Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hình tượng ngời sáng trong văn học nghệ thuật

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đến thăm các lão dân quân tham gia duyệt binh vào năm 1973. Ảnh:TƯ LIỆU

Là một vĩ nhân, vị tướng tài ba của Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một danh tướng thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ nhận được sự yêu mến, kính trọng của người dân Việt Nam mà còn nhận được sự cảm phục của nhiều dân tộc trên thế giới, thậm chí là cả sự kính phục của những kẻ thù mà ông đã đánh bại. Với tầm vóc, trí tuệ, đức độ, nhân cách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hoàn cảnh lịch sử hết sức đặc biệt trong hai cuộc chiến tranh chính nghĩa ở Việt Nam, việc nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà nghệ thuật mến mộ, dành tình cảm và cơ hội để sáng tác, sáng tạo về ông với tư cách là thần tượng, hình tượng nghệ thuật cũng là điều dễ hiểu.

Từ những năm tháng không thể nào quên

Chúng ta còn nhớ, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, có lẽ Tố Hữu là người đầu tiên khắc họa về hình tượng Võ Nguyên Giáp trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!

Sét đánh ngày đêm

xuống đầu giặc Pháp!...

9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại tướng mới đi vào văn học bằng mấy câu thơ như thế của nhà thơ Tố Hữu. Nhưng đó là những câu thơ vàng.

Qua những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu, chúng ta thấy được hình ảnh về vị tướng huyền thoại, tài năng, trí tuệ vô song nhưng vô cùng gần gũi, giàu lòng thương yêu con người.

Khi đất nước bước sang thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954-1975), thời gian hơn 20 năm, nhưng cũng chỉ cho ra đời không nhiều tác phẩm văn học sáng tạo về hình tượng Đại tướng. Nổi bật nhất trong giai đoạn này không thể không nhắc đến hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sự thể hiện của nhà văn Hữu Mai với bộ ba tác phẩm khá dày dặn: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (1964), Từ nhân dân mà ra (1966), Những năm tháng không thể nào quên (1970). Cả ba tác phẩm này đều khắc họa hình tượng của Đại tướng trong giai đoạn hoạt động cách mạng, chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1940 đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong đó, Từ nhân dân mà ra đưa ta quay lại với thời kỳ đất nước những năm đầu 1940, khi đó đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Phạm Văn Đồng bí mật sang Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Lần đầu tiên, nhàvăn Hữu Mai thể hiện xúc động câu chuyện đồng chí Võ Nguyên Giáp chia tay người vợ là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh mới 1 tuổi trên đường Cổ Ngư, Hà Nội để bí mật sang Trung Quốc.

“Năm giờ chiều, tan học. Tôi lững thững đi về phía Hồ Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây. Tiếng ve sầu kêu ra rả. Tôi vừa đi vừa để ý nhìn trước, nhìn sau xem có mật thám theo dõi không. May sao, chiều hôm đó, không thấy bóng dáng bọn chúng. Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi tôi gặp anh Hoàng Văn Thụ, các anh cũng đã cho biết là tôi sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Trong nhiều lần trao đổi ở gia đình, chị Thái cũng rất muốn được đi hoạt động bí mật. Nhưng chúng tôi khi đó mới có cháu nhỏ chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được. Chị Thái hẹn khi nào gửi được con, sẽ đi sau. Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Võ, thấy chị Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở gốc cây vắng người. Chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với chị Thái, ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Chị Thái nhắc tôi, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách cho nhà biết tin. Một đôi người quen đi ngang chào hỏi, tưởng chúng tôi đang đứng hóng mát”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: T.L

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguồn: T.L

Sự sáng tạo đa dạng, phong phú và sinh động

Ngày 30/4/1975 với chiến thắng vang dội trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam, hình ảnh Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được người dân trong nước và bạn bè quốc tếkhâm phục, ngợi ca hơn lúc nào hết.

