Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua thừa nhận của tướng lĩnh phương Tây
Với những đóng góp và chiến công đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những nhận được sự yêu mến, cảm phục của nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế mà còn từ chính sự thừa nhận của nhiều tướng lĩnh đối phương. Đó là điều hiếm gặp.
Từ những dự cảm về một nhà lãnh đạo lớn, một đối thủ tầm cỡ
Được cử làm đại diện của Pháp tại miền Bắc Đông Dương, ngay sau khi đến Hà Nội, cuối tháng 8-1945, J.Sainteny đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo J.Sainteny, ngay từ đầu cuộc gặp, Võ Nguyên Giáp đã “gây cho tôi ấn tượng về một người kiên quyết, cực kỳ cứng rắn, khôn khéo và thông minh”.
Tuy nhiên, với bản tính thực dân, J.Sainteny đã phạm phải sai lầm rất lớn là không hình dung và đánh giá hết tầm vóc của người đối thoại với mình hôm đó, “lúc này, tôi hãy còn xa mới ngờ được rằng, Giáp là người hôm nay tôi gặp lần đầu tiên, chỉ vài tháng sau sẽ trở thành một trong những địch thủ ghê gớm nhất” (Theo cuốn Jean Sainteny: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2003, tr.116-118).
Sai lầm của J.Sainteny cũng là sai lầm chung của chính giới Pháp khi đánh giá thấp sức mạnh và quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa giành được của một dân tộc. L.Patti, nguyên Trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS (Cục Tình báo chiến lược Mỹ, tiền thân của CIA), người tổ chức cuộc gặp, có những nhận xét khách quan hơn về thái độ của Sainteny và bản lĩnh của Võ Nguyên Giáp.
Trước lối suy nghĩ và xử sự như một “ông chủ” cũ của Sainteny về chính sách của Việt Minh đối với “kẻ không được mời mà đến”, Võ Nguyên Giáp bình tĩnh đáp trả, khiến “lần đầu tiên trong đời mình, Sainteny đã mặt đối mặt với một người Việt Nam dám dũng cảm đương đầu với người Pháp. Thái độ Sainteny nhụt hẳn đi” (Theo "L.Patty: Tại sao Việt Nam?", người dịch: Lê Trọng Nghĩa, Nxb Đà Nẵng, năm 1995, tr.215, 217). L.Patti nói thêm: “Ông (Sainteny) đã không thấy được chút nào là ông đã đụng đầu ngay với một người mà sau này đã được ghi nhận trong lịch sử bằng việc làm tan rã một cách cơ bản đế quốc thuộc địa Pháp ở Đông Dương”.
Chỉ vài tháng sau, Sainteny rất nhanh chóng nhận ra Võ Nguyên Giáp là “một nhân vật đáng gờm nhất. Nhân vật hùng mạnh này đã chế ngự Hội nghị trù bị tại Đà Lạt”. Đúng như Charles De Gaulle đã viết cho Hồ Chí Minh năm 1966: Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới, thì Sainteny đã không có cơ hội để kiểm chứng nhận thức của mình về Võ Nguyên Giáp, khi gặp những sĩ quan cấp cao của Pháp được trao trả sau Hiệp định Geneva. Đó là Castries, Lalande, Langlais, Bigeard, Blanchet... và nhiều người khác. Qua câu chuyện trao đổi với họ, tôi dễ dàng nhận thấy họ ca ngợi phẩm chất chiến đấu của đối phương.
Sự khâm phục một bậc “đại tài” trong xây dựng và tổ chức quân đội cách mạng
Nhà nghiên cứu James A.Warren từng nhận xét: “Có lẽ những đóng góp quan trọng nhất của Giáp đối với kháng chiến trường kỳ là sự kết hợp linh hoạt của ba lực lượng (dân quân địa phương ở làng xã, bộ đội địa phương và các đơn vị chủ lực tập trung), và việc sử dụng sáng tạo các “hình thức chiến đấu” khác nhau-chiến tranh du kích” (Theo James A.Warren: Giap the General who defeated America in Vietnam, Palgrave Macmillan, New York, 2013, p.8).
