Ngày trở lại - Bài 1

BPO - Giữa những ngày tháng Tư tràn đầy cảm xúc, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trở về Lộc Ninh, Bù Đốp, thăm lại chiến trường xưa với tư cách một cựu phóng viên chiến trường giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở đỉnh điểm khốc liệt. Hành trang ông trở lại chiến trường xưa là 3 thùng sách “Nơi ấy là chiến trường” - cuốn sách được hình thành từ những trang nhật ký thấm máu của đồng chí, đồng đội, của người dân và của chính tác giả, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam tái bản lần thứ hai để tặng Tỉnh ủy Bình Phước. Trong buổi gặp mặt, tặng sách cũng như suốt chặng đường trở lại các địa danh lịch sử, cựu phóng viên chiến trường Phạm Quang Nghị không khỏi ngỡ ngàng bởi không thể nhận ra những vùng đất, những địa danh mà ông cùng đồng đội đã trải qua những tháng ngày chiến đấu, hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Đứng trên đồi Chi khu Quân sự Bù Đốp, khi tôi hỏi ông đang nghĩ gì, gương mặt người cựu binh thoáng buồn và đôi mắt như phủ một màn sương mỏng. Và những dòng hồi ức về một thời hoa lửa chợt tuôn trào.

BÀI 1:
HOANG TÀN LỘC NINH, BÙ ĐỐP

Sau gần 6 tháng ròng rã hành quân bộ xuyên qua những cánh rừng, dãy núi vượt Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn, đầu tháng 5-1972, nhóm phóng viên chiến trường của ông Phạm Quang Nghị tới Bù Đốp, Lộc Ninh, là vùng giải phóng để làm công tác dân vận và nghiên cứu, nắm bắt văn hóa, tinh thần của nhân dân trước một bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước.

Vùng giải phóng Bù Đốp hiện ra trong mắt những người lính làm nhiệm vụ văn hóa - tư tưởng là cảnh tượng hoang tàn, đổ nát chưa từng thấy. Khu vực Bù Đốp vắng vẻ vì trước khi rút chạy, quân đội và chính quyền tay sai đã hù dọa đồng bào, nếu không theo chúng sẽ bị cộng sản moi gan, xẻ thịt. Bị tuyên truyền và tiêm nhiễm tư tưởng thù địch nặng nề, lại không có bất cứ nguồn thông tin đối chứng nào nên hầu hết người dân bỏ nhà chạy theo những đợt rút quân của ngụy quyền. Một thị trấn 12 ngàn dân mà chỉ chừng 10 hộ ở lại, nhưng mọi cánh cửa luôn đóng kín, thi thoảng gặp một người ngoài đường, họ nhìn các anh bộ đội với ánh mắt nghi ngại, lo sợ hoặc dò xét. Trung tâm huấn luyện biệt kích của địch tại Bù Đốp được bao quanh bằng hàng rào thép gai. Những công sự, lô cốt, hầm nửa nổi nửa chìm, xung quanh ngổn ngang bao cát, thùng phuy, ống nước, đạn lẫn với vỏ đồ hộp, thùng gỗ... Bom khoét từng hố sâu hoắm, vãi đất đỏ ra xung quanh. Lửa còn âm ỉ cháy, chốc chốc lại bùng lên những đụn khói đen và nghe những tiếng nổ đánh “ục” từ lòng đất. Những câu khẩu hiệu chống cộng trên các bức tường chưa kịp xóa. Và những bầy chó do người dân bỏ lại, không có người cho ăn, trở thành những con thú hoang gầy trơ xương với ánh mắt hoang dại như có lửa. Chúng cố tiếp cận những người lính và không có ý tấn công, chỉ mong chờ sự cứu vớt của con người. Để cứu bầy chó đáng thương ấy, mỗi lần nấu ăn, các chiến sĩ đều thêm ít gạo, bớt khẩu phần ăn của mình rồi lựa khi chúng không chầu chực rải cơm phía sau nhà và ngoài sân để con nào may mắn tìm được thì ăn. Sự việc cứ diễn ra như thế suốt thời gian tổ công tác ở lại Bù Đốp. Và khi họ rời Bù Đốp, đàn chó hoang lên đến hàng trăm con đã tiễn chân tổ công tác đến tận bìa rừng, tạo nên một hình ảnh có một không hai và ám ảnh lòng người.