Nhàvăn Hữu Mai tiếp tục là người thể hiện thành công hình ảnh của Đại tướng trong các hồi ký như: Chiến đấu trong vòng vây (1995), Đường tới Điện Biên Phủ (1999), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (2000). Cùng với hồi ký, hình tượng Đại tướng xuất hiện trong tiểu thuyết và ký sự, có thể kể đến tiểu thuyết Không phải huyền thoại của nhà văn Hữu Mai, tiểu thuyết Những cánh rừng lá đỏ của nhà văn Hồ Phương; ký sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái của nhà văn Nguyệt Tú, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ của trung tướng Phạm Hồng Cư (với sự cộng tác của bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp); ký sự Cha và con và những thông điệp không lời của nhà văn Nguyễn Hồng Thái viết về Đại tướng và người con gái Võ Hồng Anh; kịch bản sân khấu Nhiệm vụ hoàn thành của nhàvăn Xuân Đức. Ngoài ra, trong một số tác phẩm khác, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vai trò lịch sử cũng được khắc họa khá đậm nét như trong bộphim Hà Nội mùa đông năm 1946 (đạo diễn Đặng Nhật Minh), các tiểu thuyết Mạch nguồn của nhàvăn Nguyễn Trường Thanh, Khói bụi đầy trời của nhà văn Thiên Sơn, Đường về thành Thăng Long của nhàvăn Nguyễn ThếQuang, Hồ Chí Minh (3 tập) của nhà văn dân tộc Tày Hoàng Quảng Uyên.

Năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014) trong triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệthuật”, lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng những bức ảnh hiếm có về Đại tướng do đại tá - nhà báo Trần Hồng, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán thực hiện. Ở lĩnh vực mỹ thuật, phải kể đến bức tranh sơn dầu chân dung khổ lớn của họa sĩ Đặng Xuân Hùng; tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Tuân; tranh cổ động của họa sĩ Hà Huy Lê, các tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Trần Văn Thức. Năm 2019, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, NXB Hà Nội đã cho ấn hành sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân (bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Hàn Quốc) của tác giả Trần Tuấn (TTXVN) - một ấn phẩm đẹp cả nội dung và hình thức.

Về thơ ca, dường như những câu thơ hay nhất về Đại tướng xuất hiện muộn hơn thì phải. Năm 1994, nhà thơ Anh Ngọc đã xúc động viết bài thơ Vị tướng già, trong đó có những câu thơ tài hoa tạc hình ảnh vị tướng bịn rịn, đau đời mà nhân văn đến lạ: “Ru giấc mơ của vị tướng già/Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở/Một chân ông đã đặt vào lịch sử/Một chân còn vương vấn với mùa thu…”. Câu thơ nhắc chúng ta nhớ tới Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, người sinh trước Đại tướng hơn 600 năm (1380-1442) quá nặng tình cùng non nước: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông”. Đó là sự đồng điệu về tấm lòng son sắt với dân, với nước chưa một ngày nguôi ngoai của những nhà văn hóa lớn dân tộc Việt Nam ta.

Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi về thế giới người hiền, trở về với đất mẹ “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”, nơi “Biển Hòn Chùa rì rầm ru giấc ngủ/Lệ Thủy xanh bát ngát thơm mùa”, những người con Việt Nam trên khắp thế giới cùng chung nỗi tiếc thương. Nhà thơ - nhà báo Phan Xuân Luật vượt lên nỗi buồn lớn để lắng lòng nói hộ triệu người niềm cảm kích bằng những câu thơ có sức khái quát lớn, toát lên cốt cách khiêm nhường nhưng cao lớn về nhân cách hiếm có của Đại tướng huyền thoại: “Không to tiếng với ai, dù lòng trĩu nặng/Rất khoan dung với cả kẻ thù/Vẫn cốt cách người thầy mẫu mực/Một thời trường Thăng Long xưa”…

Tập thơ Tiễn người vào bất tử do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chủ biên, tập hợp 103 bài thơ của 103 tác giả viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả sự yêu thương và kính trọng nhất. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo như nén nỗi đau lớn để bật nên câu chữ tạc dáng hình Đại tướng lên trời xanh: “Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/Vì Dân Nước, Người trở thành Bất Tử/Thành Núi thành Mây thành Ruộng Đồng, Sông, Bể/Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông…”(Bất tử).

Tuy nhiên, sự khắc họa về hình tượng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học nghệ thuật từ năm 1945 đến nay vẫn chưa vượt lên khỏi tầm vóc của ông. Những chiến thắng về mặt quân sự trong hai cuộc kháng chiến, tầm văn hóa và nhân cách của một vị tướng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, của thời đại Hồ Chí Minh cần phải được soi chiếu, phản ánh, sáng tạo thành công hơn.

Hy vọng thế hệ con cháu chúng ta mai sau, bạn bè trong thế giới hội nhập này sẽ được cầm trên tay những tác phẩm văn học nghệ thuật trứ danh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thiếu tướng - nhà văn NGUYỄN HỒNG THÁI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/263489/dai-tuong-vo-nguyen-giap--hinh-tuong-ngoi-sang-trong-van-hoc-nghe-thuat.html