Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là động lực tinh thần to lớn để Việt Nam kiên định, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để Việt Nam kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về những trận chiến vang dội của quân và dân ta đã làm nên một Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho Việt Nam. Đó là kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phóng viên: Thưa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, được biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là người đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến dịch lớn như Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Vậy ông có thể chia sẻ một trong những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình tham gia các chiến dịch trên?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Năm 1965, khi mới 18 tuổi, tôi đã rời xa quê hương Hải Hậu, Nam Định lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau hai năm nhập ngũ, từ Binh nhì tôi phấn đấu thành tổ trưởng tổ ba người, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, rồi Chiến sĩ Quyết thắng và chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Kể từ khi đứng trong hàng ngũ của Đảng và đến nay đã tròn 60 năm đời binh nghiệp, tôi vẫn luôn khắc ghi trong tâm lời thề của mình "Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời phấn đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân”. Lời thề đó là danh dự của người đảng viên đối với tổ chức và nguyện xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân đã giao phó.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến dịch lớn như Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Có thể nói, đối với tôi cuộc hành quân thần tốc trong Chiến dịch mùa Xuân 1975 đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ quên, trong đó có câu chuyện tôi và các đồng đội được má Sáu Ngẫu tặng tấm bản đồ viết tay mà sau này chính món quà quý giá này đã góp phần vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Nguyễn Huy Hiệu (thứ 2 từ trái qua) và chính ủy Trịnh Văn Thư được má Sáu Ngẫu trao bản đồ Thành đô đêm 29/4/1975 tại Lái Thiêu. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 Nguyễn Huy Hiệu (thứ 2 từ trái qua) và chính ủy Trịnh Văn Thư được má Sáu Ngẫu trao bản đồ Thành đô đêm 29/4/1975 tại Lái Thiêu. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Cách đây 50 năm, vào ngày 18/3/1975, khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, tôi nhận lệnh hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình vào Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, làm dự bị cho giải phóng Huế - Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đến ngày 26/3/1975, Huế đã được giải phóng. Ngay sau đó, đơn vị được lệnh quay ra Đông Hà, vượt đèo Ang Bun và bắt đầu cuộc hành quân theo tuyến Tây Trường Sơn, tập kết tại Đồng Xoài để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử.

Khi đến đèo Ang Bun, Trung đoàn 27 nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Tôi lập tức truyền đạt mệnh lệnh đến toàn đơn vị.

Đêm 25, rạng sáng 26/4/1975, Trung đoàn 27 tập kết tại Bàu Cá Trê, cách Tân Uyên (Bình Dương) khoảng 5km. Sáng hôm sau, đơn vị tiến công bằng bộ binh cơ giới, đánh qua Tân Uyên, bắt tù binh, sử dụng xe tăng làm mũi nhọn dẫn đầu tiến quân qua Bình Chuẩn.

Đêm 29/4, Trung đoàn 27 đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10km. Đường 13 tối mịt mù, chỉ có một căn nhà lá đơn sơ với ánh đèn leo lét. Tôi nghĩ đây có thể là cơ sở của ta.

Tôi cùng tổ trinh sát băng qua nghĩa địa, bìa rừng, cho trinh sát hô “Hồ Chí Minh” 3 lần. Một lát sau, có một bà má ra mở cửa, đáp lại: “Muôn năm”. Đúng như tôi dự đoán, căn nhà của bà Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu) chính là cơ sở cách mạng của ta.

Khi vào trong nhà, tôi thưa với má Sáu “Con là chỉ huy quân giải phóng miền nam Việt Nam. Ngày mai đơn vị chúng con có nhiệm vụ đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và tiến công vào bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy. Nếu má có thông tin gì, xin má giúp”.

Tôi đưa bản đồ chỉ huy cho má Sáu nhìn. Má xem và nói: "Má không rành bản đồ này". Rồi má vào buồng, mang ra một tấm bản đồ viết tay. Tôi thấy má đã ghi rất kỹ, nét chữ rất đẹp. Sau này mới biết má là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn.

