Đại tướng về... ở lại Mường Phăng

ĐBP - Một sớm cuối năm (ngày 21/12), sương giăng kín lối, rét cứa buốt da thịt, nhưng tờ mờ sáng, lãnh đạo, cán bộ tỉnh Điện Biên cùng nhiều người dân trên địa bàn đã có mặt tại ngã ba Nà Nhạn – Mường Phăng, chờ đón xe 'hộ tống' Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội lên. Cẩn trọng và cung kính, tượng Đại tướng được đặt lên kệ, phủ vải đỏ, chuyển xe đoàn tiêu binh rước vào Mường Phăng. Con đường ngoằn ngoèo men núi vào Sở Chỉ huy năm xưa, nay khác lạ, sương lạnh nhưng ấm lòng. Người dân các bản dọc đường ùa ra cổng, kính cẩn chào; các em nhỏ cũng háo hức xếp hàng dài chờ đón. Không khí trông ngóng, hân hoan như một lần nữa Đại tướng về thăm Mường Phăng và lần này, Người... ở lại nơi đây.

Vợ chồng ông Cứ A Chua (bên phải), bản Loọng Luông 1 thắp hương trước Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhất định phải “gặp” được Đại tướng

Cuối năm là mùa thu hoạch dong riềng và xuống đồng chuẩn bị mùa gieo cấy mới. Thế nhưng, hôm nay nhiều người dân Mường Phăng tạm dừng công việc, cùng chờ đón Tượng thờ Đại tướng. Đối với nhiều người, nhìn Tượng như được thấy lại hình ảnh Đại tướng. Từ sáng sớm, người dân mảnh đất lịch sử đã tựu về trước cổng Khu Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, bởi Tượng thờ Đại tướng sẽ được an vị tại Khu Tưởng niệm trong di tích. Chờ nhiều tiếng đồng hồ đoàn xe đến nơi, rồi thực hiện các nghi lễ rước, an vị Tượng thờ nhưng không ai vội vàng, thấp thỏm.

Hòa trong đám đông, vợ chồng ông Cứ A Chua, bản Loọng Luông 1 lặng im dõi mắt về phía Khu Tưởng niệm đang diễn ra các nghi lễ an vị Tượng Bác. Vợ chồng ông chở nhau ra đây từ 6 giờ sáng với mong muốn nhất định phải đón được Tượng Bác, bởi ông Chua đã 2 lần lỡ dịp gặp Đại tướng khi Bác trở lại Mường Phăng. Vẻ mặt tiếc nuối, ông Chua kể lại: “Nhiều năm trước, khi Bác Giáp về thăm Mường Phăng. Tôi đều đi bộ từ bản ra để được gặp Bác, nhưng lúc ấy đường khó đi quá, toàn bùn đất với suối nên khi ra đến nơi thì Đại tướng đã rời đi. Khi nghe tin Đại tướng mất, tôi buồn lắm, không còn cơ hội nào gặp nữa. Đến giờ vẫn thương nhớ Bác nên nhất định phải đến đây cùng đón Tượng Bác, thắp hương cho Bác. Bây giờ thì khác rồi, đường xá thuận lợi, còn có xe máy đi lại nhanh chóng nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn đến từ sớm, chờ đến lúc nào cũng được”.

Nhà gần Khu Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Lò Thị Ngoan, bản Phăng 2 cũng nóng lòng chờ đón Tượng thờ Đại tướng từ nhiều ngày trước. Trước hôm đón Tượng, bà Thanh cùng các hội viên phụ nữ trong bản vệ sinh, quét dọn đường làng, ngõ xóm, đường dẫn vào Khu Di tích cho sạch đẹp, thoáng đãng. Sáng ngày Tượng Bác về đến Mường Phăng, bà Thanh dậy từ 5 giờ sáng, nhanh chóng lo liệu việc nhà xong thật sớm để cùng bà con dân bản chờ trước Khu di tích. Là một trong những người dân đầu tiên trực tiếp thắp hương trước Tượng thờ Đại tướng, bà Thanh xúc động như vỡ òa chia sẻ: “Tối qua tôi hồi hộp không ngủ được, dậy từ sớm trông ngóng Tượng Đại tướng - như mong Bác về thăm Mường Phăng một lần nữa. Giờ được thấy, được thắp hương trước Tượng Bác thì rất vui mừng, phấn khởi”.

