Đắk Glong chú trọng đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Từ năm 2016 đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Đắk Glong đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn bố trí theo Chương trình 135 và địa phương là 38,32 tỷ đồng, huyện Đắk Glong đầu tư xây dựng 67 hạng mục, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh gồm 16 công trình đường giao thông, 28 nhà văn hóa, 21 công trình giáo dục và 2 công trình thể thao.

 Nhà văn hóa cộng đồng thôn 8, xã Đắk Ha được xây dựng khang trang

Nhà văn hóa cộng đồng thôn 8, xã Đắk Ha được xây dựng khang trang

Việc xây dựng các tuyến đường giao thông tại địa bàn các xã khó khăn như Đắk P’lao, Quảng Khê, Quảng Sơn, Quảng Hòa mang lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình như đường giao thông nội đồng thôn 8, xã Quảng Hòa giúp người dân đi lại sản xuất được thuận tiện, vận chuyển nông sản, hàng hóa dễ dàng, tiêu thụ kịp thời.

Anh Vương Văn Chiến ở xã Quảng Hòa cho biết: “Trước đây, đường chưa được làm, người dân đi lại rất khó khăn, vất vả, mùa vụ sản xuất bị ảnh hưởng, thậm chí bị ngưng trệ, không kịp gieo trồng, chăm sóc. Khi thu hái xong, vận chuyển không kịp thời nên sản phẩm bị hư hỏng, kém chất lượng, đồng nghĩa với việc giá cả thấp hơn. Kể từ khi tuyến đường được làm mới, giúp bà con ở đây chuyên chở nông sản kịp thời, không bị hư hỏng, giá cả ổn định hơn”.

Cùng với những tuyến đường giao thông, các nhà văn hóa cộng đồng, công trình thể thao được xây dựng, giúp người dân có địa điểm sinh hoạt văn hóa, biểu diễn văn nghệ, thi đấu trong các dịp lễ hội cũng như rèn luyện sức khỏe.

 Từ chương trình 135, Trường THCS Quảng Hòa được đầu tư khang trang

Từ chương trình 135, Trường THCS Quảng Hòa được đầu tư khang trang

Anh K’Mát ở xã Đắk R’măng cho hay: “Kể từ khi xây dựng nhà văn hóa cộng đồng ở các thôn, bon, người dân có nơi sinh hoạt, hội họp và biểu diễn các tiết mục văn nghệ trong các ngày lễ. Nhà văn hóa còn là nơi bà con thường xuyên đến trao đổi cách làm ăn, phát triển kinh tế, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, đây còn là điểm để người dân tập trung chơi các môn thể thao, giải trí sau một ngày làm việc cực nhọc”.
Địa phương còn chú trọng đến xây dựng trường học nhằm cải thiện cơ sở vật chất cho giáo dục, giúp xã vùng sâu vùng xa như Quảng Hòa, Đắk Som, Đắk R’măng, Đắk P’lao có cơ sở khang trang, học sinh có phòng học kiên cố, không bị ảnh hưởng quá trình học tập do thời tiết.

Theo bà Hoàng Thị Mỵ, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong, với việc đầu tư mạnh mẽ hạ tầng đường giao thông, trường lớp, nhà văn hóa cho đồng bào thiểu số đã mang lại những hiệu quả rõ ràng về nhiều mặt, không những thúc đẩy phát triển kinh tế mà đời sống tinh thần văn hóa ngày càng phong phú.

Các trường học trên địa bàn huyện giờ đây khang trang hơn, con em của đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường, đáp ứng nhu cầu về học tập. Đối với địa phương, khi có chủ trương, kế hoạch, bố trí nguồn vốn của các cấp luôn triển khai nhanh, kịp thời để công trình sớm hoàn thành đi vào phục vụ cho người dân đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: Phạm Khánh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/dak-glong-chu-trong-dau-tu-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-83510.html