Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực; nhà lãnh đạo tận tâm, tận lực
Ngày 29-12, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam'.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 70 báo cáo, tham luận đã làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh mới về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và những cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là tư duy của một nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích dẫn một số ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Người cộng sản kiên trung, mẫu mực; nhà lãnh đạo tận tâm, tận lực
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (tên khai sinh là Nguyễn Vịnh) sinh ngày 1-1-1914 tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế - một vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Với 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại những dấu ấn quan trọng góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sớm có tinh thần yêu nước và đấu tranh cách mạng nhằm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Năm 1933 - 1934, đồng chí tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng, tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Từ một thanh niên yêu nước, sớm tiếp thu và đi theo con đường cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào năm 1937 và được giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi mới 24 tuổi.
Từ năm 1938 đến năm 1945, đồng chí 3 lần bị địch bắt, giam giữ trong các nhà lao nổi tiếng khắc nghiệt ở miền Trung (nhà lao Thừa Phủ-Huế; nhà lao Lao Bảo-Quảng Trị, nhà đày Buôn Ma Thuột-Đắk Lắk). Ngục tù đế quốc không làm lay chuyển tinh thần của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đồng chí luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, giữ vững khí tiết của người cộng sản, tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc, của đất nước. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao phó nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng, như: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên, Bí thư Liên khu ủy IV, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa I, II, III), Ủy viên Bộ Chính trị (khóa II, III), Bí thư Trung ương Đảng (khóa III); Đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1959.
Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cả trong và ngoài quân đội, hoạt động ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ khác nhau, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn thể hiện phẩm chất sáng ngời của người cộng sản kiên trung, mẫu mực, một nhà lãnh đạo tận tâm, tận lực, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí cũng là tấm gương sáng ngời về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, luôn nêu cao đức hy sinh, lòng dũng cảm, sống trung thực, giản dị, gần gũi, sâu sát với cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào; đã để lại những tình cảm trong sáng, cao thượng, đẹp đẽ trong tâm khảm đồng chí, đồng bào và nhân dân ta.
Với công lao, cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên “Nguyễn Chí Thanh” đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học... ở nhiều địa phương trên cả nước.
--------------
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Tấm gương “sáng trong như ngọc”, trọn đời cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ tài đức vẹn toàn, hết lòng vì đồng bào, đồng chí. Ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân. Đại tướng là nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam, một tấm gương “sáng trong như ngọc”, trọn đời cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân. Phẩm chất, tài năng, những hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú và những cống hiến xuất sắc của Đại tướng đã để lại cho cách mạng Việt Nam một tài sản vô cùng quý báu cả về lý luận và thực tiễn trong lãnh đạo phong trào cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội cách mạng, phát triển đường lối, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng. Đối với quê hương Thừa Thiên Huế, đồng chí đã để lại trong lòng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà những tình cảm sâu đậm và niềm tự hào về người con ưu tú của quê hương.
Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động chính nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng cống hiến, niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các học trò xuất sắc của Người, trong đó có đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những bài học từ thực tiễn cuộc đời hoạt động và cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được đúc rút từ hội thảo có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc để vận dụng và phát huy vào thực tiễn cách mạng nước ta; vận dụng vào quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
---------------
Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế: Tấm gương để cán bộ, đảng viên và nhân dân Thừa Thiên Huế học tập và noi theo
Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Chí Thanh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung trọn đời phấn đấu, hy sinh vì dân vì nước, một con người đạo đức “sáng trong như ngọc”. Đồng chí là tấm gương để cán bộ, đảng viên và nhân dân Thừa Thiên Huế học tập và noi theo, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội thảo khoa học ngày hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Sự có mặt của các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, các đại biểu đã thể hiện tình cảm sâu sắc đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tôi tin tưởng rằng, với những nội dung trọng tâm, khoa học, sâu sắc của các nhà nghiên cứu được công bố tại Hội thảo hôm nay sẽ góp phần làm phong phú thêm những tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đây sẽ là những tư liệu lịch sử hết sức quý báu và là tài liệu quan trọng để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
-------------
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là di sản tinh thần quý báu
Cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là cuộc đời cách mạng sôi nổi và liên tục, với nhiều cống hiến xuất sắc. Đó là di sản tinh thần quý báu của Đảng, Quân đội và dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu, lưu giữ, vận dụng và phát huy những di sản tinh thần quý báu đó trong giai đoạn cách mạng hiện nay là hết sức cần thiết. Tại Hội thảo khoa học hôm nay, chúng ta cần tiếp tục tập trung khẳng định và làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục tri ân và khẳng định Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Người cộng sản kiên trung mẫu mực; nhà chính trị, quân sự tài ba; tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế.
