Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của lòng nhân
Ông là vị tướng trẻ tuổi nhất, được lãnh tụ Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng đầu tiên theo cách rất đặc biệt khi mới 37 tuổi. Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi được ghi vào sử sách những mốc son chói lọi gắn với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
“Chín năm làm một Điện Biên”
Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. 34 chiến sĩ chân đất, 2 khẩu súng thập (tiểu liên), 17 khẩu súng trường giáp 5, giáp 3 và 150 viên đạn, còn lại là súng kíp, mã tấu, giáo mác.
Ngày 7/5/1954, năm Sư đoàn quân đội nhân dân Việt Nam, bao vây và tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ do 16.000 quân Pháp đồn trú, có đầy đủ máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ, bắt sống gần 12.000 tù binh.
Giữa hai thời điểm đó chỉ là 9 năm, 4 tháng, 15 ngày! Từ trong rừng sâu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng đầu tiên của châu Á đánh bại về quân sự đối với quân đội của một cường quốc châu Âu. Một cách tâm phục, khẩu phục.
Khi được đài truyền hình Pháp phỏng vấn năm 1981 về tướng Navarre, đối thủ trực tiếp của ông, Võ Nguyên Giáp đã nói: “Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến”. Luận điểm này được khẳng định rõ hơn khi trả lời câu hỏi: “Vào thời điểm nào thì ông cảm nhận là các ông sẽ thắng?” mà cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đặt ra, Đại tướng đã không chần chừ một phút khẳng định: “Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”.
Theo PGS. TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - đây không phải là những lời khoa trương của một người thắng trận. Đây là tâm huyết, đúc kết một minh triết về quân sự, cũng đúng cho bất cứ một cuộc đối đầu nào khác giữa những nước nhỏ và các cường quốc. Đó là sức mạnh của một quân đội sinh ra từ Nhân dân, luôn tâm niệm giành được sự ủng hộ của Nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, và dựa vào Nhân dân để chiến thắng.
Là học trò thân cận nhất của Bác Hồ, quân đội của ông luôn ở trong dân. Như ông đã viết: “Vị Đại tướng vĩ đại nhất của Việt Nam là Nhân dân Việt Nam”.
Để rồi, ngày 22/12/1944, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trở thành tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay với cẩm nang cho chiến thắng: Sức mạnh vũ trang phải bắt nguồn từ sức mạnh của tuyên truyền chính trị và một khi có sức dân ủng hộ thì lực lượng vũ trang sẽ có sức mạnh bách chiến bách thắng. Nhận trách nhiệm nặng nề, người cầm quân họ Võ cũng nhận từ Bác Hồ một tên gọi rất hiền là Văn như một lời nhắc nhở “Văn Võ song toàn”...
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng bốn lần viết thư cho bộ đội trước khi bắt tay vào nhiệm vụ mới. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Một vị Tổng Tư lệnh viết thư tâm tình với cán bộ và chiến sĩ như vậy là nét đẹp nói lên bản chất cách mạng của Bộ đội Cụ Hồ và cũng là điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước”.
Trong cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng không nhằm tự thuật về cuộc đời của mình mà chủ yếu tái hiện lại những sự kiện quan trọng, những biến cố có tính bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đại tướng đã có những bình luận, đánh giá khái quát, sâu sắc, làm rõ những nỗ lực, to lớn của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta trong những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám để giữ vững nền độc lập, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, khẳng định vị thế của nước Việt Nam mới. Đọc những trang hồi ký của Đại tướng - cảm nhận sâu sắc hơn tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của một vị tướng tài ba, lỗi lạc một đời gắn bó với đất nước, con người Việt Nam.
“Điều đó chỉ có Hồ Chí Minh trả lời được”
Là một trong 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của bạn bè khắp năm châu. Nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà báo, nhà văn, Nhân dân thế giới viết về Đại tướng bằng tình cảm ấm áp, niềm xúc động, khâm phục tài năng và đức độ.
“Chiến thắng bằng mọi giá” là một trong những cuốn sách đầy đủ, chi tiết nhất của người nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cecil B. Currey - một sử gia quân sự - đã giúp người Việt Nam chúng ta làm một công việc cần thiết và vô cùng đáng trân trọng: Đó là khiến thế giới hiểu về lịch sử - truyền thống Việt Nam, hiểu về đất nước - con người Việt Nam, hiểu về vị tướng lĩnh tài ba của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - mà theo đánh giá của ông là “Thiên tài quân sự vĩ đại nhất thế kỷ XX và là một trong những vĩ nhân của mọi thời đại”.
Có người hỏi vì sao từ một thầy giáo dạy Sử, ông lại trở thành một vị tướng cầm quân kiệt xuất? Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một câu trả lời rất giản dị: “Điều đó chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia hoạt động yêu nước từ rất sớm và cũng bị tù đày khi còn trẻ (năm 1930 khi mới 19 tuổi). Tuy nhiên, bước ngoặt lịch sử đến với ông là cuộc gặp nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc (6/1940). Sau này, Đại tướng chia sẻ trong những thước phim tài liệu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ, một cuộc đời” rằng, ông lớn lên gặp cách mạng và đi theo cách mạng như lẽ tự nhiên. Bởi 13, 14 tuổi vào Quốc học Huế, ông đã gặp cụ Phan Bội Châu và nhiều trí thức yêu nước khác.
