Đại úy Chu Thị Hồng Hà: 'Ba bám, bốn cùng' với đồng bào vùng cao

Nhiều người dân ở vùng lòng hồ Cấm Sơn biết đến Đại úy Chu Thị Hồng Hà, Phó trưởng Công an xã Hộ Đáp (Lục Ngạn) không chỉ bởi chị là nữ cán bộ công an duy nhất trên địa bàn mà trong quá trình công tác chị đã để lại nhiều dấu ấn về tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt huyết. Đặc biệt, với sự khiêm tốn, giản dị, chân thành, biết lắng nghe chia sẻ, nữ cán bộ công an ấy đã nhận được niềm tin yêu, quý trọng từ đồng bào vùng cao.

Nói tiếng nói của đồng bào

Một chiều giữa tháng Tư, chúng tôi theo chân Đại úy Chu Thị Hồng Hà đến thăm gia đình các mế (mẹ) dân tộc Nùng ở thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp. Vừa nghe tiếng chị Hà ngoài cổng, các mế đã đon đả ra đón mời. Thế rồi cuộc trò chuyện bằng tiếng Nùng diễn ra hồi lâu, thi thoảng chị Hà lại phiên dịch giúp tôi sang tiếng Việt. Những cái nắm tay ấm áp và tiếng nói cười rôm rả, mế con quấn quýt tâm tình như những người ruột thịt trong gia đình.

 Đại úy Chu Thị Hồng Hà hỏi thăm, nắm bắt tình hình đời sống của đồng bào dân tộc Nùng thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp.

Đại úy Chu Thị Hồng Hà hỏi thăm, nắm bắt tình hình đời sống của đồng bào dân tộc Nùng thôn Cái Cặn, xã Hộ Đáp.

Đại úy Chu Thị Hồng Hà, sinh năm 1990, là người dân tộc Sán Dìu, quê ở xã Đông Hưng (Lục Nam). Năm 2012, chị về nhận công tác tại Công an huyện Lục Ngạn (cũ) với nhiều vị trí khác nhau. Năm 2023, khi đang ở Đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện), dù con còn nhỏ, chồng là bộ đội nhưng Đại úy Hà đã viết đơn bày tỏ nguyện vọng được chuyển công tác lên xã Hộ Đáp, cách nhà 20 km đường đèo.

Chia sẻ về lý do xin chuyển lên xã vùng cao, Đại úy Hà cho biết: “Khi còn làm ở Công an huyện, tôi có nhiều năm được giao phụ trách một số mảng tại xã Hộ Đáp nên nắm khá chắc tình hình địa bàn. Là người dân tộc Sán Dìu, tôi nghĩ mình có nét tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán với đồng bào Nùng nên sẽ thuận lợi hơn trong công việc. Ban đầu lãnh đạo đơn vị có chút băn khoăn bởi tôi là phụ nữ lại phải công tác xa nhà, giao thông khó khăn nhưng với lý do như trên, tôi đã được tạo điều kiện theo nguyện vọng”.

Hộ Đáp là xã vùng cao đặc biệt khó khăn với hơn 75% là người dân tộc Nùng. Theo Đại úy Hà, trong cuộc sống hằng ngày, bà con chủ yếu sử dụng tiếng dân tộc mình nên bất tiện cho bản thân chị trong giao tiếp. Xác định phương châm “ba bám, bốn cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số (bám địa bàn, bám dân, bám đường lối, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số), tranh thủ buổi trưa hoặc cuối giờ chiều, chị Hà thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đồng bào trong lao động, sản xuất… đây cũng là cơ hội để chị được các mế truyền dạy, bồi dưỡng tiếng Nùng.

Đến nay chị đã nghe, nói thành thạo tiếng dân tộc Nùng, thậm chí có thể hát được những làn điệu dân ca Sloong hao đơn giản, dễ nhớ. Cũng nhờ đó mà chị nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, thấu hiểu đời sống, phong tục và kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Tiếng Nùng cũng trở thành cầu nối để chị Hà đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào vùng cao. “Các mế xem tôi như con gái, vào những ngày lễ, Tết hay trong gia đình có việc trọng đại đều mời tôi tham dự. Mỗi khi có món gì ngon, các mế lại bảo con cháu gửi lên cho tôi. Có lần nghe tin tôi bị ốm, các mế từ tận thôn Khuôn Trang đi bộ ra đây đánh gió, tôi thực sự cảm động”, nữ Đại úy người Sán Dìu chia sẻ.

Phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy

Trong cuộc sống, Đại úy Chu Thị Hồng Hà luôn giản dị, khiêm tốn và gắn bó với đồng bào vùng cao. Còn trong công việc, chị luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tâm, góp phần gìn giữ an ninh, trật tự địa bàn, được chính quyền địa phương, cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Một trong những đóng góp tiêu biểu gần đây nhất của chị là công tác dân vận khi giải quyết vụ tranh chấp đất rừng tại thôn Khuôn Trang.

Đầu năm 2024, xuất phát từ việc người dân thôn Khuôn Trang lên diện tích đất sau khai thác rừng trồng của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn tự ý đốt dọn thực bì, mục đích lấn chiếm hơn 21 ha để trồng rừng kinh tế. Mặc dù chính quyền, đoàn thể địa phương và Công an xã tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ quy định của pháp luật song một số cá nhân vẫn tiếp tục đốt dọn thực bì trên khu đất này nhằm lấn chiếm, vụ việc có nguy cơ cao trở thành điểm nóng gây mất an ninh trật tự.

Với vai trò Phó trưởng Công an xã, Đại úy Chu Thị Hồng Hà đã phối hợp tiến hành điều tra cơ bản, đánh giá sự việc có thể xảy ra tiếp theo. Cùng đó, tích cực gặp gỡ vận động bà con kiềm chế, không để bị kích động, lôi kéo, tập trung đông người lên khu vực tranh chấp gây mất an ninh trật tự. Chị cũng đề xuất tổ chức giao lưu thể thao giữa Đoàn Thanh niên Công an huyện và Chi đoàn Thanh niên thôn Khuôn Trang, trong buổi giao lưu này, lãnh đạo Công an huyện trực tiếp gặp gỡ ban quản lý thôn, người có uy tín trong các dòng họ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như ý kiến Nhân dân.

Trong giai đoạn này, Đại úy Hà thường xuyên đến địa bàn thực hiện “ba bám, bốn cùng” với Nhân dân để nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tập trung đông người tại khu vực tranh chấp. Kết quả, qua các buổi đối thoại, Nhân dân đã đồng tình phương án trồng rừng liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn, đến nay an ninh trật tự tại thôn Khuôn Trang cơ bản ổn định trở lại, không xảy ra vụ việc phức tạp.

Trong suốt quá trình công tác, Đại úy Chu Thị Hồng Hà không quản gian khó, nỗ lực vươn lên, lập nhiều thành tích được Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khen thưởng. Chị là một trong những điển hình được tỉnh lựa chọn đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khen thưởng, biểu dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dai-uy-chu-thi-hong-ha-ba-bam-bon-cung-voi-dong-bao-vung-cao-postid416852.bbg