Đại thủy nông lớn nhất miền Bắc lần đầu 'thử lửa' trong bão số 3
Lần đầu tích nước, lần đầu đón bão, nhưng với thiết kế hiện đại, mức độ an toàn cao, tính đến thời điểm này hồ chứa nước Cánh Tạng, công trình đại thủy nông lớn nhất miền Bắc đã vượt qua thử thách đầu tiên một cách chủ động và an toàn.
Hồ Cánh Tạng:
Hồ chứa nước Cánh Tạng sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là hồ chứa lớn nhất Miền Bắc.
Công trình đủ sức đương đầu với mọi hình thái thời tiết
Sáng 22/7, tại khu vực hồ Cánh Tạng, những cơn mưa do ảnh hưởng của bão số 3 vẫn chưa dứt hẳn. Mực nước trong hồ tiếp tục dâng cao từng giờ. Tuy nhiên, tại Ban quản lý vận hành hồ chứa nước Cánh Tạng, mọi hoạt động vẫn được duy trì đều đặn. Cán bộ, kỹ thuật viên túc trực 24/24 giờ, đảm bảo an toàn công trình và an ninh khu vực lòng hồ.
Tính đến thời điểm hiện tại, hồ mới chỉ bắt đầu tích nước lần đầu.
Được khởi công từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào quý II/2022. Tuy nhiên, công trình hồ chứa nước Cánh Tạng từng gặp nhiều vướng mắc về vốn và GPMB dẫn đến chậm tiến độ hơn 3 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, hồ mới chỉ bắt đầu tích nước lần đầu và đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để chuẩn bị khánh thành vào dịp 19/8 tới.
Đồng chí Trần Văn Nguyên, Giám đốc Ban quản lý vận hành hồ chứa nước Cánh Tạng cho biết: tính đến 7 h30 sáng ngày 22/7/2025, khi đối mặt với cơn bão số 3, mức nước trong hồ đạt cao trình 71,6m. Đây vẫn chưa phải là mức cao nhất. Theo theo thiết kế mức tích nước bình thường của hồ chứa là 88,75m. “Với mức nước hiện tại, các vấn đề về an toàn công trình chưa phải lo đến. Đây là công trình được thiết kế và thi công với tiêu chuẩn an toàn rất cao”, đông chí Trần Văn Nguyên nhấn mạnh.
Hồ được thiết kế và thi công với tiêu chuẩn an toàn rất cao.
Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan. Ngay sau khi nhận được chỉ thị của các cấp về công tác phòng, chống cơn bão số 3 (Wipha), Ban quản lý đã kích hoạt phương án ứng phó khẩn cấp. Tất cả cán bộ, nhân viên được huy động ứng trực 24/24h tại công trình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các hạng mục đang thi công và giám sát thiết bị đã lắp đặt.
Trao đổi với phóng viên, theo đồng chí Trần Văn Nguyên: điều đáng lo ngại khi cơn bão số 3 hoành hành không nằm ở yếu tố kỹ thuật mà là ý thức người dân. Trong thời điểm mưa bão, một số người dân sống quanh hồ vẫn tranh thủ ra thả lưới, đánh cá, thậm chí có hoạt động tự phát như tắm hồ, bơi thuyền. Cán bộ trực phải thường xuyên nhắc nhở để tránh nguy cơ mất an toàn.
Cơn bão số 3 (Wipha) là lần đầu tiêu hồ Cánh Tạng được “thử lửa”.
Đại thủy nông mang theo những kỳ vọng lớn
Theo thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, từ ngày 19/7 đến 22/7/2025, khu vực lòng hồ Cánh Tạng liên tục có mưa vừa đến mưa to. Trongđó, có nơi lượng mưa đạt mức trên 90mm. Nơi thấp nhất cũng trên 50mm. Với lượng mưa trên, theo anh Lê Văn Trường, cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý vận hành hồ chứa nước Cánh Tạng, mức nước đo tại đập chính vào 14h30 ngày 21/7 là 71,35m, đến 7h30 sáng 22/7 đã lên 71,6m và chỉ 3 giờ sau đó, tức 10h30, mực nước mới chỉ dâng thêm 10cm. Với lưu vực khoảng 100km2, diện tích mặt hồ hơn 14 km2, tốc độ tích nước của hồ Cánh Tạng là khá nhanh, nhất là khi mưa lớn xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, lượng nước về hồ tăng nhanh trong những giờ qua chưa đủ gây ra những áp lực đến hệ số an toàn cho công trình” anh Trường cho biết thêm.