Nhân dân Lái Thiêu hân hoan đón chào bộ đội về giải phóng quê hương. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Nhân dân Lái Thiêu hân hoan đón chào bộ đội về giải phóng quê hương. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Theo bản đồ của má, cách nơi đóng quân khoảng 5km là trại Huỳnh Văn Lương, có khoảng 2.000 hạ sĩ quan và một đại tá chỉ huy. Má dặn: “Ngày mai tiến công, các con không cần đánh, họ sẽ kêu hàng. Nhưng phải chiếm thật nhanh Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình. Nếu không chiếm được cầu thì các con không vào được Sài Gòn bằng cơ giới”.

Tôi hỏi má Sáu có con đường nào khác để vào Sài Gòn không, má nói chỉ có cầu sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được chỉ có bộ binh đi được. Má Sáu thậm chí còn ngỏ ý cùng hai con nhỏ ngồi lên xe tăng dẫn đường cho chúng tôi tiến công vào Gò Vấp. Tuy nhiên, tôi và các đồng đội đã từ chối vì má Sáu đã già và hai con má còn nhỏ. Chúng tôi hẹn má đánh xong trận này sẽ quay lại cảm ơn má và đồng bào.

Ngay sau giải phóng, giữ lời hứa với má Sáu Ngẫu, chúng tôi đã tổ chức về thăm và cảm ơn má và đồng bào. Dọc hai bên đường Lái Thiêu, đồng bào vẫy cờ hoa chào đón và tặng rất nhiều hoa trái.

Sau này, lấy cảm hứng từ câu chuyện tấm bản đồ của má, nhạc sĩ Văn Thành Nho đã sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao” và trở thành bài hát truyền thống của Trung đoàn 27; nhà văn quân đội Phạm Xuân Trường khắc họa qua tác phẩm “Ngọn đèn trong bão lửa”.

Mặc dù 50 năm trôi qua, mỗi dịp tháng Tư, tôi và những người đồng đội Trung đoàn 27 năm xưa lại trở về thăm má Sáu. Câu chuyện về má Sáu đã được lưu giữ trong ký ức của bao thế hệ.

Má Sáu là hiện thân cho những người mẹ miền nam sẵn sàng hy sinh, đóng góp thầm lặng vào thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Mỗi dịp tháng Tư, gia đình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về thăm và dâng hương tại mộ má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Mỗi dịp tháng Tư, gia đình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu về thăm và dâng hương tại mộ má Sáu Ngẫu ở Lái Thiêu. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Phóng viên: Có thể nói, tấm bản đồ viết tay của má Sáu Ngẫu đã tiếp sức cho ông và đồng đội linh hoạt, chủ động hơn trong kế hoạch tấn công vào các căn cứ quân sự của địch, tiến thẳng vào Sài Gòn. Ông có thể chia sẻ, Trung đoàn 27 và các đơn vị đã đánh chiếm các cứ điểm của địch, thẳng tiến về Sài Gòn theo chỉ dẫn của tấm bản đồ của má Sáu như thế nào?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Sau khi từ chối lời đề nghị của má Sáu Ngẫu cùng hai con lên xe tăng để dẫn đường cho chúng tôi tiến công vào Gò Vấp. Ngay đêm hôm đó, má Sáu đã tham mưu cho Trung đoàn rất nhiều điều quan trọng trong những trận đánh sau này.

Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, tôi và các cán bộ Trung đoàn 27 lập tức lên kế hoạch tiến vào Sài Gòn.

Vào 4 giờ 30 sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tiến công bằng cơ giới. Một tiểu đoàn đã luồn sẵn vào Lái Thiêu. Khi tiến qua đây, đơn vị phát hiện xe tăng địch, bắn cháy 3 chiếc, đồng thời bắt sống chiếc “vua chiến trường” (Pháo tự hành M175), hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Theo đó, đơn vị tiếp tục truy đuổi, đánh vào cầu Vĩnh Bình - tuyến phòng thủ cuối cùng trước khi vào Sài Gòn. Địch kháng cự quyết liệt, Trung đoàn 27 phải dùng toàn bộ hỏa lực để chế áp, mở đường cho lực lượng cơ giới chiếm cầu.

