Đại tướng Tô Lâm: Cảnh sát cơ động được giao bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện cảnh sát cơ động trung ương và các địa phương được giao bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
Ngày 26/10, phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận trực tuyến Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật.
Trên cơ sở đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; huy động người, phương tiện, thiết bị; hợp tác quốc tế của CSCĐ và các nội dung khác bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với quy định của pháp luật, tránh chồng chéo với các lực lượng khác.
Với vị trí chức năng là lực lượng thuộc CAND nên phạm vi hoạt động của lực lượng CSCĐ thực hiện theo quy định Luật CAND năm 2018. Theo đó, CSCĐ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và điều động của cấp có thẩm quyền để triển khai lực lượng, biện pháp, kịp thời xử lý những vụ việc, những tình huống phức tạp về ANTT có thể xảy ra ở bất kỳ địa bàn nào trong phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng giải quyết các vụ việc liên quan an ninh quốc gia như: tập trung đông người, gây rối ANTT, biểu tình, bạo loạn…cho thấy các vụ việc không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm mà còn xảy ra ở các tỉnh, khu vực miền núi, biên giới; đặc biệt có những vụ việc xảy ra lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ và bổ sung những nhiệm vụ CSCĐ đang thực hiện theo Quyết định của Bộ Công an, để đảm bảo tính ổn định và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, dự thảo luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ của CSCĐ. Trong đó, bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp để đảm bảo các cơ sở pháp lý cho việc điều động, sử dụng lực lượng CSCĐ.
Liên quan đến quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái tấn công, xâm phạm các mục tiêu CSCĐ bảo vệ, Đại tướng Tô Lâm cho biết, hiện nay CSCĐ Trung ương và các địa phương được giao bảo vệ gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, CSCĐ còn được giao nhiệm vụ bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử, các sự kiện, hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam…
Hiện các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể việc xử lý các phương tiện bay không người lái khi xâm phạm mục tiêu của CSCĐ bảo vệ. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các loại phương tiện bay siêu nhẹ được sử dụng rất rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với an ninh quốc gia, đe dọa nghiêm trọng tới ANTT nói chung, an toàn các mục tiêu mà CSCĐ bảo vệ nói riêng.
Bộ trưởng ví dụ, những trường hợp đối tượng phản động, tội phạm lợi dụng các phương tiện này để đưa chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ người khác đến xử lý thì gây ra bất cập về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý của CSCĐ trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái, để bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu được trang bị lực lượng vũ trang canh gác bảo vệ, cần phải quy định thẩm quyền này cho CSCĐ.