Được giao thành lập và chỉ huy đội quân cách mạng, chỉ trong hơn một năm, từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Võ Nguyên Giáp đã phát triển thành một lực lượng to lớn, làm nòng cốt trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền cũng như bảo vệ chế độ mới những ngày đầu thành lập. Chính lực lượng này tạo ra một thách thức khiến thực dân Pháp phải dè chừng khi âm mưu dùng vũ lực để khởi động chiến tranh.
Đô đốc hải quân Barjot-tác giả bản “Thông báo nghiên cứu số 46” (mật) của Ban Tham mưu-Bộ Quốc phòng Pháp (8-12-1946) đã đánh giá: “Những cố gắng phi thường và cái tài của Giáp chỉ trong vòng một năm thôi mà đã thành công trong việc xây dựng một công cụ có khả năng làm chỗ dựa vững vàng cho một chính sách không nhân nhượng chút nào đối với nước Pháp”.
Sống sót sau trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Trung tá Marcel Bigeard (sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp) rút ra nguyên nhân thất bại của Pháp trước năng lực bậc thầy về tổ chức và xây dựng quân đội cũng như tài cầm quân của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Những con người do tướng Giáp đào luyện thật là những chiến binh tuyệt vời! Những cuộc phản kích của quân Việt chặn đứng pháo binh của chúng tôi, các khẩu súng cối của chúng tôi không thể nhả đạn”.
Marcel Bigeard thú thực thêm: “Trong vòng chín năm, tướng Giáp đã đánh bại đạo quân viễn chinh của chúng ta, điều đó không có gì phải bàn cãi” (Marcel Bigeard: Lời thú nhận muộn mằn, Nxb. Hà Nội, năm 2004, tr.78).
Sau 21 năm liên tục chiến đấu, dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam có sự trưởng thành vượt bậc, lần lượt đối đầu và giành thắng lợi trước những đội quân xâm lược nhà nghề. Chiến trường Việt Nam trở thành nơi chôn vùi tên tuổi và sự nghiệp của hàng loạt tướng lĩnh cự phách của cả Pháp và Mỹ.
Trong cuốn "Đông Dương đỏ", Đại tướng Salan-từng là Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Chiến tranh Đông Dương vào năm 1952-1953, viết: “Hôm nay, 30-4-1975, tại nơi trước kia là xứ Đông Dương thuộc Pháp, Quân đội Việt Minh trước đó đã vào Điện Biên Phủ, bây giờ đã đặt chân tới Sài Gòn...
Chính phủ đã thống nhất, lại có thêm quyết tâm và có thời gian, lại có cả một nhân tố quan trọng cực kỳ, đó là quân đội của họ, một quân đội từ Điện Biên Phủ tới Sài Gòn, rất kỷ luật và can trường, sẵn sàng phục vụ đường lối chính trị của chính phủ... Họ là những người mà sĩ quan Pháp vẫn coi là “đối thủ đáng kính trọng”. Người Mỹ từng coi thường họ và hiển nhiên họ đã đánh bại Mỹ, tuy sức mạnh về số lượng và kỹ thuật vượt hơn họ nhiều lần”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về chiến tranh nhân dân
Không dừng lại ở việc tổ chức và xây dựng lực lượng, quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là bậc thầy về chiến tranh nhân dân, trên cương vị là người chỉ huy cao nhất của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Cuốn "Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân" của Đại tướng được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành sách gối đầu giường của không chỉ nhiều nhà lãnh đạo thuộc thế giới thứ ba mà còn được sự đón nhận của nhiều tướng lĩnh phương Tây khi tìm hiểu về cội nguồn sức mạnh chiến thắng của QĐND Việt Nam.
“Trong hơn 30 năm sự nghiệp làm Tổng Tư lệnh, tướng Giáp không chỉ làm thất bại các kế hoạch của hai quốc gia mạnh hơn nhiều so với quốc gia của mình cả về quân sự và công nghệ, mà còn liên tục xây dựng sức mạnh và khả năng của các lực lượng quân sự của riêng mình, liên kết chặt chẽ chúng vào một cơ sở hạ tầng chính trị vững chắc mà chính ông đã góp phần không nhỏ để tạo ra. Rất ít tướng lĩnh trong lịch sử có thể tích hợp nhiều hình thức chiến tranh khác nhau-nổi dậy du kích, chiến tranh kiểu du kích do các đại đội và tiểu đoàn chính quy độc lập tiến hành, các chiến dịch cơ động, những cuộc bao vây và các cuộc tấn công theo lối chiến tranh quy ước-để thực hiện các mục tiêu chiến lược rộng lớn của họ”. (James A.Warren: Giap the General who defeated America in Vietnam, pp.243-244).