Ban Chỉ huy Trung đoàn 27 - Sư đoàn 320b tại Nhà Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy thiết giáp quân Ngụy Sài Gòn chiều 30/4/1975. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Ban Chỉ huy Trung đoàn 27 - Sư đoàn 320b tại Nhà Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy thiết giáp quân Ngụy Sài Gòn chiều 30/4/1975. (Ảnh do Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cung cấp)

Nhớ lời má Sáu dặn “Cầu này có dây thép gai chằng chịt, có thùng phuy đựng cát chắn đường. Các con phải đánh nhanh”, chúng tôi triển khai đánh nhanh thắng nhanh, đến 9 giờ sáng, Trung đoàn 27 chiếm được cầu Vĩnh Bình. Đại đội trưởng Đại đội xe tăng Hoàng Thọ Mạc đã bắn cháy 3 xe. Sau khi xe bị hỏng, anh xuống chỉ huy tổ B40, B41, tiếp tục tiêu diệt thêm 3 xe nữa. Anh bị thương nặng và hy sinh. Tôi quyết định đưa anh lên xe, cùng đồng đội tiếp tục tiến về Sài Gòn.

Gần 10 giờ, Trung đoàn 27 chiếm được bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy tại quận Gò Vấp, tiếp quản 13 căn cứ lục quân và công sở. Khi tiến đến Tổng Y viện Cộng Hòa (nay là Bệnh viện quân y 175), bắt Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Quân y Ngụy Sài Gòn.

Sau khi kiểm tra tình hình, tôi cho phép thân nhân lính ngụy đưa thương binh rời viện, rồi mới đưa quân giải phóng vào tiếp quản Tổng Y viện Cộng Hòa. Sau đó, Trung đoàn bắt liên lạc với các đơn vị bạn để đánh tiếp mục tiêu trong nội thành Sài Gòn.

Phóng viên: Là người trực tiếp chứng kiến những thời khắc lịch sử của dân tộc cách đây 50 năm, quân và dân ta đã giành thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo Thượng tướng, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong việc giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam về tinh thần yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ngược dòng lịch sử, cách đây 50 năm vào ngày 30/4/1975, khi quân địch tuyên bố đầu hàng, biển người đổ ra khắp các tuyến đường, phất cờ tung hô, mọi thứ như vỡ òa. Là người được tận mắt chứng kiến thời khắc này, tôi thấy đó là một mùa Xuân vui nhất, đẹp nhất của cả dân tộc Việt Nam.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc ta như mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đi đến thắng lợi to lớn và quyết định này, trước hết phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ mãi mãi là động lực tinh thần to lớn để chúng ta kiên định, vững bước trên con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong bối cảnh, tình hình thế giới phức tạp, Việt Nam phải chủ động dự báo từ sớm, từ xa, giữ thế chủ động chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, lấy thế trận lòng dân làm nền tảng, thắng địch bằng trí tuệ và sức mạnh tổng hợp trong thời kỳ hội nhập.

Chính vì vậy, thế hệ trẻ Việt Nam cần kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Bảo vệ Tổ quốc không chỉ trong chiến tranh mà ngay từ thời bình, phải chuẩn bị từ xa, làm chủ khoa học, công nghệ, góp phần đưa đất nước phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu như lời Bác Hồ dặn dò.

Hơn hết, thế hệ trẻ phải thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trân trọng những hy sinh của cha ông trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiếp nối truyền thống kiên cường dựng nước và giữ nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu!

KHÁNH LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dai-thang-mua-xuan-nam-1975-la-dong-luc-tinh-than-to-lon-de-viet-nam-kien-dinh-vung-buoc-tren-con-duong-doc-lap-dan-toc-va-chu-nghia-xa-hoi-post875535.html