'Đại tiệc' âm nhạc từ show diễn của nhóm BlackPink: Góc nhìn xây dựng công nghiệp văn hóa
Vừa qua, show diễn của nhóm nhạc BlackPink đến từ Hàn Quốc đã gây ấn tượng mạnh và tạo nên một trải nghiệm đáng nhớ cho khán giả Việt. Nhìn từ thành công này ngẫm về nền công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có chia sẻ vơíTS. Lê Thị Việt Hà - Giảng viên Bộ môn Văn hóa doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Là người am hiểu văn hóa Hàn Quốc, từ show diễn của nhóm nhạc nữ BlackPink tại Hà Nội vừa qua, bà đánh giá thế nào về sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa của đất nước này?
TS. Lê Thị Việt Hà: Nhìn một cách tổng thể, tôi đánh giá đây là một show diễn vô cùng thành công trên nhiều phương diện. Trước hết, chương trình mang đến cho người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ cơ hội được thưởng thức một chương trình nghệ thuật tầm cỡ thế giới ngay trên đất nước mình. Rất nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, choáng ngợp trước sự đầu tư chỉn chu, hoàn hảo từ âm thanh, ánh sáng, trang phục, sân khấu… và trên hết là những màn biểu diễn đỉnh cao, chuyên nghiệp, mang hơi thở cuộc sống hiện đại. Qua đó, thể hiện đẳng cấp của công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của Hàn Quốc.
Có thể nói, công nghiệp văn hóa là một trong những công cụ tạo nên sức mạnh mềm, quan trọng không kém sức mạnh kinh tế và ngoại giao cho mỗi quốc gia. Hàn Quốc là một trong những quốc gia xây dựng và phát triển rất thành công lĩnh vực này. Hình thành chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa từ những năm 90, đến nay, Hàn Quốc nổi lên như một nước xuất khẩu lớn về văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc - những khía cạnh đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển của nước này. Nơi đây cũng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đông đảo du khách các nước, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã mang lại “hiệu quả lan tỏa” đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Sự bùng nổ của văn hóa giải trí Hàn Quốc là kết quả của một quá trình với sự kết hợp của các yếu tố cốt lõi như: Chiến lược dài hơi cùng chính sách sáng suốt đúng đắn phù hợp với bối cảnh và điều kiện cụ thể, tinh thần học hỏi kết nối với những quốc gia có tiềm lực, bên cạnh đó là tài năng và sức hút của các ngôi sao, thần tượng làng giải trí Hàn Quốc...
Phóng viên: Rõ ràng, show diễn âm nhạc quy mô vừa qua đã mang lại “hiệu quả lan tỏa” đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế, thưa bà?
TS. Lê Thị Việt Hà: Đúng vậy, Sở Du lịch Hà Nội vừa có báo cáo về công tác phục vụ sự kiện ban nhạc BlackPink tại Hà Nội. Trong hai đêm diễn của BlackPink tại Sân vận động Mỹ Đình, khoảng 170.000 khách đã đến Hà Nội, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia. Tổng thu từ khách du lịch đạt 630 tỷ đồng.Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã viết thư cảm ơn nhóm nhạc, ông khẳng định sự thành công của đêm nhạc đã cho thấy hình ảnh của Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của Thủ đô.
Không phải ngẫu nhiên mà từ “du lịch âm nhạc” đang trở thành từ khóa “nóng” sau show diễn âm nhạc quốc tế của nhóm nhạc nữ nổi tiếng Hàn Quốc BlackPink. Sức hút của nhóm nhạc BlackPink đã tạo đà cho ngành Du lịch Thủ đô bứt phá.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kích cầu du lịch từ một sự kiện văn hóa nhất định sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và không thể là giải pháp bền vững để phát triển kinh tế. Quan trọng, các cơ quan có thẩm quyền cần vạch rõ hướng đi bàn bản để phát triển công nghiệp văn hóa mang lại nguồn thu lâu dài trong tương lai.
Phóng viên: Nhìn từ ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, Việt Nam có thể học hỏi họ như thế nào, thưa bà?
TS. Lê Thị Việt Hà: Qua show diễn của nhóm nhạc nữ hàng đầu Hàn Quốc hiện nay- BlackPink, ta thấy rõ sự chuyên nghiệp và đầu tư cao về sản xuất, âm nhạc, thiết kế đặc biệt thông qua sự kết hợp giữa chất lượng âm thanh, ánh sáng, dàn hình ảnh. Đây cũng là những yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần học hỏi trong việc phát triển công nghiệp văn hóa còn non trẻ của nước nhà.
Nhìn cách thức mà Hàn Quốc đã phát triển văn hóa của họ trên toàn thế giới, cần“đi tắt đón đầu” bằng cách học hỏi họ qua những mô hình đã thành công, rồi từ đó áp dụng vào trường hợp thực tế nước mình sao cho phù hợp với văn hóa bản địa. Chúng ta phải học rất nhiều từ quy trình họ tuyển chọn ca sĩ, lập nhóm, luyện tập, cho đến các chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh...Tất cả tạo nên một quy trình khép kín trong chuỗi công nghiệp giải trí để tạo nên việc sản xuất một nhóm nhạc đình đám như thế.
Một điểm mạnh của công nghiệp văn hóa Việt Nam là sở hữu rất nhiều tài năng đa dạng từ ca sĩ, nhóm nhạc, diễn viên, nhà sản xuất, và nhiều loại nghệ sĩ khác. Điều này tạo ra cơ hội cho sự phát triển và mở rộng thị trường văn hóa, không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Ngoài ra, công nghệ và truyền thông kỹ thuật số có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, ứng dụng di động và mạng xã hội cho phép người Việt tiếp cận với nhiều hình thức giải trí và nền văn hóa mới. Điều này tạo ra sự phổ biến, tiếp cận và phát triển cho những sản phẩm văn hóa Việt nhanh chóng và hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức trong công nghiệp văn hóa Việt Nam. Một số vấn đề như hạn chế về nguồn lực đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ vẫn cần được nâng cao để đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng tăng của người dân. Nhưng với tiềm năng và sự sáng tạo của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tôi tin rằng trong tương lai, chúng ta có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng hơn, tạo nên những sản phẩm văn hóa đáng tự hào và được công nhận trên thế giới.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Phương Bùi (thực hiện)