Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: Sâu nặng nghĩa tình với Thái Nguyên

Cách đây hơn 10 năm, tôi được Ban Biên tập Báo Thái Nguyên giao viết bài ghi nhanh về sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Trong hành trình đi đến nhiều nơi trong tỉnh, nhất là ATK Định Hóa, tất cả những người tôi có dịp tiếp xúc đều bật khóc khi biết tin Đại tướng đã mãi mãi ra đi. Điều đó cho thấy tình cảm đặc biệt nhân dân Thái Nguyên dành cho người 'anh cả' của Quân đội ta. Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn sâu nặng nghĩa tình với vùng quê cách mạng Thái Nguyên.

Bức phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên).

Bức phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên).

Quê hương thứ hai

Với Thái Nguyên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người gắn bó đặc biệt cũng như dành nhiều tình cảm sâu nặng. Những người con của Đại tướng là Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc và Võ Điện Biên cũng đều sinh ra tại Thái Nguyên. Chính vì vậy, Đại tướng từng nhiều lần khẳng định Thái Nguyên là quê hương thứ 2 của mình.

Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào Thái nguyên đã đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng lực lượng non trẻ của Quân đội ta, trong đó tổng chỉ huy là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng quãng thời gian có nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng.

Có thể kể đến những mốc thời gian quan trọng, đó là: Sự kiện hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) tại đình Làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa) vào ngày 15/5/1945. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh. Tháng 8-1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp dẫn đoàn quân về giải phóng TX. Thái Nguyên, cùng lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt trại lính bảo an, chiếm dinh Tỉnh trưởng, tấn công quân Nhật tại trại lính khố xanh.

Trong cuốn hồi ký, Đại tướng viết: Dân chúng Thái Nguyên và cả các vùng lân cận hết sức mừng rỡ khi được tin bộ đội giải phóng kéo đến. Họ ủng hộ bộ đội triệt để về mọi mặt, lương thực, tình báo, giao thông, vận tải, nhiệt liệt tham gia xây đắp hầm lũy khắp các đường phố.

Dấu ấn của Đại tướng đối với Thái Nguyên còn đặc biệt thể hiện trong giai đoạn 9 năm trường kỳ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. ATK Định Hóa - Thái Nguyên được chọn là nơi đặt bản doanh của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quân đội, Mặt trận Liên Việt ở và làm việc.

Trong thời kỳ này, đồng chí Võ Nguyên Giáp với vai trò là Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng. Lễ phong hàm tổ chức ngày 28/5/1948 tại Nà Lọm, xã Phú Đình. Giai đoạn 1949-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở và làm việc tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh.

Đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị chỉ định trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.

Di tích lịch sử lán Bảo Biên, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam từng ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Di tích lịch sử lán Bảo Biên, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam từng ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhắc nhớ để tri ân

Đất nước hòa bình, nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Thái Nguyên với một tình cảm sâu đậm và đặc biệt quan tâm tới đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Năm 1998, trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên, Đại tướng đã căn dặn lãnh đạo tỉnh: Đồng bào, chiến sĩ Thái Nguyên tấm lòng rất tốt, nhưng còn nghèo. Lãnh đạo tỉnh phải suy nghĩ, tính toán làm sao để cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng tỉnh nhà phát triển…

Trong thư gửi nhân dân xã Bảo Linh (Định Hóa) năm 1992, Đại tướng viết: “… Mong rằng xã nhà có kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thật tốt. Phấn đấu làm sao cho nhà nhà đều giàu có, làm kinh tế hộ gia đình thật giỏi… Chúc đồng bào và chiến sĩ các dân tộc đoàn kết, phát triển cao; xây dựng Bảo Linh thành một xã kiểu mẫu về mọi mặt. Khen ngợi đồng bào đã chăm sóc khu di tích lịch sử để giáo dục truyền thống các thế hệ mai sau".

Ông Đồng Quang Sá, nguyên Chủ tịch UBND xã Bảo Linh, cho biết: Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bảo Linh đã đoàn kết xây dựng đời sống ngày càng ấm no. Khu di tích lán Bảo Biên được đầu tư làm đường giao thông, xây dựng bia, phục dựng lại nhà làm việc và một số hạng mục khác để mọi người đến tham quan, tìm hiểu lịch sử và dâng hương tưởng nhớ Đại tướng. Đồi Đỏn Mỵ - nơi có Di tích lán Bảo Biên được người dân địa phương gọi bằng tên thân thương là “Đồi Đại tướng”.

Xuất phát từ tình cảm của quân, dân tỉnh Thái Nguyên và mong muốn hình ảnh của Đại tướng luôn sống mãi cùng với chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn, ngay sau khi Đại tướng về với các bậc tiền nhân, tỉnh quyết định đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Công trình được mở rộng quy mô và đầu tư xứng tầm, với điểm nhấn đặc biệt là bức phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”.

Bức phù điêu thể hiện quá trình lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên và hình ảnh Đại tướng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; những bước phát triển của tỉnh gắn với hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để nhân dân Thái Nguyên tự hào, thực hiện mong ước của Đại tướng cũng như của Bác Hồ là đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu đẹp nhất của Việt Bắc.

Các địa điểm di tích khác gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên địa bàn tỉnh như: Chùa Đán - nơi tập kết chính của quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, Nhà lưu niệm Đại tướng ở đảo Kim Bảng, hồ Núi Cốc hay đồi Phong tướng ở xã Phú Đình (Định Hóa) đều được địa phương bảo tồn và tôn tạo xứng tầm để tri ân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đặc biệt là thể hiện tấm lòng của nhân dân Thái Nguyên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhị Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202409/dai-tuong-vo-nguyen-giapsau-nang-nghia-tinh-voi-thai-nguyen-f140468/