Với trọng trách của mình, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn bám sát thực tiễn để có kế hoạch ứng phó kịp thời với những diễn biến trên chiến trường. Chỉ đạo chiến lược của ông thể hiện tính bao quát sâu rộng, phát huy thế mạnh của ta, hạn chế khả năng của đối phương.
“Ông Giáp đã tỏ rõ những đức tính xuất chúng trong tất cả mọi lĩnh vực lớn nhất của chiến tranh. Về chiến lược, ông đã có một tầm quan sát sâu sắc các sự kiện và đã khoanh vùng những vấn đề chủ yếu; ông đã làm lung lay đối phương bằng sử dụng sáng suốt những lực lượng từ nhiều điểm: Ở Lào, Campuchia, trong vùng châu thổ sông Cửu Long, trên các cao nguyên Tây Nguyên, vùng đồng bằng ven biển, hai bên bờ vùng giới tuyến phi quân sự” (Peter Macdonald: Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương).
Từng rải truyền đơn thách thức Đại tướng Giáp đưa quân đọ sức tại Điện Biên Phủ, nhưng kết cục tướng De Castries-chỉ huy tập đoàn cứ điểm này phải thú nhận: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích...
Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”. De Castries trần tình: “Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Những thắng lợi trên chiến trường của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn gắn với việc ông luôn chuẩn bị chu đáo cho công tác hậu cần trong suốt toàn bộ cuộc chiến cũng như trong từng chiến dịch cụ thể.
Đại tướng Peter Macdonald, nhà sử học quân đội Hoàng gia Anh, nhận xét: “Trong lĩnh vực hậu cần, ông thật xuất sắc suốt cuộc chiến tranh Đông Dương, không có một sự làm chủ hoàn hảo hơn về công tác hậu cần mà không thể thực hiện được trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng như vậy, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Đường mòn Hồ Chí Minh đã cung cấp tiếp tế cho QĐND Việt Nam và quân Giải phóng miền Nam ròng rã suốt mấy năm trời” (Peter Macdonald: Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương, Sđd, tr.376-377).
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược-quân đội Mỹ nhận xét: “Sự quản lý hệ thống hậu cần bởi Bắc Việt Nam đã chứng tỏ là một trong những chìa khóa đưa đến thành công của họ trong việc chống lại người Pháp và người Mỹ.
Sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, các căn cứ và địa bàn do tướng Giáp cho xây dựng suốt cuộc chiến tranh mang lại cho QĐND Việt Nam một vị trí địa chiến lược ưu việt góp phần vào việc đánh bại lực lượng quân sự miền Nam Việt Nam”. Cùng với những thắng lợi trên cơ sở chỉ đạo chiến lược, chiến dịch và chiến thuật đúng đắn, phải khẳng định rằng “Tướng Giáp là một bậc thầy về vận dụng chiến thuật hậu cần”.
Dưới góc nhìn của các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu quân sự phương Tây, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một vị tướng hoàn toàn đặc biệt. Đại tướng Peter Macdonald nhận xét: “Ông là vị tướng lĩnh duy nhất đã phát động cuộc chiến chống kẻ thù bắt đầu từ một hoàn cảnh yếu kém trầm trọng: Thiếu vật tư, thiếu thốn nguồn tài chính, bắt đầu từ không có quân đội, vậy mà vẫn có thể đánh thắng liên tiếp từ bọn quân phiệt Nhật đến quân đội Pháp, đế quốc thuộc địa lớn thứ hai (sau nước Anh) và Hoa Kỳ, một trong hai siêu cường của thế giới... (Theo Cecil B. Currey: Chiến thắng bằng mọi giá-Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Còn nhiều nữa những đánh giá về những chiến công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu phương Tây mà khuôn khổ bài báo này không thể kể hết.
PGS, TS HOÀNG CHÍ HIẾU, Phó chủ nhiệm, phụ trách Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.