trong vở kịch đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự, tính dự báo với những thông điệp sâu sắc và giàu tính phản biện.

Khán giả xem “Bệnh sĩ” dễ dàng tìm thấy sự tương đồng, liên hệ với thực tế xung quanh mình. “Bệnh sĩ” tạo ra được những tiếng cười sâu cay bởi nó được viết bằng ngôn ngữ sắc sảo, châm biếm mà vẫn đầy chất thơ. Ngoài ra, cũng phải nói là nghệ thuật biểu diễn trong vở kịch đã thuyết phục được người xem, giúp khán giả cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật sân khấu.

“Bệnh sĩ” trải dài mấy thập niên và mỗi lần dựng lại là một phiên bản mới, đầy ắp sự mới lạ. Phong cách dàn dựng của đạo diễn giờ đã khác xưa, nghệ thuật biểu diễn, tiết tấu biểu diễn cũng khác xưa, nhanh hơn, đồng điệu hơn với đời sống hiện đại. Cách xử lý âm thanh, âm nhạc, ánh sáng cũng mang yếu tố hiện đại nhiều hơn để có thể tiếp cận được các đối tượng khán giả, đặc biệt là những người trẻ.

Trong hai đêm diễn của “Bệnh sĩ” sắp tới có sự tham gia của dàn nghệ sĩ gạo cội, đặc biệt là sự xuất hiện của NSND Xuân Bắc. Ông có thể chia sẻ thêm về việc này?

- Đúng vậy, trong ê kíp biểu diễn lần này có rất nhiều gương mặt đình đám của nhà hát Kịch Việt Nam, đặc biệt là NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đây có thể nói là trường hợp rất hiếm khi một Cục trưởng tham gia biểu diễn như một nghệ sĩ. Ngoài ra còn một nhân vật cũng rất đặc biệt, ông đảm nhận vai chính từ đầu đến cuối - đó là NSND Việt Thắng. Mặc dù về nghỉ hưu đã 6 năm, nhưng ông vẫn đầy tinh thần nhiệt huyết và tình yêu với sân khấu kịch.

Đó là niềm vui, niềm tự hào của Nhà hát. Khi dàn nghệ sĩ gạo cội kết hợp với những nghệ sĩ trẻ, tài năng của tạo nên một tổng hòa nghệ thuật vừa đậm chất truyền thống, vừa mang hơi thở đương đại.

Bên cạnh việc phục dựng, làm mới các vở kịch kinh điển như “Bệnh sĩ”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”... Nhà hát Kịch Việt Nam có tiếp tục xây dựng thêm các vở mới phản ánh hơi thở của cuộc sống đương đại không?

- Không chỉ bây giờ mà suốt nhiều năm qua, bên cạnh đội ngũ Ban Giám đốc, Nhà hát Kịch Việt Nam còn có Hội đồng nghệ thuật luôn giữ vững định hướng nghệ thuật mà các thế hệ đi trước đã đặt nền móng - đó là chính kịch, kịch tâm lý - vốn là thế mạnh của Nhà hát. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của đời sống, chúng tôi luôn tìm kiếm và lựa chọn những nguyên liệu mới- những câu chuyện của thời đại, để đưa vào dàn dựng cho phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.

Thế nhưng, tôi vẫn phải khẳng định các kỹ năng biểu diễn, vận hành về sân khấu vẫn giữ được cốt lõi của nghệ thuật truyền thống – những giá trị tạo nên bản sắc riêng của sân khấu kịch. Đó là niêm luật không thể thay đổi. Thời gian qua Nhà hát đang nỗ lực vừa bảo tồn các vở cổ điển, vừa xây dựng vở mới, mở rộng khán giả và tìm cách khẳng định vị thế học thuật và chiều sâu tư tưởng trong từng tác phẩm.

Cảnh trong vở “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Cảnh trong vở “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng sự thành công của “Bệnh sĩ” có một phần đến từ dàn nghệ sĩ tên tuổi, từ những nghệ sĩ gạo cội. Nhà hát có chiến lược gì để vừa giữ được tên tuổi lớn, vừa bồi dưỡng thế hệ nghệ sĩ kế cận để duy trì chất lượng các vở diễn?

- Thời gian qua Nhà hát đã rất chú trọng đến công tác đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ tài năng. Cánh cửa Nhà hát Kịch Việt Nam luôn mở rộng để đón nhận các bạn trẻ. Chúng tôi luôn tạo cơ hội, trao vai diễn cho những nghệ sĩ trẻ thực sự tâm huyết, yêu nghề và muốn cống hiến cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Qua quá trình theo dõi, sàng lọc chúng tôi cũng tìm ra được những gương mặt trẻ tài năng - sẽ trở thành những lớp nghệ sĩ kế cận của Nhà hát trong thời gian tới.

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng luôn tạo điều kiện để các diễn viên xuất hiện trong các bộ phim truyền hình. Bởi chúng tôi hiểu, sự lan tỏa của phim truyền hình rộng, nhanh và gây ấn tượng mạnh hơn. Ví như các diễn viên Trung Anh, Phú Đôn, Lan Hương "bông"... Khi họ tạo được thương hiệu trong lòng khán giả qua các bộ phim truyền hình thì họ cũng được đón nhận nhiệt tình hơn khi tham gia các vở kịch. Rồi một số gương mặt trẻ như Việt Hoa (Hoa Chery), Tô Dũng, Minh Thu... những gương mặt rất sáng trên cả truyền hình và sân khấu kịch.

Với vai trò là cái nôi nghệ thuật, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tiếp tục là nơi chắp cánh, giúp các bạn trẻ hoàn thiện kỹ năng biểu diễn, trưởng thành hơn trong nghề để tạo nên những thương hiệu riêng trong lòng người hâm mộ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/suc-hut-cua-benh-si-10311374.html