Đại tướng Nguyễn Tân Cương: Lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để lại ấn tượng rất tốt đẹp với nhân dân sở tại

Phát biểu tại phiên họp tổ về dự án Luật Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (GGHB LHQ) để lại ấn tượng rất tốt đẹp với nhân dân sở tại và bạn bè quốc tế.

1.083 lượt cán bộ, nhân viên Việt Nam tham gia Lực lượng GGHB Liên hợp quốc

Phát biểu tại phiên họp Tổ 5, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Yên Bái), Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia Lực lượng GGHB của LHQ, các đề án của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tham gia hoạt động GGHB LHQ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 1.083 lượt cán bộ, nhân viên tham gia Lực lượng GGHB của LHQ.

 Đại tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu về dự án Luật Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu về dự án Luật Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trong đó, Bộ Quốc phòng đã cử 1.067 lượt cán bộ, nhân viên, với 6 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2, 3 lượt Đội Công binh và 137 lượt theo hình thức cá nhân. Bộ Công an đã cử 16 lượt theo hình thức cá nhân. Tỷ lệ nữ cán bộ, nhân viên nước ta tham gia Lực lượng GGHB của LHQ đạt hơn 16%, cao hơn tỷ lệ của các nước có cử lực lượng tham gia GGHB của LHQ.

“Tuy Liên hợp quốc không quy định tỷ lệ nữ tham gia lực lượng GGHB là bao nhiêu, nhưng khuyến khích các nước tăng tỷ lệ nữ tham gia”, Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương nêu rõ, nước ta cử lực lượng tham gia GGHB LHQ với 2 hình thức.

Hình thức thứ nhất là đơn vị, với các đội Công binh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cải tạo, sửa chữa căn cứ, hầm hào, bảo dưỡng các công trình mặt bằng, cầu đường, sân đỗ trực thăng, cung cấp nước, sửa chữa điện, hỗ trợ các hoạt động nhân đạo; các Bệnh viện Dã chiến cấp 2 thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân thuộc lực lượng GGHB LHQ, phòng, chống dịch tại địa bàn, hỗ trợ y tế cho người dân địa phương.

Hình thức thứ hai là cá nhân, bao gồm sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, điều phối quân-dân sự, truyền thông…

Lực lượng Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là tình hình an ninh rất phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh nguy hiểm. Đặc biệt là tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật... Tuy nhiên, lực lượng của Việt Nam đã xử lý nhanh được các tình huống như vậy phát sinh. Trong đó, Đại tướng Nguyễn Tân Cương kể về trường hợp một nữ quân nhân gặp cướp trên đường, nhưng đã xử lý tình huống tốt nên bảo đảm an toàn về người.

Ngoài ra, môi trường làm việc quốc tế đa văn hóa, đa sắc tộc; yêu cầu tính chuyên nghiệp, làm việc độc lập, trình độ ngoại ngữ cao; cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu… cũng gây ra những khó khăn nhất định cho lực lượng GGHB của LHQ.

Nhân dân sở tại hát vang chào đón lực lượng Việt Nam

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn như vậy, nhưng các lực lượng Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được LHQ, bạn bè quốc tế và nhân dân sở tại đánh giá rất cao.

“Các lực lượng tham gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, nhất là các đơn vị được triển khai từ năm 2018 đến nay”, Đại tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Quang cảnh phiên họp Tổ 2, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quang cảnh phiên họp Tổ 2, Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI

Cụ thể, Đại tướng Nguyễn Tân Cương chia sẻ thông tin, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 được Phó tổng thư ký LHQ và Cố vấn quân sự của Tổng thư ký LHQ gửi thư cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam, Đội Công binh được lãnh đạo Phái bộ GGHB LHQ đánh giá làm thay đổi diện mạo của Phái bộ.

Cùng với đó, 4 sĩ quan Quân đội nhân dân và 1 sĩ quan Công an nhân dân trúng tuyển vào các cơ quan tại trụ sở LHQ nhiều lần được LHQ đề nghị kéo dài nhiệm kỳ công tác.

Kể về những thành tích của lực lượng Việt Nam tham gia GGHB LHQ, Đại tướng Nguyễn Tân Cương không giấu được niềm tự hào khi nhắc tới việc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của lực lượng Việt Nam cấp cứu thành công 2 ca sản phụ địa phương tưởng chừng không qua khỏi, hay ca cấp cứu nối bàn tay thành công cho một đồng nghiệp người Pakistan.

“Trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn như vậy, nhưng nhờ quyết định nhanh chóng, kịp thời của cá nhân, sự hiệp đồng của tập thể và bằng trình độ, năng lực của mình, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến số 2 đã làm được những việc rất khó như vậy, để lại ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương sở tại và bạn bè quốc tế”, Đại tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các lực lượng Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động xã hội tại địa bàn. Thông qua đó truyền bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; hướng dẫn bà con nhân dân sở tại về cách giữ gìn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, trồng rau…

“Việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội như vậy đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp với nhân dân sở tại. Vì vậy, khi nhân dân sở tại thấy lực lượng Việt Nam tới đều rất phấn khởi, đồng thanh hát vang những bài hát của Việt Nam hay hô vang “Bác Hồ muôn năm”, rất xúc động”, Đại tướng Nguyễn Tân Cương kể.

Sẽ quy định chính sách tốt nhất cho lực lượng tham gia GGHB LHQ

Tuy đã cử lực lượng tham gia GGHB LHQ và đạt được nhiều kết quả nổi bật như vậy, nhưng Đại tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, đến nay, hành lang pháp lý về lĩnh vực này chưa hoàn thiện, mới chỉ có nghị quyết của Quốc hội là văn bản pháp lý cao nhất. Do vậy cần ban hành Luật Tham gia Lực lượng GGHB của LHQ để triển khai thực hiện.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu vấn đề về truyền bá văn hóa. Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân thì cần có quy định cụ thể hơn về những gì được phép truyền bá, những gì không được truyền bá để cán bộ, nhân viên Việt Nam có cơ sở thực hiện.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại tướng Nguyễn Tân Cương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Lý giải về vấn đề này, Đại tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, cán bộ, nhân viên GGHB LHQ do Việt Nam cử đi được truyền bá những gì pháp luật không cấm, không thuộc bí mật quốc gia hay bí mật quân sự. Hoạt động truyền bá văn hóa như vậy giúp lan tỏa hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

“Cán bộ, nhân viên GGHB LHQ do Việt Nam cử đi mang theo rất nhiều thứ, nhưng dứt khoát phải có hạt giống rau. Ở những nơi lực lượng của nước ta tham gia GGHB LHQ đều rất thiếu thốn rau xanh. Lực lượng của nước ta đi đến đâu là trồng rau đến đấy, không những bảo đảm đủ nhu cầu của ta, mà còn cung cấp cho các lực lượng bạn và người dân. Đó cũng là cách chúng ta tuyên truyền để người dân nước bạn biết cách tự bảo đảm cuộc sống của mình”, Đại tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nhấn mạnh quan điểm, lực lượng GGHB LHQ có thể phải hoạt động ở những khu vực, lĩnh vực rất đặc biệt, đặc thù, rất khó khăn và có nhiều nguy hiểm, thường xuyên xa gia đình. Vì vậy, cần bổ sung chế độ, chính sách đặc thù, đặc biệt cho những lực lượng này.

Cụ thể hơn, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung chế độ, chính sách cho thân nhân của cán bộ, nhân viên Việt Nam tham gia Lực lượng GGHB của LHQ để họ yên tâm làm nhiệm vụ quốc tế. Chẳng hạn như chế độ, chính sách về nhà ở, bảo hiểm, chính sách việc làm… Vì theo đại biểu, “hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới yên tâm”.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ tại Phái bộ, về nước nhưng không may mắc bệnh mà ở Việt Nam không có thuốc chữa trị. Nếu họ bị suy giảm sức khỏe, không thể tiếp tục công tác trong lực lượng vũ trang thì cần có chính sách chuyển việc làm phù hợp.

“Những chế độ, chính sách ấy phải được quy định trong luật, làm cơ sở để Bộ Quốc phòng tham mưu Chính phủ ban hành chính sách, bố trí nguồn lực thực hiện”, đại biểu Phan Thái Bình nói.

Cảm ơn ý kiến tâm huyết của đại biểu Phan Thái Bình, Đại tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự án luật theo hướng bảo đảm chế độ, chính sách tốt nhất có thể để cán bộ, nhân viên Việt Nam tham gia Lực lượng GGHB LHQ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/dai-tuong-nguyen-tan-cuong-luc-luong-viet-nam-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-de-lai-an-tuong-rat-tot-dep-voi-nhan-dan-so-tai-828476