Đại tá Trần Hồng kể chuyện 'săn' khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhắc lại kỷ niệm ghi lại những khoảnh khắc đời thường, bình dị về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá, Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng không khỏi bồi hồi, xúc động.
Khoác trên mình bộ quân phục, Đại tá, Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng phong thái nhanh nhẹn tranh thủ tác nghiệp cùng các phóng viên tại buổi công bố các tài liệu lưu trữ về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơneve tại Hà Nội.
Đặc biệt, khi ngắm nhìn bộ ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do ông trao tặng Trung tâm Lưu giữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước ông hết sức xúc động và hào hứng chia sẻ kỷ niệm "săn" hình, ghi lại những khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Hơn 20 năm gắn bó và chụp những bức ảnh chân thực nhất, đời thường nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xin ông cho biết, cơ duyên nào để ông có được vinh dự này?
Đã có rất nhiều người đặt câu hỏi này với tôi. Thời kỳ đó, khi còn là phóng viên của Báo Quân đội nhân dân, để được phân công chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc không bao giờ đến lượt tôi. Tuy nhiên, cơ duyên để tôi có được vinh dự chụp ảnh vị tướng huyền thoại đến rất bất ngờ.
Từ năm 1973, tôi đã rất thích chụp ảnh, nhất là ảnh chân dung về các bà mẹ. Năm 1994, tôi mở cuộc triển lãm ảnh về chân dung các bà mẹ tại Hà Nội. Triển lãm vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự.
Khi quan sát các bức ảnh tại triển lãm, Đại tướng đã hỏi tôi: “Đâu là bức ảnh tác giả thích nhất?”. Lúc đó tôi rất hồi hộp và thưa với Đại tướng rằng: “Trong hơn 80 bức ảnh của triển lãm, tôi đều thích tất cả, vì đây là tác phẩm của mình. Và tôi chịu đến tận cùng trách nhiệm của mỗi bức ảnh”.
Lúc đó, Đại tướng dù không cười nhưng ánh lên niềm vui. Và, Đại tướng vỗ vai tôi nói: “Cậu ranh (khen khôn) lắm”. Rồi, Đại tướng nói với thư ký, hãy để phóng viên Trần Hồng vào gặp Đại tướng bất cứ lúc nào.
Niềm vinh dự đến quá bất ngờ, khiến tôi thức trắng đêm, chỉ mong trời sáng để đến nhà Đại tướng. Vào tháng 4/1994, 5 rưỡi sáng, tôi đã đến nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, bắt đầu cho hành trình 24 năm theo dấu chân Đại tướng để ghi lại những khoảnh khắc bình dị, đời thường nhất của một nhân cách lớn lao, một vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Với hàng nghìn bức ảnh đắt giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với ông, những khoảnh khắc nào để lại ấn tượng sâu đậm nhất?
“Văn lo vận nước, văn thành võ/Võ thấu lòng dân, võ hóa văn” - câu đối này đã khái quát toàn bộ tài năng, đức độ của vị Đại tướng huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Như vậy, khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chúng ta đều nhận thức rõ nét về chất nhân văn bao trùm trong ông. Phẩm chất nhân văn chính là nhân tố thu phục mọi tầng lớp, dồn sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thành công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Và 24 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đều tập trung khai thác phẩm chất nhân văn của ông, trong các hoạt động sinh hoạt đời thường hay lúc Đại tướng tham gia các hoạt động, sự kiện quan trọng như tiếp các chính khách quốc tế, trở lại thăm chiến trường xưa…
Tôi còn nhớ, vào tháng 11/2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi tàu về thăm quê hương Quảng Bình. Lúc tàu đến Hà Tĩnh, ngồi bên cửa sổ, Đại tướng mở quyển sổ ngồi ghi chép, quần áo giản dị. Chớp cơ hội này, tôi lén tranh thủ bấm máy. Nhưng chụp đến bức thứ 4 thì bị đại tướng phát hiện, và có ý trách: "Sao em chụp tôi nhiều thế?". Nhưng sau khi đưa 4 bức ảnh cho Đại tướng xem, đại tướng khen và bảo "chân thật quá".
