Đak Đoa quan tâm đầu tư hệ thống giao thông nội đồng
Những năm gần đây, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nội đồng. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống người dân.
Huyện Đak Đoa có diện tích đất sản xuất lớn với hơn 45.000 ha, trong đó hơn 28.000 ha cà phê, hơn 4.500 ha lúa và một số diện tích chanh dây, hồ tiêu, rau, củ, quả. Những năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường nội đồng để phục vụ sản xuất, trong đó có đường ra cánh đồng Cơ Dơ-nơi sản xuất nông nghiệp của người dân các xã Adơk, Glar và thị trấn Đak Đoa với tổng diện tích hơn 300 ha.
Hiện nay, xe công nông, xe máy cày đã có thể vào tận ruộng. Ông Trin (làng Adơk Kông, xã Adơk) phấn khởi nói: “Tôi có 6 sào lúa ở cánh đồng Cơ Dơ. Trước đây, việc đi lại rất khó khăn, vào mùa thu hoạch phải vất vả gùi từng bó lúa ra tận đường lớn. Giờ có đường bê tông, xe máy cày, xe công nông vào tận ruộng, giúp người dân chúng tôi tiết kiệm thời gian và công sức”.

Người dân xã ADơk đang cày đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa 2025. Ảnh: L.N
Đang dùng máy cày làm đất để gieo sạ lúa vụ mùa 2025 tại cánh đồng Cơ Dơ, ông Trinh (làng Hlâm, thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Ngày trước, máy móc không vào được tận ruộng nên mọi việc đều làm bằng tay. Bây giờ, có đường lớn vào tận ruộng, tôi có thể thuê máy cày, máy gặt đập liên hợp, công việc nhẹ nhàng và hiệu quả cao hơn”.
Từ năm 2020 đến nay, xã Adơk đã được đầu tư xây dựng 8,1 km đường giao thông nội đồng từ nguồn vốn của Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu-Phó Chủ tịch UBND xã Adơk-chia sẻ: “Việc xây dựng đường nội đồng không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Đường giao thông dẫn ra cánh đồng Cơ Dơ được bê tông hóa giúp người dân đi lại và sản xuất thuận lợi hơn. Ảnh: L.N
Tương tự, tại xã Glar, cùng với nguồn vốn nhà nước, người dân đã tích cực đóng góp tiền và ngày công để xây dựng và sửa chữa hệ thống giao thông nội đồng. Thời gian qua, địa phương đã bê tông hóa hơn 4,5 km đường trục chính ra khu sản xuất. Những con đường nội đồng không chỉ giúp bà con nông dân vận chuyển nông sản dễ dàng mà còn giảm chi phí sau thu hoạch.
Đặc biệt, việc áp dụng máy móc hiện đại như máy cày, máy gặt đã giúp bà con nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ông Chưp-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dôr 2 (xã Glar) cho hay: “Làng có 250 hộ với hơn 1.200 khẩu, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 97%. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chính như: cà phê, lúa nước. Thời gian qua, nhờ Nhà nước đầu tư các tuyến đường ra khu sản xuất mà người dân chúng tôi sản xuất thuận lợi hơn và giảm chi phí đầu tư”.
Hệ thống đường giao thông nội đồng tại xã Glar đã mở ra cơ hội để người dân phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, từ lúa nước, rau màu đến cà phê, hồ tiêu. Việc tiếp cận thị trường cũng trở nên thuận lợi hơn khi các phương tiện vận chuyển dễ dàng ra vào khu vực sản xuất.
Ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-thông tin: “Các tuyến đường mới đã tạo điều kiện để người dân kết nối với các hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Từ khi đường nội đồng được nâng cấp, người dân có thể đưa máy cày, máy gặt đập liên hợp vào tận ruộng. Nhờ đó mà việc sản xuất thuận lợi, năng suất tăng lên rõ rệt”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa-cho biết: Những năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư bài bản, nhất là giao thông nội đồng. Nhờ đó, huyện đã triển khai được các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung như: cà phê, hồ tiêu, lúa nước...
“Việc bê tông hóa các tuyến đường nội đồng không chỉ giúp phương tiện vận chuyển dễ dàng tiếp cận khu sản xuất, giảm chi phí và tổn thất sau thu hoạch mà còn tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất. Từ đó, giúp bà con thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đời sống từng bước cải thiện.
Ngoài ra, với các vùng chuyên canh cà phê, rau màu, lúa nước được mở rộng, người dân dễ dàng kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hướng đến xây dựng các mô hình cánh đồng lớn, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững hơn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa khẳng định.