Cựu phóng viên chiến trường Phạm Quang Nghị tặng sách “Nơi ấy là chiến trường” cho lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước

Cựu phóng viên chiến trường Phạm Quang Nghị tặng sách “Nơi ấy là chiến trường” cho lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước

Ngày 3-6-1972, máy bay Mỹ trút bom xuống chợ Lộc Ninh, làm hơn 300 đồng bào, chiến sĩ ta thiệt mạng. Một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt những người lính làm nhiệm vụ văn hóa - tư tưởng. Nhà cháy, người chết, người bị thương la liệt trên đường. Một gia đình gần 10 người chết cháy trong căn nhà của mình do lửa đạn bén vào những can xăng dự trữ trong nhà để chạy máy nổ làm vườn. Trong giây lát, những con người tội nghiệp trở thành những bó đuốc di động, cháy rừng rực. Các chiến sĩ cùng người dân sống sót lao vào đám cháy, cố gắng bằng mọi cách để có thể cứu sống các nạn nhân, nhưng dường như đã quá muộn. Ngọn lửa hung tàn, lại thiếu người và phương tiện cứu hộ đã chặn đứng mọi nỗ lực của bộ đội cùng những người dân sống sót. Tiếng gào khóc, tiếng gọi nhau thảm thiết. Máu người hòa lẫn nước mưa, lênh láng mặt đường. Trận đánh bom hết sức dã man vào chợ Lộc Ninh cho thấy Mỹ - ngụy quyết gây ra thương vong lớn cho người dân vô tội, hòng gây khó khăn cho chính quyền cách mạng khi tiếp quản vùng giải phóng. Phóng viên Phạm Quang Nghị đã viết những dòng nhật ký đầy day dứt về sự kiện đau thương này: “Mỹ ném bom vào thị trấn Lộc Ninh, tàn sát gần 100 người dân vô tội (con số thực tế là 300 người, cả bộ đội và dân - PV)… Hôm nay, chân lại đạp lên những đổ vỡ, nát tan. Mắt ta lại nhìn thấy máu loang đỏ, hòa vào nước mưa. Nháo nhác, hoảng loạn. Mưa rơi trên mặt đất. Máu loang mặt đất. Những giọt nước mắt xót xa rơi trên mặt đất. Không biết thứ nào sẽ thấm sâu, ngấm đượm, lâu bền!”.

Nhưng giữa khung cảnh hoang tàn, đổ nát và chết chóc ấy, ánh mắt người phóng viên chiến trường Phạm Quang Nghị vẫn kịp ghi nhận những khoảnh khắc thanh bình hiếm hoi ở vùng giải phóng đầu tiên của miền Nam - nơi chính quyền cách mạng đã làm chủ. Đó là hình ảnh những cánh chim két, chim bồ nông bay giữa không trung trong một buổi chiều còn nồng khói thuốc súng. Là hình ảnh một cụ bà tóc bạc trắng ngồi nhặt thóc lẫn trong rá gạo bên ô cửa sổ. Là hình ảnh đàn chim bồ câu từ phía chợ Phước Lục lượn mấy vòng trên cao rồi sà xuống mặt đường, quấn quýt bước chân những người lính Cụ Hồ. Và chính những khoảnh khắc, những hình ảnh thanh bình hiếm hoi ấy đã xoa dịu trái tim người lính, để họ thấy những hy sinh, mất mát của bản thân, của đồng đội hôm nay đã không hoài phí, khi cuộc sống thường nhật của người dân Bù Đốp, Lộc Ninh đang dần trở lại.

Hàng loạt công việc cấp bách cho một thị trấn vừa được giải phóng, vừa lo chống địch tái chiếm vừa lo sản xuất, đời sống, bảo đảm an ninh trật tự và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân được gấp rút thực hiện. Được tiếp xúc với bộ đội chính quy - những con người bằng xương bằng thịt, trong đó nhiều chiến sĩ trước khi vào chiến trường là sinh viên các trường đại học, đẹp trai, vui tính, nhiều tài lẻ và sẵn sàng giúp đỡ đồng bào khiến bà con dần hiểu rằng cộng sản cũng là những con người bình thường, nhiều người rất dễ thương chứ không moi gan, mổ bụng, không nhổ móng tay phụ nữ hay bắt các cô gái phải lấy các thương phế binh làm chồng như họ từng bị nhồi sọ lâu nay. Lại thêm tin chiến thắng từ các chiến trường gửi về vùng giải phóng nên công tác dân vận, tuyên truyền trở nên thuận lợi hơn.

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172004/ngay-tro-lai-bai-1