Thứ hai, làm sáng tỏ quá trình hoạt động và những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam. Luận giải sâu sắc hơn phong cách tư duy, quan điểm chiến lược, những chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của Đại tướng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, phân tích và làm sâu sắc hơn những quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về phát huy vai trò công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; đào tạo, rèn luyện cán bộ; về phát triển nông nghiệp, nông thôn và đường lối, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Thứ tư, luận giải và khẳng định những giá trị tinh thần quý báu, những bài học kinh nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để từ đó vận dụng vào quá trình xây dựng Quân đội; tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hiện nay.
-------------
Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương: Bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ cách mạng
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh quyết liệt chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng chí đã viết tập sách “Chống chủ nghĩa cá nhân” giàu sức chiến đấu, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội, cho cả trước mắt và lâu dài. Bản thân đồng chí, với lối sống giản dị, trong sáng, là một tấm gương mẫu mực, tiêu biểu cho ý chí chống chủ nghĩa cá nhân, một tấm gương “Dĩ công vi thượng”, suốt đời phấn đấu thực hiện lý tưởng cao đẹp của người cộng sản.
Bất kỳ lĩnh vực nào, bất kể chiến trường nào, trước bất kỳ thế lực thù địch nào đồng chí đều nêu cao bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ cách mạng. Đồng chí là người hiền của thời đại Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn được Bác Hồ yêu quý, dành cho những mỹ từ đẹp nhất: Nguyễn Chí Thanh vị tướng du kích, Đại tướng nông dân…
Tại Thừa Thiên Huế, khi còn là một thanh niên, đồng chí đã giữ mối quan hệ gắn bó với hai anh chị ruột thịt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm.
Vì tất cả những gì tốt đẹp nói trên, tôi thiết nghĩ, ở Thừa Thiên Huế, mỗi khi ta học tập nghiên cứu về Hồ Chí Minh, ta sẽ không quên nghiên cứu Nguyễn Chí Thanh và khi nghiên cứu Nguyễn Chí Thanh ta sẽ không quên nghiên cứu về Bác Hồ.
--------------
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự: Đại tướng đặc biệt coi trọng xây dựng quân đội về chính trị
Để xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động vào công tác trong Quân đội, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh, Phó bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội Đảng lần thứ II, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương cử vào Bộ Chính trị.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, công tác Đảng, công tác chính trị có bước tiến vượt bậc; trở thành “linh hồn, mạch sống” của Quân đội. Đại tướng đặc biệt coi trọng xây dựng quân đội về chính trị, coi đó là gốc cho mọi vấn đề, mọi hoạt động của quân đội.
Nhận thức sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội, là nguyên tắc bất di, bất dịch trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Đồng chí đã cùng tập thể Tổng Quân ủy tập trung tìm tòi, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Từ những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, đồng chí đề xuất với Trung ương Đảng thay thế chế độ “chính ủy tối hậu quyết định” (được áp dụng từ 8-1949) bằng chế độ “đảng ủy, cấp ủy đảng lãnh đạo trong bộ đội chủ lực”, được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) đã chính thức thông qua.
Cùng với công tác xây dựng Đảng, đồng chí cũng dành nhiều công sức chỉ đạo, tổ chức hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Đặc biệt, đồng chí chỉ đạo Tổng cục Chính trị triển khai thành lập hệ thống cơ quan chính trị và thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên xuống đến cấp đại đội. Nhờ đó, công tác Đảng, công tác chính trị phát huy được hiệu lực, hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng, quyết định sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khẳng định vai trò của công tác Đảng, công tác chính trị là “linh hồn, mạch sống” đối với Quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, là đóng góp to lớn và nổi bật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện.