Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cha tôi
Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tin tưởng giới thiệu cha tôi là Giáo sư Hoàng Minh Giám để giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó giới thiệu ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương...
Về tuổi tác, cha tôi hơn Bác Giáp 7 tuổi, nhưng cả hai là đồng nghiệp khi cùng dạy học tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo (1936-1940).
Khi cha tôi còn sống, gia đình tôi trong đó có tôi đã có may mắn và vinh dự như nhiều người dân Việt Nam có một số lần được gặp gỡ, nói chuyện và chụp ảnh với Bác Giáp. Qua các chuyện kể của cha tôi, tôi biết giữa Bác Giáp và cha tôi có một sự gắn bó thân thiết và tin tưởng lẫn nhau xuyên suốt cả cuộc đời.
Cha tôi kể lại rằng: Năm 1940, sau khi Chính phủ của Mặt trận Bình dân ở Pháp sụp đổ, điều kiện cho các hoạt động nửa công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương không còn nữa. Theo chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Hoàng Văn Thụ truyền đạt, Bác Võ Nguyên Giáp và Bác Phạm Văn Đồng cần bí mật sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Để đánh lạc hướng sự theo dõi của mật thám Pháp đối với bản thân mình và cũng để tránh phiền phức có thể có do bọn mật thám gây ra đối với cha tôi, Bác Giáp đã viết sẵn một bức thư cho cha tôi, khi đó là Hiệu trưởng Trường Tư thục Thăng Long, báo tin Bác Giáp về thăm quê trong mấy ngày nghỉ cuối tuần.
Là một trí thức yêu nước, căm ghét chế độ thực dân, biết Bác Giáp đang hoạt động cho Đảng Cộng sản Đông Dương, cha tôi đã làm những gì có lợi nhất để Bác Giáp có thể lên đường bí mật, an toàn.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, Bác Võ Nguyên Giáp từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội gấp rút xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền còn non trẻ.
Ngày 30/8/1945, thừa ủy quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 01 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bổ nhiệm Giáo sư Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ (Bộ trưởng là Bác Võ Nguyên Giáp).
Trong những ngày tháng Cách mạng mới thành công, đất nước ta gặp vô vàn khó khăn, phức tạp, thù trong giặc ngoài đe dọa. Vào những năm tháng không thể nào quên ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng ta đã có những quyết sách vô cùng sáng suốt, chính xác và dũng cảm trong xử lý quan hệ đối ngoại của Nhà nước Việt Nam mới.
Một trong những quyết sách quan trọng đó là chủ trương “Hòa để tiến”, tiến hành đàm phán với đại diện của Chính phủ Pháp ở Việt Nam để loại bớt kẻ thù đối với nền độc lập của nước nhà, tránh cho đất nước ta phải đồng thời đối phó với hai kẻ thù là quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và quân đội thực dân Pháp.
Cha tôi kể lại rằng ngày đó Bộ Nội vụ và nơi làm việc của Bác Hồ đều đóng ở ở Bắc Bộ Phủ, 12 Ngô Quyền, Hà Nội (nay là Nhà khách Chính phủ) và phòng làm việc của cha tôi cũng ở gần với phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Một hôm, Bác Hồ đề nghị Bác Võ Nguyên Giáp giới thiệu cho Bác Hồ một người đáng tin cậy và am hiểu về Pháp để giúp việc Người trong các cuộc thương lượng với Jean Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc Bộ. Khi đó không một chút do dự, Bác Võ Nguyên Giáp đã giới thiệu cha tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không phụ sự tin tưởng của Bác Hồ và Bác Giáp, cha tôi đã làm hết khả năng của mình để giúp việc cho Bác Hồ trong các cuộc thương lượng bí mật và công khai với phía Pháp dẫn đến việc ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, theo đó phía Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia Tự do có Nghị viện, Chính phủ, Quân đội và Tài chính riêng; Chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào Việt Nam trong 5 năm để thay thế 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đang có mặt ở Việt Nam để giải giáp vũ khí quân đội phát xít Nhật Bản.
Tháng 9/1946, sau khi cuộc đàm phán Việt –Pháp tại Fontainebleau bế tắc do lập trường thực dân hiếu chiến lỗi thời của phía Pháp, đoàn đại biểu Việt Nam do Bác Phạm Văn Đồng dẫn đầu rời Paris về nước.
Cha tôi tiếp tục ở lại giúp việc Bác Hồ đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp (Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Moute) dẫn tới việc ký kết Tạm ước 14/9/1946, tạo điều kiện để nhân dân và quân đội ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà Bác Hồ và Đảng ta biết rõ là không thể tránh khỏi.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Chính phủ ta di chuyển lên An toàn khu Việt Bắc. Tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cha tôi làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Tháng 5/1950, Bác Võ Nguyên Giáp, đã cùng Bác Phạm Văn Đồng và Bác Nguyễn Khánh Toàn đứng ra giới thiệu và bảo đảm cha tôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Vì vậy, ở Bộ Ngoại giao, cha tôi là Bộ trưởng nhưng cũng là người đầu tiên ở Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp được kết nạp vào Đảng. Khi đó do Đảng chưa ra hoạt động công khai, và sau này theo chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ, không nhiều người biết cha tôi đã là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ tháng 6/1950.
Nhiều năm sau, cha tôi tiếp tục công tác với Bác Võ Nguyên Giáp trong Chính phủ và Quốc hội (từ 1945-1987). Tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp của các cụ còn tiếp tục tới khi cha tôi qua đời năm 1995.
Năm 2000, Hãng phim tài liệu trung ương làm bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi, cố Giáo sư Hoàng Minh Giám. Trong bộ phim này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những phát biểu đánh giá rất công bằng, xúc động về cha tôi, một tấm gương sáng của người trí thức trong thời đại Hồ Chí Minh, đã cống hiến trọn cuộc đời cho Cách mạng và dân tộc, một người bạn, đồng chí thủy chung, xứng đáng với sự mong đợi, tin tưởng của Bác Hồ và Bác Giáp.
* Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành là con trai của cố Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám (1904-1995)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-cha-toi-155909.html