Đại úy, ca sĩ Lương Nguyệt Anh: 'Học trò trưởng thành là phần thưởng lớn nhất'
Đại úy, thạc sĩ Lương Nguyệt Anh đã hỗ trợ học trò tìm kiếm hướng đi mới cho các ca khúc âm hưởng dân gian miền núi phía Bắc trong đời sống âm nhạc hiện đại.
Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (VHNTQĐ) vừa tổ chức chương trình biểu diễn đặc biệt nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học Phương pháp biểu diễn một số ca khúc mang âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc của học viên khoa Thanh nhạc, trường Đại học VHNTQĐ. Chủ nhiệm đề tài là Trung sĩ Bùi Thị Ngọc Trâm, lớp Trung cấp thanh nhạc H40, học trò của Đại úy, ca sĩ, thạc sĩ Lương Nguyệt Anh.
Lương Nguyệt Anh cùng Thiếu tá, thạc sĩ Đỗ Phương Mai - Trưởng khoa Thanh nhạc Đại học VHNTQĐ đã hỗ trợ học trò tìm kiếm những phương hướng, kiến giải mới trên con đường biểu diễn phục vụ công chúng và góp sức phát triển lĩnh vực đào tạo thanh nhạc của trường.
Chương trình biểu diễn có sự tham gia của những ca sĩ đã trưởng thành từ mái trường Đại học VHNTQĐ như Sèn Hoàng Mỹ Lam - Quán quân Sao mai dòng nhạc dân gian 2017, Quách Mai Thy - Quán quân Sao mai dòng nhạc dân gian 2019, Minh Hằng - Quán quân Tiếng hát Hà Nội 2022, ca sĩ Minh Đức…
Bám sát đề tài nghiên cứu, các tiết mục cho người xem thấy được không gian vô cùng rộng mở và quyến rũ của âm nhạc âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc. Từ đây, đem đến nhiều phong cách biểu diễn hiện đại nhưng vẫn giữ trọn vẹn bản sắc văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, chương trình lần đầu mang đến một số tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp Tây Bắc mới được sáng tác bởi chính các học viên của trường như Miền hoa ban (Ngọc Trâm), Về Tiên Yên nghe câu Soóng cọ (Bùi Tuấn Ngọc)… được khán giả khen ngợi.
Tham dự buổi biểu diễn có nhiều tên tuổi nổi tiếng như NSND Thanh Ngoan, NSND Hà Thủy, NSND Tự Long - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, Tiến sĩ - NSƯT Tân Nhàn - tân Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam…
NSND Hà Thủy đánh giá: “Các nghệ sĩ trẻ đã mang đến hơi thở mới cho âm nhạc dân gian. Dù chỉ là một mảng khái quát về dân gian miền núi phía Bắc nhưng gợi mở cho mọi người thấy rằng dân gian chính là hồn cốt của đất nước”.
Đại tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học VHNTQĐ, Chủ nhiệm Hội đồng nghiệm thu cho biết, trường đang nỗ lực phát huy mảng nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu đều được ứng dụng vào học tập cũng như giảng dạy của thầy cô và học viên. Trường Đại học VHNTQĐ đã tham gia vào nhiều đề tài cấp Bộ rất thành công, tính ứng dụng rõ rệt. Trong đó, hình thức thực hành biểu diễn và nghiên cứu khoa học là hai thế mạnh của nhà trường.
Đại úy, ca sĩ, thạc sĩ Lương Nguyệt Anh chia sẻ, bản thân cô là người hát dòng nhạc dân gian lại làm công tác đào tạo nên luôn mong muốn tìm kiếm những phương pháp giảng dạy, phong cách biểu diễn mới cho dòng nhạc mình theo đuổi.
“Tôi rất hạnh phúc khi thấy nhờ việc nghiên cứu, các học viên đã trưởng thành hơn, kết quả học tập tốt hơn. Đó chính là phần thưởng lớn nhất. Công trình nghiên cứu của thầy trò chúng tôi góp phần khẳng định vẻ đẹp, tính lan tỏa và tìm kiếm hướng đi mới cho các ca khúc âm hưởng dân gian miền núi phía Bắc trong đời sống âm nhạc hiện đại hôm nay”, thạc sĩ Lương Nguyệt Anh bày tỏ.
Thiên Di
Ảnh: BTC