Đề nghị bổ sung đối tượng hưởng chính sách trong xây dựng pháp luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; dự án luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Thảo luận tại tổ 10 gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông và Phú Yên.

ĐBQH Lê Văn Thìn phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: THÙY LÂM
Phát biểu thảo luận tại tổ, các ĐBQH tỉnh thể hiện sự đồng tình, thống nhất cao với việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của ĐBQH, các cơ quan chức năng góp ý để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, dự án luật trình tại kỳ họp; hồ sơ nghị quyết, luật trình kỳ họp được chuẩn bị đầy đủ, kịp thời và chất lượng.
Góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, ĐBQH Lê Văn Thìn đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát đối tượng được thụ hưởng chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn và quan tâm đối với đối tượng là cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh trực tiếp, thường xuyên tham mưu, giúp việc ĐBQH, Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh trong công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật và theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện pháp luật tại địa phương; đồng thời, theo quy định, người tham gia công tác xây dựng pháp luật có chế độ hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) là quá cao, cần cân nhắc, xem xét lại tỷ lệ hỗ trợ cho phù hợp với mặt bằng chung của các cơ quan, đơn vị và giữa cán bộ, công chức với nhau, tránh trường hợp phát sinh tình trạng quá chênh lệch trong thu nhập, dẫn đến có sự so bì ngay trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, vì ngoài mức hỗ trợ này, thì các đối tượng thụ hưởng còn được hỗ trợ các ưu đãi vượt trội khác.
Cùng quan điểm về rà soát đối tượng được hưởng chế độ đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, ĐBQH Lê Đào An Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng hưởng chính sách là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không chỉ ở bộ phận pháp chế mà ở các ban còn lại của HĐND vì đặc tính và khối lượng công việc giữa các ban là tương tự nhau. Bên cạnh đó, cần khu trú lại đối tượng trong quá trình thực thi và giám sát thực thi pháp luật vì theo thiết kế của dư thảo là quá rộng, và đặc thù của cả bộ máy hành chính là thực thi pháp luật. Đại biểu cũng đề nghị cần đảm bảo sự công bằng giữa người làm luật giữa các địa phương khi phân cấp quy định mức chi, hỗ trợ, tránh trường hợp tỉnh khó khăn, miền núi được hưởng quá chênh lệch so với những tỉnh khá.

ĐBQH Lê Quang Đạo phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: THÙY LÂM
Các đại biểu cho rằng đây là một nghị quyết quan trọng, tạo nền tảng cho việc đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong thời gian tới. Sau khi nghị quyết được thông qua, đề nghị Quốc hội và Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo chính sách thực sự đi vào cuộc sống, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nâng cao chất lượng và hiệu lực thi hành pháp luật ngay từ cơ sở.
Liên quan quan đến dự án Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, ĐBQH Lê Quang Đạo cho rằng việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ được Đảng, Nhà nước quan tâm và chỉ đạo làm công tác chuẩn bị trong thời gian rất dài trước khi cử những sĩ quan đầu tiên làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình. Đây là một sứ mệnh rất nhân văn, có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng Quốc tế. Sau 11 năm chính thức tham gia, đến nay Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, QNCN tại các phái bộ của LHQ.
Các lực lượng Việt Nam được LHQ, chính quyền sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; ngoài thời gian làm việc cho LHQ, lực lượng Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ nhân dân nước sở tại góp phần nâng cao vị thế quốc tế, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình không chỉ giúp nâng cao vị thế đất nước mà còn góp phần xây dựng lực lượng quốc phòng - an ninh hiện đại, chính quy, hội nhập quốc tế, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, phát triển bền vững; là hình thức ngoại giao quốc phòng - an ninh, thể hiện tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, đại biểu Lê Quang Đạo thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ trong kỳ họp thứ 9 này.