Đài truyền hình Nhật Bản dùng tư liệu bóp méo sự thật lịch sử

Đài truyền hình NHK thừa nhận dùng cảnh quay không xác thực trong phim tài liệu về đảo Hashima - tư liệu từng bị Hàn Quốc viện dẫn để cáo buộc Nhật cưỡng bức lao động người Hàn.

Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK đang hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội sau khi thừa nhận sử dụng tư liệu dàn dựng trong một bộ phim tài liệu bị cáo buộc bóp méo sự thật lịch sử về lao động cưỡng bức người Hàn Quốc trên đảo Hashima, SCMP cho biết.

Chủ tịch NHK, ông Nobuo Inaba, thừa nhận hồi tháng 3 rằng các hình ảnh trong phim tài liệu Midori Naki Shima (Hòn đảo không màu xanh), được phát sóng lần đầu vào năm 1955, không được quay tại đảo Hashima và không thể xác minh tính xác thực.

Tuy nhiên, ông không đưa ra lời xin lỗi chính thức trên sóng truyền hình - điều khiến nhiều người chỉ trích là một “lời xin lỗi nửa vời” và làm suy yếu sự thừa nhận của NHK.

 Đảo Hashima, ngoài khơi Nagasaki (Nhật Bản), từng là trung tâm khai thác than dưới lòng biển. Ảnh: Kyodo.

Đảo Hashima, ngoài khơi Nagasaki (Nhật Bản), từng là trung tâm khai thác than dưới lòng biển. Ảnh: Kyodo.

Tư liệu không xác thực

Bộ phim tài liệu gây tranh cãi được sản xuất một thập kỷ sau khi Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II, thời điểm người Hàn Quốc tại Nhật và các lãnh thổ thuộc địa được phép trở về bán đảo Triều Tiên.

“NHK đã thừa nhận tư liệu họ sử dụng là không chính xác, nhưng họ vẫn từ chối công khai thừa nhận những điều dối trá đã phát sóng”, ông Hiromichi Moteki, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Truyền bá Sự thật Lịch sử tại Tokyo, gay gắt chỉ trích. “Đó là điều hoàn toàn phi lý”.

Ông Moteki cáo buộc NHK bị “chi phối bởi phe cánh tả” - những người từ lâu phản đối chính sách bành trướng đế quốc và cai trị thuộc địa của Nhật Bản trong thế kỷ XX. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng cách NHK xử lý vụ việc này đặt ra nghi vấn lớn hơn về tính trung lập trong các chương trình khác của đài.

Phim tài liệu năm 1955 mô tả cuộc sống trên đảo Hashima, còn được gọi là “tàu chiến Gunkanjima”, nằm ngoài khơi Nagasaki và từng là trung tâm khai thác than dưới lòng biển.

Đoạn tư liệu gây tranh cãi cho thấy các thợ mỏ chỉ mặc khố, bò trong những đường hầm chật hẹp mà không có đèn đội đầu hay thiết bị bảo hộ, vận chuyển than bằng tay - hình ảnh bị cho là không phù hợp với điều kiện khai thác thực tế thời kỳ đó.

Mỏ than Hashima đi vào hoạt động từ năm 1887, đạt đỉnh dân số hơn 5.200 người vào năm 1959 và bị bỏ hoang vào năm 1974 khi trữ lượng cạn kiệt. Sau nhiều thập kỷ hoang phế, hòn đảo được mở cửa đón khách du lịch năm 2009 và trở thành biểu tượng di sản công nghiệp của Nhật Bản. UNESCO đã công nhận Hashima là di sản lịch sử vào năm 2015.

Tuy nhiên, sự công nhận này cũng gây tranh cãi, khi truyền thông Hàn Quốc sử dụng chính tư liệu của NHK để củng cố cáo buộc rằng người Hàn từng bị cưỡng ép lao động trong điều kiện nguy hiểm và phi nhân đạo trên đảo thời Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù có người Hàn làm việc tại các mỏ trên đảo, việc NHK thừa nhận dùng tư liệu dàn dựng đã đặt ra nghi vấn về mức độ chính xác của những cáo buộc đó - và cả uy tín của chính NHK.

 Mỏ than trên đảo Hashima bị bỏ hoang từ năm 1974. Ảnh: Kyodo.

Mỏ than trên đảo Hashima bị bỏ hoang từ năm 1974. Ảnh: Kyodo.

Năm 2010, khi Nhật Bản chuẩn bị hồ sơ đề cử di sản UNESCO, Đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc đã phát sóng phim tài liệu Đảo Địa ngục: Gunkanjima, trong đó sử dụng tư liệu của NHK. Theo báo Sankei, các đoạn phim này cũng được trưng bày tại Bảo tàng Ký ức Quốc gia về Lao động Cưỡng bức thời Nhật chiếm đóng tại Hàn Quốc.

Nhiều cư dân cũ của đảo Hashima từ lâu đã phản bác độ xác thực của bộ phim. Họ cho biết các hình ảnh trong phim không khớp với quy định an toàn và trang thiết bị khai thác thực tế thời điểm đó. Một số người đã thành lập Hội Cựu cư dân Hashima vì Lịch sử Đích thực và gửi yêu cầu NHK đính chính nội dung.

Lời xin lỗi nửa vời

Dù NHK được cho là đã thừa nhận từ năm 2003 với một số nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền rằng đoạn phim được quay năm 1955 không phải trên đảo, mãi đến năm 2020, khi vụ việc bị đưa ra tòa, NHK mới công khai thừa nhận. Tại phiên tòa tháng 12 ở Tokyo, NHK thừa nhận không thể xác nhận đoạn phim được quay trong mỏ than Hashima.

Ông Moteki cho biết các cựu cư dân Hashima “cảm thấy nhẹ nhõm” vì NHK cuối cùng cũng thừa nhận sai sót, nhưng cũng rất tức giận vì “đó chỉ là một lời xin lỗi nửa vời.”

“NHK đã phát sóng một câu chuyện giả mạo, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Nhật Bản và bị các đài truyền hình nước ngoài lặp lại”, ông nói. “Nếu NHK không công khai sửa sai, thì tôi cũng không hy vọng các đài nước ngoài sẽ làm điều đó. Thiệt hại đã xảy ra”.

Chuyên gia quan hệ quốc tế Stephen Nagy thuộc Đại học Cơ đốc Quốc tế ở Tokyo nhận định các cơ quan nhà nước Nhật Bản “thường quá chần chừ” trong việc nhận trách nhiệm cho những sai lầm trong quá khứ.

“Với cảm xúc nhạy cảm của người Hàn Quốc về vấn đề lao động cưỡng bức, việc thừa nhận sai lầm lần này còn khó khăn hơn nữa”, ông nói.

“Không ai trong ban lãnh đạo hiện tại của NHK muốn nhìn lại những quyết định được đưa ra khi đài vẫn còn gắn bó chặt chẽ với Đảng Dân chủ Tự do, càng không muốn gánh trách nhiệm về việc thao túng lịch sử”, ông cho biết thêm.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-truyen-hinh-nhat-ban-dung-tu-lieu-bop-meo-su-that-lich-su-post1544417.html