Hàng cột thủy chí ghi nhận mức nước về hồ tăng nhanh sau những trận mưa do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (Wipha).
Dự án hồ Cánh Tạng là một “đại dự án” có tổng mức đầu tư khoảng 4000 tỷ, thuộc địa bàn hai huyện Lạc Sơn và Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình cũ), nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Sau khi hoàn thành, đi vào vận hành đây sẽ là hồ chứa nước lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 3 trong toàn quốc (đứng sau hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh cũ) và hồ Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh) có dung tích gần 95 triệu m3 gấp 3 lần hồ Đại Lải.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khu vực hồ Cánh Tạng trong những ngày qua liên tục có mưa.
Công trình có đập chính đắp đất cao tới 53,2m, dài hơn 850m, gần tương đương với hồ Ngàn Trươi (Hà Tĩnh) và có đập đất cao nhất Việt Nam hiện nay. Đập phụ dài hơn 160m, cao 36,5m. Ngoài ra còn có hệ thống đường ống cấp nước dài 36km, cung cấp nước cho khoảng 90km2 đất canh tác. Hồ Cánh Tạng không chỉ phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, mà còn có thể đảm bảo dòng chảy môi trường về mùa khô, giảm lũ hạ du vào mùa mưa.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mức nước hồ Cánh Tạng tăng nhanh.
Đồng thời, diện tích mặt nước lớn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái. Khi xả lũ, hồ Cánh Tạng sẽ ảnh hưởng đến 12 xã của 2 tỉnh Phú Thọ và Thanh Hóa. Trong đó, Phú Thọ có 4 xã, Thanh Hóa có 8 xã (trước đây là 35 xã của 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa khi chưa sáp nhập. Trong đó có 9 xã của tỉnh Hòa Bình (cũ) và 26 xã của tỉnh Thanh Hóa).
Sau khi đi vào hoạt động, vận hành ổn định, hồ Cánh Tạng sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến 12 xã của tỉnh Phú Thọ và Thanh Hóa.
Hồ Cánh Tạng được thiết kế với vai trò là công trình đa mục tiêu. Theo đó, ngoài mục tiêu đảm bảo tưới tiêu, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo dòng chảy về mùa khô, giảm lũ về mùa mưa... Công trình này còn góp phần quy hoạch các xã Yên Phú, Lạc Sơn, Đại Đồng (Phú Thọ) trở thành điểm nhấn trong khai thác tiềm năng du lịch.
Hồ Cánh Tạng là công trình được thiết kế với vai trò là công trình đa mục tiêu.
Để đảm bảo sinh kế bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã thống nhất chủ trương xây dựng bến neo đậu cho thuyền và phát triển dịch vụ hậu cần thủy sản, tạo điều kiện cho người dân khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản an toàn, hiệu quả. Hiện tại, đơn vị chủ đầu tư đã xây dựng và hoàn thành 8 điểm tái định cư và 2 tuyến đường tránh ngập đưa vào sử dụng, góp phần ổn định đời sống cho người dân vùng lòng hồ.
Mặc dù đã được cảnh báo, khuyến cáo nhưng trong thời điểm cơn bão số 3 gây mưa to, gió lớn nhưng nhiều người dân vẫn phớt lờ đến đánh bắt cá trên khu vực lòng hồ.
Có thể nói, lần “thử lửa” đầu tiên của hồ Cánh Tạng trong bão số 3 có thể xem là một cuộc diễn tập thực tế quy mô lớn. Dù còn đang trong giai đoạn tích nước và hoàn thiện, nhưng các yếu tố về kỹ thuật, phương án ứng phó và sự chủ động của lực lượng vận hành đã cho thấy một hệ thống quản lý công trình bài bản, chuyên nghiệp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phứ tạp với những diễn biến cực đoan, một công trình đại thủy nông như hồ Cánh Tạng không chỉ là giải pháp cấp nước mà còn là lá chắn thiên tai, là động lực phát triển KTXH bền vững cho một vùng rộng lớn của khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Cán bộ, kỹ thuật viên Ban Quản lý công trình hồ chứa nước Cánh Tạng ngày đêm túc trực đảm bảo an toàn cho công trình trong cơn bão số 3.
Những gì đã diễn ra trong cơn bão số 3 chính là những tín hiệu tích cực đầu tiên cho chặng đường dài phía trước. Nơi một hồ nước nhân tạo mới được hình thành mang theo kỳ vọng của hàng nghìn người dân về một cuộc sống ổn định và thịnh vượng.