Cũng ít ai biết rằng, trong ngày lễ Độc lập 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, sau bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc là bài diễn văn của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ trình bày đường lối đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam độc lập. Bài diễn văn kết thúc bằng những lời lẽ hào hùng và dễ hiểu: “Dân tộc Việt Nam đòi độc lập, tự do, bình đẳng đến cùng. Đòi bằng ngoại giao, ôn hòa chẳng được thì ta hãy tuốt gươm. Chúng ta sẵn sàng nhận tất cả mọi sự có thể xảy đến. Chúng ta có thể không mạnh bằng kẻ địch, song chúng ta sẽ thắng kẻ địch như ông cha chúng ta đời Trần. Chúng ta có thể thua năm mươi trận, nhưng thắng lợi nhất định sẽ về tay chúng ta. Dưới sự lãnh đạo của chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp, tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao năm lầm than kiệt quệ. Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh một trận cuối cùng để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc”…
Khi cuộc chiến tranh để bảo vệ nền độc lập là không thể tránh khỏi và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến hai sự kiện: Lời nhắc nhở của Bác Hồ khi giám sát công tác chuẩn bị kháng chiến của Thủ đô rằng “quyết tâm” chưa đủ mà phải là “tín tâm”. “Tín tâm” mang ý nghĩa là một niềm tin không chỉ bằng trái tim mà phải bằng cả khối óc thì mới có thể tạo ra sự đồng thuận, đồng tâm trong hành động của mọi người thì sự nghiệp mới thành công.
Điều đặc biệt, trong suốt những năm tháng binh nghiệp, Đại tướng đều căn dặn các chiến sĩ bộ đội là luôn cố gắng giải quyết sự việc trước hết bằng hòa bình. Sau này, khi được hỏi về chiến công vĩ đại, người chỉ huy huyền thoại năm nào đã rất xúc động khi chỉ nói về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ, về sự chiến đấu quên mình của dân và quân ta. Riêng ông, chỉ xem phần đóng góp của mình như một giọt nước giữa bao la biển cả.
Trong số rất nhiều bộ phim được thực hiện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của các tác giả trong và ngoài nước, bộ phim tài liệu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - Một đời người” của NSND Đào Trọng Khánh (sinh năm 1940, giải thưởng Nhà nước năm 2007) là một trong những tác phẩm được nhắc đến nhiều. Vào năm 2014, một tác phẩm tiếp theo của ông về Đại tướng là phim Tài liệu “Giọt nước giữa đại dương” được giải Cánh diều vàng cho phim và đạo diễn xuất sắc năm đó.
Đại tướng kể lại câu chuyện trong các trận đánh, về thời điểm ông đưa ra những quyết định quan trọng. Một tháng gần bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với đạo diễn Đào Trọng Khánh, mỗi ngày ông lại nhìn thấy những góc khác nhau của một con người vĩ đại. Cùng với đó là 700 phút phim tư liệu quý giá đã được ghi lại. “Ông không nói nhiều về công việc của một vị tướng. Nhưng ông rất thương người lính, trong các trận đánh, ông luôn nhắc nhở sao cho tổn thất ít nhất, ông tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Và Đại tướng là một thiên tài quân sự. Khi vào chiến trận cụ thể, ông có trực giác rất mạnh mẽ. Nhiều tình huống chỉ có trực giác mới giải quyết được”.
Trực giác của Đại tướng thể hiện ở trận đánh Phai Khắt - Nà Ngần, trận Đông Khê và nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Lê Trọng Tấn là một vị tướng tâm đắc của Võ Nguyên Giáp từ hồi Điện Biên Phủ cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định lập cánh quân thứ 5 tiến về Sài Gòn là một phương án ngoài kế hoạch. Những quyết định nằm ngoài kế hoạch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều rất tuyệt vời như thế…
Còn GS.TSKH Vũ Minh Giang kể lại câu chuyện, Đại tướng từng đặt câu hỏi với Hội Sử học, đó là làm sao để lý giải sức mạnh kỳ diệu của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong đó có những đạo quân được coi là có khả năng làm khuynh đảo thế giới. Ở thế kỷ XIII là đội quân Nguyên - Mông, một đội quân đã chinh phục khắp lục địa Á - Âu tạo ra một đế chế có lãnh thổ liền nhau lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Đội quân ấy đã thất bại ba lần trước Nhân dân Việt Nam. Và có hiểu thật sâu sắc lịch sử mới có thể lý giải được vì sao ta thắng đế quốc Mỹ, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, kể cả những nước được coi là cường quốc cũng phải ngần ngại, né tránh. Đồng thời, Đại tướng cũng lý giải, nghệ thuật quân sự Việt Nam chính là văn hóa dân tộc, được hun đúc từ ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta…
Theo GS. Vũ Minh Giang, trong lịch sử đã có những anh hùng dân tộc đã hóa thần trong lòng dân như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là một vị thần như thế…
Sống giữa cuộc đời và sống trong lòng dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người Việt Nam gọi bằng những cái tên trìu mến: Anh Cả, Anh Văn, bác Giáp, tướng Giáp...