Năm 2004, Đại tướng trở lại Điện Biên. Lúc vào hội trường lớn của Điện Biên Phủ để gặp gỡ, nói chuyện với các cựu chiến binh, Đại tướng cho hay: "Từ trên máy bay, nhìn xuống Điện Biên rất đẹp". Lúc này các đại biểu tham dự vui lắm, nghĩ rằng sẽ được nghe một lời khen của Đại tướng.
Tuy nhiên, Đại tướng nói thêm: "Điện Biên đẹp như bức tranh, nhưng bức tranh có nhiều mảng màu vì độ che phủ của rừng đã mất đi rất nhiều, không như ngày xưa, rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Đại tướng dứt lời, bầu không khí bỗng trầm lại. Khoảnh khắc này, tôi không kịp chụp đại tướng, nhưng đã kịp chụp được tâm trạng, phản ứng của các cựu chiến binh, những đồng đội của Đại tướng. Rất đắt giá. Vì thế, đây là một trong những bức ảnh mà tôi yêu thích.
Ngoài ra, trong kho ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi cũng rất yêu thích hình ảnh vị tướng tài ba tập thể dục, hay hình ảnh ông ngồi thiền buổi sáng, khoảnh khắc ông vui vẻ khi xem lại ảnh của mình thời trẻ, cũng như giây phút hiếm hoi khi ông ngồi thư giãn đánh đàn piano.
Rồi có những hình ảnh Đại tướng tiếp các chính khách, nhất là bức ảnh Tổng thống Venezuela Hugo Chávez chụp cùng Đại tướng và phu nhân. Bức ảnh ông chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng thống Hugo Chávez không chỉ đi vào lịch sử, mà còn giúp gắn kết tình hữu nghị sâu nặng giữa các thế hệ hiện tại và mai sau.
Đặc biệt, ngày Đại tướng nằm ở Bệnh viên Quân đội 108, tôi đã kịp ghi lại hơn 1.000 bức ảnh. Lúc đó, sức khỏe Đại tướng đã yếu đi, rất khó để chụp và khắc họa được hình ảnh một Đại tướng với phẩm chất cũng như trí tuệ đồ sộ của một con người tài ba lỗi lạc… Dù có những bức ảnh không sắc nét, chưa chuẩn về góc độ, song, đó lại là những bức ảnh riêng tư, bộc lộ khía cạnh rất đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi vẫn luôn gìn giữ như báu vật.
Được biết, ông đã trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước 111 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp trong thời gian từ năm 1986 đến 2018. Ông mong muốn và gửi gắm gì về việc trao tặng này?
Sau khi dày công chọn lọc và đầu tư xuất bản cuốn “Tôi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp” với 103 bức ảnh chọn lọc, theo chủ đề (tượng trưng cho 103 tuổi hạc của Đại tướng). Tiếp đó, năm 2022, tôi đã trao tặng 111 bức ảnh chân dung và ảnh hoạt động đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian từ năm 1986 đến năm 2018.
Tiêu biểu trong số này là bức ảnh “Nhớ Bác” chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên cạnh bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; ảnh Tổng thống nước Cộng hòa Venezuela thăm và tặng Đại tướng phiên bản thanh bảo kiếm quý hiếm; ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ngồi thiền...
Với điều kiện kho tàng, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật, tôi rất tin tưởng, yên tâm khi những khối tài liệu ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được bảo quản an toàn và sử dụng, qua đó được phát huy giá trị một cách hiệu quả đối với việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Đại tá Trần Hồng sinh năm 1947 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp khóa 1 (1969-1973) Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ông cũng là chiến sỹ Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Đại tá Trần Hồng từng là phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân. Trong sự nghiệp của mình, bên cạnh các tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã chụp hàng nghìn bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của những người lính ở tuyến đầu, những người mẹ hy sinh thầm lặng ở hậu phương.