Để bức Tượng thờ Đại tướng an vị tại Khu Tưởng niệm Khu Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ như ngày hôm nay, đáp ứng sự mong đợi, gửi gắm sự tri ân, quý trọng của người dân Điện Biên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tỉnh nhà đã giành nhiều công sức cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.

Đưa Người về với Mường Phăng

Trung tuần tháng 9, Hội đồng xét duyệt mẫu Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức họp xét duyệt mẫu Tượng thờ để đặt tại điểm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. Sau khi thảo luận, trao đổi ý kiến, các thành viên Hội đồng nhất trí lựa chọn mẫu tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện để tiến hành đúc tượng thờ.

Người dân Mường Phăng thắp hương tưởng nhớ Bác sau khi Tượng thờ Đại tướng được làm các nghi lễ an vị.

Đây là mẫu tượng mà gia đình Đại tướng có tâm nguyện mong muốn cung tiến thờ tự tại Khu thờ tự Đại tướng thuộc Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Hiện nay mẫu Tượng đã được gia đình cung tiến tại một số công trình tâm linh trên cả nước và gần đây nhất là tại đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Theo gia đình Đại tướng cung cấp thông tin, đây là mẫu tượng độc quyền của gia đình, được làm lại với kích thước thu nhỏ dựa trên bức tượng đài Đại tướng tại Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cũng do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt mẫu Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có mặt từ những ngày đầu tiên đúc tượng thờ Đại tướng. Đồng chí Vừ A Bằng chia sẻ: Sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí về mẫu tượng, tỉnh trao đổi và thống nhất với gia đình Đại tướng để phối hợp với Cơ sở đúc đồng công nghệ cao Nguyễn Thượng Sách, tỉnh Hải Dương tiến hành đúc tượng. Vì đây là việc quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng nên ngày đầu tiên, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy cũng về dự. Trong quá trình làm tượng, cán bộ của tỉnh luôn luôn giám sát chặt chẽ, từ khâu đổ đồng, tháo khuôn cho đến đánh bóng… để đảm bảo mọi việc thành công nhất. Điều đáng mừng là mọi việc diễn tiến hết sức thuận lợi, đúng theo kế hoạch đã đề ra. Ngày 18/12, việc đúc tượng đã hoàn thành. Theo nguyện vọng của gia đình Đại tướng, tượng thờ được rước từ Hải Dương về ngôi nhà Người ở lúc sinh thời tại Hà Nội để thắp hương, làm lễ. Đến ngày 20/12, tỉnh mới xin phép gia đình Đại tướng được rước tượng thờ về Khu tưởng niệm đặt tại Mường Phăng”.

Cùng trong đoàn rước tượng Đại tướng từ thủ đô Hà Nội về với Mường Phăng, Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách, Chủ cơ sở đúc đồng công nghệ cao Nguyễn Thượng Sách – cơ sở độc quyền đúc mẫu tượng này cũng không giấu nổi niềm vui. Theo Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách, bức tượng chỉ hoàn thành trong thời gian 1 tháng và là bản hoàn thiện nhất từ trước tới nay ông từng thực hiện. “Tôi đã thực hiện rất nhiều bức tượng về Đại tướng, song có thể nói đây là tác phẩm chúng tôi hoàn thiện nhanh nhất và ưng ý nhất. Mặc dù đường xa, nhiều đèo dốc, nhưng quá trình vận chuyển lên Điện Biên rất thuận lợi, bàn giao an toàn. Chúng tôi có cảm giác như Đại tướng cũng mong muốn về với Mường Phăng, Điện Biên” - Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách chia sẻ.

Đúng như những chia sẻ của Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách, ngắm nhìn tượng thờ an vị trên ban, ai cũng có thể nhận ra chân dung một nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại, mang quân phục Đại tướng, trên ngực áo rực rỡ Huân chương Sao Vàng. Khuôn mặt Người thể hiện một cách chân thực thần thái uy nghi, nghiêm nghị với vầng trán cao, đôi mắt nhân từ của một vị tướng nhưng vẫn ấm áp, gần gũi, bình dị. Giờ đây, Người đã về và ở lại với Mường Phăng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà và du khách phương xa luôn tưởng nhớ tới công lao của Người với mảnh đất Điện Biên…

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền – Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/193014/dai-tuong-ve-o-lai-muong-phang